Tín dụng thấp
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến hết 31/3, tín dụng tăng 1,3%. Trước đó, 2 tháng đầu năm, mức tăng chỉ 0,06%, thấp kỷ lục 6 năm bởi dịch Covid-19.
Trong quý I, các ngân hàng tiếp tục tung các gói tín dụng ưu đãi cho thấy, hệ thống sẵn sàng nguồn vốn lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, để được cho vay, các doanh nghiệp cần chứng minh đáp ứng điều kiện để kiểm soát rủi ro.
Việc ưu đãi lãi suất sử dụng chính nguồn lực của ngân hàng và người dân nên giải ngân cần hiệu quả, tránh phát sinh nợ xấu. Vả lại, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, cầu vốn của khách hàng giảm.
Theo nhận định của SSI Research, tín dụng tăng thấp có thể xuất phát từ việc ngân hàng thận trọng hơn khi giải ngân mới nhằm hạn chế rủi ro. Hiện các ngân hàng tiếp tục mở rộng gói cho vay ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân, song không dễ kích cầu tín dụng trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và kéo dài.
Viện Ðào tạo và Nghiên cứu, Ngân hàng BIDV nhận định, dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp và hộ gia đình gặp khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Dự báo, tăng trưởng tín dụng trong năm nay sẽ ở mức thấp hơn cùng kỳ các năm trước, cả năm tăng khoảng 9 - 11%.
Tín dụng tăng thấp, song ngành ngân hàng còn lo ngại nợ xấu gia tăng trong bối cảnh dịch Covid-19 sẽ kéo theo các khoản dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Tại cuộc họp trực tuyến Thủ tướng với các địa phương ngày 10/4/2020, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng lo ngại, nợ xấu sẽ tăng do những tác động của Covid-19.
Theo tính toán của NHNN, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã phân loại sẽ ở mức 1,9 - 3,2% vào cuối quý II và 2,6 - 3% vào cuối năm 2020.
Trường hợp dịch được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ tăng lên 4% và 3,7%, tương ứng cuối quý II và cuối năm nay. Thậm chí, nợ xấu có thể cao hơn, ảnh hưởng đến tiến độ cơ cấu, xử lý của các ngân hàng và khả năng phục hồi các nhà băng yếu kém.
Ðánh giá sơ bộ của NHNN cho thấy, khoảng 2 triệu tỷ đồng (23% dư nợ tín dụng) tiềm ẩn rủi ro. Trong đó, một số ngành chịu ảnh hưởng lớn như công nghiệp chế biến, chế tạo 520.000 tỷ đồng (6,3% dư nợ nền kinh tế); nông, lâm, thuỷ sản khoảng 157.000 tỷ đồng; khai khoáng 45.000 tỷ đồng.
Liên quan đến lợi nhuận, do tình hình dịch Covid-19 bắt đầu trở nên phức tạp kể từ giữa tháng 3 nên tác động của dịch bệnh đối với kết quả kinh doanh của hầu hết các ngân hàng trong quý I/2020 là không lớn.
Nhưng theo lãnh đạo các nhà băng, trong quý II, thu nhập từ lãi, thu nhập từ phí và thu hồi nợ xấu sẽ giảm khi các ngân hàng triển khai gói lãi suất cho vay ưu đãi, cắt giảm phí giao dịch và thanh toán.
Báo cáo cập nhật nhanh tác động của dịch Covid-19 tới ngành ngân hàng do SSI Research vừa đưa ra đã điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận trước thuế đối với 10 ngân hàng quy mô lớn được nghiên cứu, giảm 11,1% và giảm 16,4% so với dự báo trước đây để phản ánh tác động của dịch Covid-19 đối với kịch bản cơ sở và kịch bản xấu nhất.
Trong đó, kịch bản cơ sở cho rằng, dịch bệnh sẽ được kiểm soát vào cuối quý II/2020, trong khi đối với kịch bản xấu nhất, dịch bệnh sẽ không được kiểm soát đến cuối năm 2020. Lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng dự báo sẽ có mức tăng 7,2% và 0,8% so với cùng kỳ cho hai kịch bản được đề cập.
Lợi nhuận ra sao?
Ông Nguyễn Ðức Vinh, Tổng giám đốc VPBank vừa có thư gửi cổ đông trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến nhiều lĩnh vực và nền kinh tế.
Ông Vinh cho biết, dù bị ảnh hưởng, VPBank vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2020 về tăng trưởng tín dụng, doanh thu và lợi nhuận hợp nhất.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh còn ẩn chứa nhiều diễn biến phức tạp, các mục tiêu kinh doanh cả năm 2020 là thách thức không nhỏ với VPBank. VPBank hy vọng vào kịch bản lạc quan với sự ổn định của tình hình dịch bệnh ở Việt Nam và các nước vào cuối quý II.
Trong tình huống dịch Covid-19 kéo dài sang quý III hoặc muộn hơn và kinh tế tiếp tục đình trệ, mục tiêu là đảm bảo an toàn vốn, tài sản và ổn định nguồn thu cùng với việc triệt để tiết kiệm chi phí đảm bảo ngân hàng có đủ thanh khoản và sẵn sàng ứng phó với các rủi ro phát sinh.
Song song với đó, Ngân hàng chủ động đánh giá và lên các kế hoạch thúc đẩy kinh doanh chuẩn bị cho hậu Covid-19.
Phó Chủ tịch Techcombank, ông Ðỗ Anh Tuấn cho rằng, tuy diễn biến dịch bệnh phức tạp, nhưng Ngân hàng vẫn nỗ lực để đạt được kết quả đề ra trong quý I.
Mặt khác, theo ông Tuấn, hoạt động kinh doanh tháng 2 trong mùa dịch, nhưng tháng 1/2020 là thời điểm tín dụng của Ngân hàng tăng, do nhu cầu vốn của khách hàng trong mùa cao điểm Tết nên sẽ bù đắp cho các tháng khác trong quý I.
Với kết quả kinh doanh năm qua đạt gần 13 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, song Techcombank vẫn chưa hé lộ kế hoạch lợi nhuận năm 2020 cho đến trước cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay.
Quay lại với báo cáo đánh giá của SSI Research, đơn vị này ước tính, lợi nhuận trước thuế quý I/2020 của ACB đạt khoảng 1.800 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019.
TPBank được dự báo lợi nhuận trước thuế quý I/2020 khoảng 1.000 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng và tiền gửi tăng lần lượt là 9% và 6% so với đầu năm.
Trong khi đó, Vietcombank có số tuyệt đối tích cực nhất với mức dự báo lợi nhuận trước thuế quý I/2020 đạt 6.100 tỷ đồng, tăng 3% nhờ tăng trưởng tín dụng và tiền gửi tăng lần lượt 3% và tăng 2% so với đầu năm.
Tỷ lệ tăng rất cao thuộc về VIB, ước tính ghi nhận khoảng hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế quý I, tương đương mức tăng 30% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, VPBank vẫn đạt mức tăng trưởng tín dụng tốt trong quý I/ 2020, xấp xỉ tăng 6% so với đầu năm và ghi nhận một phần lợi nhuận từ danh mục trái phiếu trong 2 tháng đầu năm nên ước tính nhà băng này có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận hai con số trong quý đầu năm nay.
Với BIDV, SSI Research ước tính, thu nhập hoạt động trước trích lập dự phòng (PPOP) quý I/2020 ở mức 7.400 tỷ đồng (giảm 4% so với cùng kỳ), do tăng trưởng tín dụng và huy động giảm lần lượt 1% và 0,8% so với đầu năm.
Lợi nhuận trước thuế quý I ước tính ở mức 1.850 tỷ đồng, giảm 28,6% so với cùng kỳ do chi phí dự phòng tăng mạnh.
VietinBank được SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế khoảng 3.100 tỷ đồng trong quý I, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, dựa trên tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt giảm 1,2% và 1,5% so với đầu năm.
Ngân hàng đã tăng chi phí dự phòng đáng kể trong quý đầu năm để chuẩn bị tốt cho nguy cơ tăng nợ xấu trong quý II.
Trích lập dự phòng cũng là câu chuyện ở MB, SSI Research dự báo, nhà băng này sẽ tăng trích lập dự phòng trong quý I/2020 để tạo bộ đệm vốn trong các quý tới, ngay cả khi các khoản nợ xấu chưa tăng.
Do đó, chi phí dự phòng có thể tăng 30 - 35%, dẫn đến lợi nhuận trước thuế hầu như không đổi hoặc giảm nhẹ từ 0,5 - 0,7% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, các con số trên mới chỉ là dự báo, các báo cáo chính thức dự kiến sẽ được công bố trong thời gian cuối tháng này, hoặc tại đại hội đồng cổ đông, bao gồm cả chỉ tiêu kinh doanh mới thay thế những kế hoạch được lập vào tháng 1 khi dịch bệnh chưa trở nên phức tạp.
Sớm nhất, BIDV cho biết, sẽ điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận năm 2020 khi cần thiết so với kế hoạch đưa ra ban đầu là 12.500 tỷ đồng trước thuế.
Nam A Bank dự kiến thu về 800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm nay, thấp hơn 100 tỷ đồng so với năm vừa rồi.
Tại SHB, lãnh đạo giảm 50% lương, giảm 1.000 tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong khi đó, MSB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 tăng 12%, đạt 1.439 tỷ đồng.