Nguồn thu ngoài lãi tăng
Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế cả năm qua ở mức 12,8 nghìn tỷ đồng, tăng 31,5% so với 2018 và thu nhập hoạt động đạt 21,1 nghìn tỷ đồng, nối tiếp chuỗi tăng trưởng doanh thu 17 quý liên tiếp.
Theo đó, thu nhập lãi thuần cả năm 2019 của Techcombank đạt 14,3 nghìn tỷ đồng, tăng 25,2% so với năm 2018. Còn thu nhập ngoài lãi của ngân hàng này năm qua tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước đó, lên 6,8 nghìn tỷ đồng và chiếm 32,3% tổng doanh thu.
Trong năm 2019, Techcombank đã có thêm 1,1 triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên 7,3 triệu.
Tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử e-banking tăng từ 56% lên 76% so với năm 2018.
Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh di động lần lượt đạt 172 triệu giao dịch (tăng 217% so với cùng kỳ) và 2,6 triệu tỷ đồng (tăng 244% so với cùng kỳ), cho thấy sự tiện ích và ưu tiên vượt trội của khách hàng đối với các giải pháp giao dịch điện tử của Ngân hàng.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư chiều ngày 15/1 vừa qua, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, kết thúc năm 2019, Ngân hàng đạt 7.500 tỷ đồng lợi nhuận so với mục tiêu đặt ra đầu năm qua là 7.279 tỷ đồng.
HĐQT ACB dự kiến trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2020 ở mức 8.700 tỷ đồng tại kỳ ĐHCĐ thường niên năm nay dự diễn ra trong quý I hoặc quý II/2020.
Theo ông Toàn, năm 2020, chiến lược của ACB là tiếp tục đẩy mạnh bán lẻ, tăng nguồn thu từ dịch vụ. ACB chủ yếu cho vay nhỏ, lẻ và lợi thế cạnh tranh của Ngân hàng là trong nhóm khách hàng cá nhân ACB đi vào phân khúc trung bình cao.
Để thúc đẩy mảng bán lẻ nhanh, ACB sẽ đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm đầu ra phù hợp cũng như đầu tư quy trình, chính sách và nguồn nhân lực tương ứng.
HDBank cũng vừa báo lãi trên 5.018 tỷ đồng năm qua, tăng 25,3% so với 2018. Các chỉ tiêu hoạt động quý IV/2019 của ngân hàng này đã ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ.
Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 2.888 tỷ đồng, tăng 33,6% so với quý IV/2018. Đáng chú ý, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng trưởng mạnh mẽ 65,2%, góp phần đưa tổng thu nhập hoạt động (TOI) lên 3.344 tỷ đồng, tăng 25,8%.
Trong khi đó, chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng được kiểm soát tốt. Nhờ vậy, lợi nhuận trước thuế quý IV/2019 của Ngân hàng đạt mức 1.570 tỷ đồng, tăng 40,1% so với quý IV/2018.
Tính chung cả năm 2019, thu nhập lãi thuần hợp nhất đạt 9.747 tỷ đồng, tăng 27,5% so với năm 2018. Biên lãi thuần (NIM) tăng từ mức 4,2% cuối năm 2018 lên 4,8% và HDBank là một trong những ngân hàng có NIM tốt nhất hiện nay.
Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh 36%, đạt 596 tỷ đồng. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nguồn thu nhập chính này đã giúp TOI lần đầu tiên trong lịch sử HDBank đạt 11.388 tỷ đồng, tăng 20,6%.
Kết thúc năm 2019, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng HDBank đạt 5.018 tỷ, tăng 25,3% so với năm 2018 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Lợi nhuận sau thuế nhà băng đạt 4.020 tỷ đồng, tăng 25,6%.
Với kết quả tích cực như trên, HDBank một lần nữa vào top các ngân hàng dẫn đầu về tỷ suất sinh lời. Cụ thể, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) đạt hơn 1,8% và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) đạt 21,6%.
Lũy kế năm 2019, lãi thuần của OCB gần 4.115 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với 2018. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 62%, lên 546 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của OCB năm qua là 301 tỷ đồng, giảm 24%. Ngân hàng lãi trước thuế gần 1.289 tỷ đồng, gấp 3,6 lần năm trước đó. Nhờ vậy, cả năm qua OCB đạt 3.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM dự báo, thu nhập dịch vụ ngành ngân hàng sẽ tiếp tục mở rộng trong năm 2020, trong đó động lực chủ yếu được thúc đẩy bởi dịch vụ phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance).
Theo nhận định của CTCK Rồng Việt (VDSC), mảng bảo hiểm nhân thọ sẽ còn tiếp tục thâm nhập sâu với mức tăng trưởng tốt, qua đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng thu nhập từ bancassurance của các ngân hàng.
Viecombank, ACB được dự báo là những ngân hàng tiếp theo có sự tăng trưởng đáng kể trong thu nhập từ bảo hiểm hàng năm, nhờ các thỏa thuận bancassurance mới được ký kết trong năm 2019.
Cụ thể, Vietcombank đã ký độc quyền với hãng bảo hiểm nhân thọ FWD vào tháng 11/2019; ACB ký không độc quyền với Manulife vào tháng 9/2019 và FWD vào tháng 12/2019.
Dự phòng giảm mạnh
Năm 2019, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng được HDBank kiểm soát ở mức thấp nhờ chất lượng tài sản thuộc nhóm tốt nhất toàn ngành.
Hệ số chi phí hoạt động trên tổng thu nhập (CIR) của HDBank tiếp tục được cải thiện trong năm qua, đạt 44,6%, tốt hơn đáng kể mức 47% của năm 2018.
Tính đến ngày 31/12/2019, dư nợ tín dụng (bao gồm cho vay khách hàng và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp) của Ngân hàng đạt 153.004 tỷ đồng, tăng trưởng cao hơn mức bình quân của toàn ngành.
Trong đó, dư nợ tín dụng của Ngân hàng mẹ đạt 140.422 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ nợ xấu được HDBank kiểm soát ở mức thấp, dưới 1%.
Sở dĩ dự phòng rủi ro giảm, theo HDBank, là do Ngân hàng tiếp tục tập trung tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, với rủi ro được kiểm soát tốt và hiệu quả cao như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, cho vay phục vụ sản xuất - kinh doanh, tài trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).
Mảng tài chính tiêu dùng, 1 trong 3 động lực tăng trưởng của Ngân hàng, bên cạnh các mảng bán lẻ và SME, cũng ghi nhận sự bứt phá với tăng trưởng dư nợ trên 18%.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh tích cực, HDBank cũng tiên phong áp dụng các chuẩn mực quốc tế tốt nhất về quản trị, trong đó có Basel II.
Trong năm vừa qua, HDBank được Thống đốc NHNN chấp thuận cho áp dụng tiêu chuẩn Basel II trước thời hạn và hiện hệ số CAR theo Basel II đạt 11,25%, cao hơn nhiều mức tối thiểu 8% theo quy định.
Tương tự, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản của Techcombank năm 2019 đạt 2,9%, là mức cao nhất trên thị trường và khẳng định thành công của chiến lược rủi ro thấp - lợi nhuận cao của Ngân hàng.
Theo đó, chi phí dự phòng Techcombank năm qua giảm 50,3% nhờ chất lượng tài sản lành mạnh và chiến lược quản trị rủi ro thận trọng.
Cụ thể, tổng tài sản Techcombank đến cuối năm 2019 tăng 19,5% so với cuối năm 2018, đạt mức 383,7 nghìn tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng tín dụng là 18,8%.
Tổng huy động tăng 14,8%, lên tới 231,3 nghìn tỷ đồng, trong đó CASA tăng trưởng mạnh mẽ 37,9% so với cuối năm 2018, đạt mức 79,7 nghìn tỷ đồng, đưa tỷ lệ CASA của Ngân hàng lên mức kỷ lục 34,5%.
Techcombank duy trì thanh khoản dồi dào với tỷ lệ cho vay trên tiền gửi đạt 76,3% và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ở mức 38,4%.
Techcombank cũng là ngân hàng duy trì được vị thế vốn hàng đầu Việt Nam với tỷ lệ an toàn vốn cuối kỳ theo Basel II đạt 15,5%, cao gần gấp đôi so với yêu cầu tối thiểu của Trụ cột I Basel II. Tỷ lệ nợ xấu Techcombank tại thời điểm cuối năm qua chỉ ở mức 1,3%.
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng ACB năm 2019 ở mức 16,8%. Ngân hàng này đã tất toán trái phiếu VAMC trước năm 2017 và từng bước xử lý.
Trước khi mua nợ xấu VAMC về, ACB đã xử lý một số nợ xấu và tiếp tục xử lý sau đó.
Theo ACB, chất lượng nợ Ngân hàng bán cho VAMC rất tốt, vì hầu hết có tài sản bảm đảm bằng bất động sản. Vì thế, sau khi mua lại nợ xấu của VAMC, ACB đã tiến hành bán luôn.
Hiện chỉ còn mấy chục tỷ đồng nợ xấu bán cho VAMC là của ACB Leasing, chứ không phải của Ngân hàng và năm nay ACB sẽ tiến hành mua lại để xử lý.
Do đó, ACB không còn áp lực trích dự phòng rủi ro như những năm trước, khi còn các khoản nợ của liên quan đến nhóm 6 công ty của ông Nguyễn Đức Kiên.
Với kết quả đạt được vượt chỉ tiêu, ACB dự kiến chia cổ tức 2019 mức 30%, trong đó 20% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.
Kế hoạch này cũng đã được HĐQT ACB đưa ra trong kỳ ĐHCĐ thường niên 2019. Còn kế hoạch cổ tức 2020 của ACB dự kiến sẽ được HĐQT trình ĐHCĐ trong kỳ họp tới ở mức 25%.
Có thế thấy, ACB là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lãi cao những năm gần đây.
Động lực của sự tăng trưởng ấn tượng này ngoài các hoạt động kinh doanh chính, còn đến từ việc lãi từ hoạt động khác tăng vọt 2 lần và chi phí dự phòng rủi ro giảm đột ngột 3 năm qua, do đã xử lý nợ liên quan đến 6 công ty bầu Kiên.
Kết thúc quý IV/2019, các chỉ tiêu kinh doanh của Nam A Bank đã “cán đích” thành công, nhiều chỉ tiêu quan trọng đã hoàn thành vượt kế hoạch như: lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 25% so với năm 2018 đạt gần 1.000 tỷ đồng.
Một phần nguyên nhân do nhà băng này đã sớm tất toán trái phiếu VAMC từ giữa năm 2019. Nam A Bank trở thành 1 trong 10 ngân hàng thương mại Việt Nam tất toán toàn bộ nợ xấu tại VAMC. Tỷ lệ nợ xấu luôn được nhà băng này kiểm soát dưới 3% theo quy định của NHNN.
VPBank và TPBank cũng đã tất toán hết nợ VAMC còn lại trong năm 2019. Do đó, tỷ lệ chi phí dự phòng so với thu nhập hoạt động dự kiến sẽ giảm vào năm 2020.