Lạc quan
Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, 3 tháng đầu năm, lợi nhuận ước đạt được của Ngân hàng là 750 tỷ đồng trước thuế. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế Sacombank đưa ra trong năm nay là 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Khang, để đạt được mức lợi nhuận này, đòi hỏi Ngân hàng phải nỗ lực lớn, với tình hình tín dụng cải thiện trong những quý còn lại của năm.
Tăng trưởng tín dụng của Sacombank tính đến giữa tháng 4/2014, so với cuối năm 2013, là 4,7%. Trong đó, dư nợ của khối khách hàng cá nhân vẫn chiếm trên 50% tổng dư nợ và theo ông Khang, đây là lợi thế để Ngân hàng gia tăng nguồn thu từ lĩnh vực bán lẻ. Tuy nhiên, với số dư nợ còn lại đối với khách hàng doanh nghiệp, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro có thể vẫn cao và sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận chung của Ngân hàng.
Techcombank cũng vừa đưa ra báo cáo tài chính quý I/2014, với lợi nhuận trước thuế đạt 673 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ, bằng 57% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2014. Trong đó, thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt 435 tỷ đồng, chiếm 65% tổng lợi nhuận trước thuế, tăng đáng kể so với số cùng kỳ năm ngoái lần lượt là 122 tỷ đồng và 30%. So với lợi nhuận của Techcombank trong cả năm 2013 là 878 tỷ đồng thì lợi nhuận quý I năm nay đã bằng 76,6%. Cũng trong quý I, huy động tiền gửi từ khách hàng của Ngân hàng tăng 3,36% so với 124.014 tỷ đồng cuối năm 2013; cho vay khách hàng tăng 2,25% so với 71.858 tỷ đồng cuối năm 2013.
Lãnh đạo Techcombank cho biết, đầu năm 2014, kinh tế thế giới và Việt Nam có dấu hiệu phục hồi song vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn và thách thức cho ngành ngân hàng. Vì vậy, trong 3 tháng đầu năm 2014, Techcombank tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ, gia tăng sự hài lòng của khách hàng, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh cốt lõi, góp phần tăng lợi nhuận.
BIDV cũng cho biết, đến hết quý I/2014, Ngân hàng đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh doanh. Cụ thể, tổng tài sản đạn 576.000 tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm trước. Huy động vốn tăng 3,2% lên 431.000 tỷ đồng; dư nợ tín dụng 398.000 tỷ đồng, tăng 2,7%, nợ xấu dưới 2%; lợi nhuận trước thuế 1.800 tỷ đồng.
Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên ngày 25/4, lãnh đạo BIDV cho biết, Ngân hàng dự kiến đạt tổng chênh lệch thu chi năm 2014 là 15.000 tỷ đồng, trong đó có 9.000 tỷ đồng dự phòng rủi ro; cổ tức dự kiến không thấp hơn 9%; huy động vốn và dư nợ tín dụng cùng tăng 13%; nợ xấu dưới 3%. Ngân hàng cũng dự kiến trình kế hoạch tăng vốn điều lệ từ mức 28.112 tỷ đồng lên 33.570 tỷ đồng. Năm 2013, BIDV đạt 5.290 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 22,3% so với 2012; huy động vốn tăng 16,4%; trong khi tín dụng tăng 16,7%.
Khiêm tốn
Trong khi đó, ở một số nhà băng khác, lợi nhuận đạt được trong quý I năm nay vẫn ở mức khiêm tốn, do phải trích dự phòng ngay từ đầu năm. Đơn cử tại ACB, theo ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc, ngay trong quý đầu năm 2014, Ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro khá mạnh và có chiến lược dàn trải dự phòng cho cả năm, thay vì tập trung vào quý IV như những năm trước. Vì thế, quý I/2014, ACB chỉ đạt lợi nhuận trước thuế 303 tỷ đồng. Nhưng theo ông Toàn, con số này cũng giúp Ngân hàng tin tưởng sẽ đạt được kế hoạch hơn 1.100 tỷ đồng đề ra cho cả năm. Về việc bán nợ cho VAMC, năm 2013, ACB bán 423 tỷ đồng, thu về 318 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt, nhưng cũng đã trích dự phòng trên 500 tỷ đồng.
Navibank cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2014. Do thu nhập từ lãi của ngân hàng này giảm mạnh 20,6% so với cùng kỳ, còn 566,92 tỷ đồng, nên thu nhập lãi thuần chỉ đạt 128 tỷ đồng, giảm 14,95% so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối lãi 4,35 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lãi 8,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 2,31 tỷ đồng, hoạt động dịch vụ và hoạt động khác lần lượt lỗ 0,38 tỷ đồng và 2,1 tỷ đồng. Tính tổng, lợi nhuận sau thuế của Navibank quý I/2014 chỉ đạt 2,46 tỷ đồng, giảm gần 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ nợ xấu của Navibank đến cuối quý I/2014 tuy đã giảm so với mức 6,07% vào cuối năm 2013, nhưng hiện vẫn còn ở mức khá cao 5,53%.
Navibank lý giải, lợi nhuận quý I/2014 giảm mạnh so với cùng kỳ là do trong quý này Ngân hàng đã thực hiện các chương trình cho vay lãi suất ưu đãi đối với khách hàng nhằm khuyến khích sản xuất và tiêu dùng. Xuất phát từ chủ trương này, thu nhập lãi thuần của Navibank trong quý đã giảm 15% so với cùng kỳ. Điều đó dẫn đến lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng giảm so với cùng kỳ năm trước, cho dù tín dụng tăng 15%.
Theo lãnh đạo Navibank, năm 2014, Ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ từ 3.010 tỷ đồng lên 4.510 tỷ đồng (thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi), giảm tỷ lệ nợ xấu về mức 3%, lợi nhuận trước thuế 96,3 tỷ đồng.
Trong khi đó, quý I/2014, TPBank đã hoàn thành vượt mọi chỉ tiêu đề ra, lợi nhuận lũy kế đạt trên 20% kế hoạch cả năm, huy động tăng 8%, dư nợ tăng 12% so với quý trước đó. TPBank tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch năm 2014 để từng bước chinh phục mục tiêu đứng vào hàng ngũ các ngân hàng có lợi nhuận trước thuế trên 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, để đạt được mục tiêu lợi nhuận cao trong năm nay là không dễ đối với các ngân hàng. Bởi nợ xấu vẫn là mối đe dọa trích lập dự phòng cao. Dù các ngân hàng đã tích cực bán nợ xấu cho VAMC, song vẫn phải trích lập 20% mỗi năm cho trái phiếu do VAMC phát hành. Mặt khác, tăng trưởng tín dụng trong năm nay dự báo sẽ còn nhiều khó khăn và chênh lệch lãi suất thu hẹp dần.