Những năm trước, khi hoạt động của DN chưa gặp khó khăn và tín dụng tăng trưởng tốt, lợi nhuận của các nhà băng kỳ vọng nhiều vào các khoản vay lớn cho khách hàng lớn. Song qua trao đổi với một số lãnh đạo ngân hàng, được biết, tăng trưởng dư nợ trong 3 quý đầu năm nay chủ yếu tập trung ở khối khách hàng cá nhân, cho vay nhỏ lẻ, thay vì DN lớn như các năm trước đây.
Cụ thể, tại VietCapital Bank, 8 tháng đầu năm, tín dụng tăng 9%. Trong đó, theo một lãnh đạo cấp cao của nhà băng này, tăng trưởng tín dụng của khối cá nhân chiếm hơn 50% dư nợ. Lãnh đạo VietCapital cũng cho hay, trong bối cảnh thị trường hiện nay, muốn đẩy mạnh tín dụng khối khách hàng DN là không dễ.
NamA Bank cho biết, cho vay nhỏ lẻ chiếm phần lớn trong tăng trưởng dư nợ tín dụng 3 quý đầu năm nay của Ngân hàng và NamA Bank có chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cho vay ở phân khúc này. Đó cũng chính là chiến lược của nhiều ngân hàng hiện nay. Chủ trương chung là đẩy mạnh cho vay phân tán, thông qua các chương trình tín dụng tiêu dùng, mua nhà, xe ô tô. Điển hình như OCB cho biết, Ngân hàng đang tung ra nhiều gói cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi để kích thích nhu cầu tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cá nhân.
Tổng giám đốc OCB, ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, mặc dù đã hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm trong 2 quý hoạt động đầu năm. Song do tình hình nợ xấu vẫn là nguy cơ rình rập khi sức cầu của nền kinh tế chưa được cải thiện nhiều, sức khỏe DN yếu, nên Ngân hàng phải kiểm soát chặt hơn nữa chất lượng khoản vay. Trong khi đó, nguồn thu chính đóng góp vào lợi nhuận lâu nay vẫn từ tín dụng. Vì vậy, để đạt được mục tiêu đề ra trong thời gian từ nay đến cuối năm, OCB sẽ tập trung đẩy mạnh cho vay phân tán. Kết quả Ngân hàng đạt được trong việc tập trung cho vay nhỏ lẻ cũng rất khả quan. Theo kế hoạch, OCB kỳ vọng tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng đạt 70% tổng dư nợ năm 2013.
So với các nhà băng khác, Sacombank là một trong những ngân hàng có tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt mức cao trong hơn 6 tháng đầu năm với gần 13%. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Gia Định, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank, phần lớn dư nợ được đóng góp từ cho vay nhỏ, lẻ, với hơn 60% tổng dư nợ của Ngân hàng. Với dư địa tín dụng còn lại trong năm (sau khi được NHNN chấp thuận cho tăng room lên 20%), Sacombank sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược cho vay phân tán. Bởi theo ông Định, tiềm năng và dư địa của một đất nước gần 90 triệu dân của Việt
Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng nữa là phát triển tín dụng nhỏ lẻ sẽ mang lại nguồn thu cao hơn cho ngân hàng. Chẳng hạn, với mức chênh lệch lãi suất giữa đầu vào và đầu ra khoảng 4%/năm, nếu cho vay 1.000 tỷ đồng thì mỗi năm, tổ chức tín dụng sẽ nhận được khoảng 40 tỷ đồng lợi nhuận. Nhưng nếu một món vay khoảng 400 tỷ đồng trở thành món nợ xấu và có khả năng mất vốn thì ngân hàng phải cho vay được 4.000 tỷ đồng mới có thể thu được lợi nhuận để bù cho 400 tỷ đồng đã mất.
Lợi nhuận cũng chính là lý do các nhà băng tập trung đẩy mạnh cho vay ở phân khúc khách hàng cá nhân trong thời gian gần đây. Số liệu thống kê của NHNN TP. HCM cho thấy, các NHTM cổ phần trên địa bàn đều có tỷ lệ dư nợ tiêu dùng tăng cao. Cụ thể, dư nợ cho vay tiền đồng của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố ước tính đến 31/8/2013 đạt khoảng 743.665 tỷ đồng, tăng 11,55% so với cuối năm 2012. Trong đó, dư nợ cho vay của 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên theo báo cáo của các ngân hàng trên địa bàn, có tổng dư nợ nhóm này khoảng 123.532 tỷ đồng, cho thấy dư nợ tín dụng đang nghiêng về lĩnh vực cho vay tiêu dùng.
Tuy nhiên, đi kèm với lợi nhuận cao, rủi ro cũng gia tăng đối với hoạt động cho vay nhỏ, lẻ. Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng cho vay thể nhân của các ngân hàng trên địa bàn hiện đạt mức 40% so với cuối năm trước. Trong đó, đáng chú ý là với lĩnh vực thẻ, thông qua hình thức thấu chi tăng trưởng ở mức độ nhanh. Nhưng đi kèm là nợ xấu trong lĩnh vực thẻ phát sinh nhanh trong thời gian qua. Vì thế, NHNN đã có cảnh báo các NHTM về những nguy cơ có thể đến nếu đẩy mạnh cho vay tiêu dùng quá mức.