Lợi nhuận ngân hàng giảm không chỉ vì tín dụng ì ạch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng thấp, chi phí đầu vào tăng, nguồn thu phi tín dụng khó tăng và nguy cơ nợ xấu tạo áp lực lên dự phòng rủi ro khiến lợi nhuận của nhiều ngân hàng suy giảm trong nửa đầu năm 2023.
Lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng năm 2023 được dự báo có thể chỉ tăng khoảng 10%. Lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng năm 2023 được dự báo có thể chỉ tăng khoảng 10%.

Kết quả kinh doanh kém sắc

Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong quý II/2023 tương đương quý I khi đạt 5.649 tỷ đồng, nhưng lũy kế nửa đầu năm nay là gần 11.300 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước (14.106 tỷ đồng). Nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận suy giảm là do chi phí huy động tăng nhanh, biên lãi ròng (NIM) suy giảm do tăng chi trả lãi tiền gửi (gấp 2,8 lần) và lãi tiền vay (gấp 4,2 lần), dẫn đến quy mô thu nhập lãi thuần thu hẹp còn 12,8 nghìn tỷ đồng, giảm 19,4% so với cùng kỳ.

Lãi từ hoạt động dịch vụ của Techcombank trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng 8%, thu về gần 3.964 tỷ đồng, nhờ thu dịch vụ thanh toán và tiền mặt tăng 68%, đạt 4.166 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ngân hàng phải trích gần 1.342 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2 lần cùng kỳ, do đó lãi trước thuế giảm 20%, còn hơn 11.272 tỷ đồng (kế hoạch cả năm 2023 là đạt 22.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế).

TPBank, ABBank, LPBank, PGBank và mới nhất là Saigonbank vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023, với lợi nhuận sau thuế suy giảm. Tổng lãi ròng của 5 ngân hàng này giảm 46,2% so với cùng kỳ và giảm 35,8% so với quý I/2023, chủ yếu là do NIM thu hẹp, tín dụng tăng thấp và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh. Kết quả kinh doanh của các ngân hàng này phần nào phản ánh bức tranh lợi nhuận kém tích cực của ngành trong quý II/2023 cũng như hiện tại, do một số hệ lụy từ những diễn biến bất lợi gần đây trên thị trường bất động sản và nhu cầu vay vốn cho sản xuất - kinh doanh thấp do cầu tiêu dùng yếu.

Kinh tế có những khó khăn, thách thức khiến phần lớn các mảng kinh doanh trong quý II/2023 của LPBank đều kém hơn so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, thu nhập lãi thuần giảm 20%, xuống 2.450 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 18%, xuống 249 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 64%, xuống 19 tỷ đồng; hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư bị lỗ 4,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 356 tỷ đồng.

Theo LPBank, tình hình kinh tế thế giới và trong nước biến động đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhiều cá nhân và doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kinh tế, trong đó có ngành ngân hàng. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm 2023 đến nay, LPBank đã triển khai các chính sách, gói hỗ trợ lãi suất cho vay và giảm phí, lệ phí cho khách hàng, việc này ảnh hưởng đến NIM, nhất là khi lãi suất huy động tăng cao. Lãi trước thuế quý II/2023 của LPBank giảm 51% so cùng kỳ, còn hơn 880 tỷ đồng, dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 18%, xuống gần 526 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế của LPBank là hơn 2.446 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ, chủ yếu do thu nhập lãi thuần giảm 12%, xuống 5.224 tỷ đồng.

Dự báo lợi nhuận năm 2023 vẫn tăng

TPBank, ABBank, LPBank, PGBank, Saigonbank ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II/2023 suy giảm so với cùng kỳ.

NIM của nhiều ngân hàng tiếp tục thu hẹp trong quý II/2023 khi nguồn vốn huy động giá cao chưa được hấp thụ hết, đồng thời nguồn vốn giả rẻ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) giảm mạnh. Trong đó, nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước có NIM duy trì mức thấp do áp lực giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế với các gói vay ưu đãi quy mô lớn kể từ đầu năm 2023.

Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, thực hiện các chỉ đạo, định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, VietinBank là một trong các ngân hàng tiên phong nỗ lực giảm lãi suất huy động, đồng thời tiết giảm chi phí hoạt động, duy trì mặt bằng lãi suất cho vay trong nhóm thấp nhất thị trường. Số dư tín dụng được hỗ trợ lãi suất tại Ngân hàng đạt hơn 12.000 tỷ đồng, với số tiền hỗ trợ hơn 130 tỷ đồng.

Hiện tại, VietinBank chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 cũng như con số lợi nhuận cụ thể, nhưng theo dự báo trước đó của các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI, lãi trước thuế trong quý thứ hai năm 2023 có thể đạt 6.200 - 6.500 tỷ đồng, tăng 7 - 13% so với cùng kỳ năm trước, với tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt là 6,6% và 4,9% so với đầu năm nay.

Thực tế cho thấy, không chỉ NIM thu hẹp, mà nguồn thu ngoài lãi của nhiều nhà băng sụt giảm trong nửa đầu năm 2023, nhất là đối với mảng bảo hiểm, vốn mang lại nguồn thu lớn cho ngân hàng ở các năm trước thì năm nay bị ảnh hưởng khá nặng.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho hay, thu nhập ngoài lãi quý I/2023 chiếm trung bình 20% trong cơ cấu thu nhập của các ngân hàng, giảm 21,7% so với cùng kỳ khi các hoạt động dịch vụ, đầu tư chứng khoán giảm. Còn thu nhập từ bán chéo bảo hiểm (chiếm khoảng 30% thu nhập dịch vụ) bị ảnh hưởng do các cơ quan quản lý đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra và thu nhập của người dân giảm sút. Sau 4 tháng đầu năm 2023, doanh thu khai thác mới qua kênh bancassurance toàn thị trường ghi nhận giảm 38% so với cùng kỳ, theo đó lãi từ phí bảo hiểm cả năm dự báo giảm 10 - 15%.

Mặc dù vậy, một số ngân hàng sẽ tiếp tục ghi nhận một phần phí trả trước cho hợp đồng bancassurance độc quyền đã ký kết như Vietcombank, ACB, VietinBank, MSB, Sacombank, VPBank, LPBank. Bên cạnh đó, thị trường ghi nhận hợp đồng bancassurance gia hạn của VIB trong quý II/2023 và đang kỳ vọng thương vụ ký kết mới của HDBank trong năm 2023 - 2024…

NIM toàn ngành được kỳ vọng sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 2023, nhờ lãi suất huy động giảm. Đặc biệt, sau khi Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành, lãi suất huy động giảm nhanh, lãi suất cho vay ghi nhận giảm khoảng 1%/năm tại các khoản vay phát sinh mới, nhưng thời điểm giảm lãi suất của các khoản vay hiện hữu có độ trễ 3 - 6 tháng so với lãi suất huy động.

VCBS dự báo, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ giảm tốc trong năm 2023, mức tăng trưởng có thể chỉ đạt khoảng 10%.

Công ty Chứng khoán TP.HCM ước tính, lợi nhuận trung bình của nhóm ngân hàng mà Công ty nghiên cứu sẽ tăng khoảng 12 - 15% trong năm 2023, trong đó lợi nhuận 6 tháng cuối năm tăng hơn 20% so với cùng kỳ.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - tài chính cũng đưa ra nhận định, tăng trưởng của các ngân hàng có lẽ không khả quan trong nửa cuối năm 2023, do nợ xấu đang tăng, tín dụng từ đầu năm đến nay tăng chưa đến 5%, thấp hơn nhiều so với dự báo, trong khi mục tiêu cho cả năm là 14%. Ngoài ra, lợi nhuận của ngành được giới phân tích đánh giá có sự phân hóa mạnh trong năm tới. Trong đó, một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm lợi nhuận, trong trường hợp thị trường bất động sản và tình hình vĩ mô thế giới tiếp tục xấu đi khiến tín dụng chậm lại và khả năng trả nợ của khách hàng khó hồi phục, đồng thời các chính sách hỗ trợ hết hiệu lực.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục