Cụ thể, đến hết năm 2020 dư nợ cho vay khách hàng của Ngân hàng tại thị trường Việt Nam trong năm qua giảm 19,3%, nhưng tổng tài sản ANZ Việt Nam lại tăng 40,7% do tăng khoản mục tiền gửi, cho vay các tổ chức tín dụng khác và chứng khoán đầu tư.
Nguyên nhân chủ yếu do Ngân hàng tăng 70% lượng tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác từ 18.310 tỷ đồng lên 31.110 tỷ đồng và tăng quy mô chứng khoán đầu tư từ 1.976 tỷ đồng lên 3.138 tỷ đồng (tăng gần 59%).
Năm 2020, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của ANZ Việt Nam đạt 365 tỷ đồng, giảm 21,3%. Trong đó, thu nhập lãi thuần giảm 24,6% xuống 475 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối lần lượt giảm 35,4% và 1,8% xuống 35 tỷ đồng và 243 tỷ đồng.
Song lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh và các hoạt động kinh doanh khác lại ghi nhận tăng đột biến, đem về cho ANZ Việt Nam lần lượt 55,7 tỷ đồng, tăng 152% và 96 tỷ đồng, tăng 180,4% so cùng kỳ năm trước.
Đồng thời, trong năm qua ANZ Việt Nam hoàn nhập dự phòng rủi ro tăng mạnh lên 26,6 tỷ đồng, cao gấp 7 lần năm 2019.
Trong khi cho vay ra giảm thì quy mô tiền gửi của khách hàng lại tăng tới 37,4%, đạt 8.861 tỷ đồng, vẫn chiếm tỷ lệ thấp khi so với tổng vốn của ngân hàng.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ANZ giảm từ 21,99% vào cuối năm 2019 xuống 15,97% cuối năm 2020. Ngân hàng tiếp tục duy trì không có nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu là 0%.
Ngân hàng ANZ chính thức chuyển giao mảng kinh doanh bán lẻ tại thị trường Việt Nam cho ngân hàng Shinhan Việt Nam vào cuối năm 2017.
Thương vụ này là kết quả của quá trình đánh giá toàn diện mảng kinh doanh bán lẻ và quản lý tài sản của Ngân hàng ANZ tại thị trường châu Á, trong đó có xem xét các giải pháp nhằm đơn giản hóa cơ cấu hoạt động và tối ưu hóa việc sử dụng nguồn vốn trên toàn Tập đoàn.