Lợi nhuận nhóm doanh nghiệp phân bón sẽ còn tăng mạnh
Nửa đầu năm nay chứng kiến sự tăng trưởng lợi nhuận sau thuế phi mã của nhóm doanh nghiệp phân bón. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của Đạm Phú Mỹ (Mã DPM) tăng 110%, Đạm Cà Mau (mã DCM) tăng 20%; Phân bón Bình Điền (mã BFC) tăng 88%; Phân bón Miền Nam (mã SFG) tăng 362%...
Với Đạm Phú Mỹ, dù trong quý II/2021, nhà máy phải dừng sản xuất do bảo dưỡng định kỳ gần 1 tháng, nên doanh thu 6 tháng chỉ tăng 26%, song nhờ giá tăng mạnh, lợi nhuận tăng gấp đôi cùng kỳ. So với kế hoạch, DPM đã thực hiện 59% mục tiêu doanh thu, song đã vượt gần 140% kỳ vọng lãi cả năm.
Tương tự, Đạm Cà Mau cũng có hai quý kinh doanh thuận lợi, nửa đầu năm đã hoàn thành 55,4% kế hoạch doanh thu và vượt 108,2% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Sản phẩm chính của doanh nghiệp này vẫn là phân ure. Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư hồi tháng 7/2021, Tổng giám đốc Đạm Cà Mau là ông Văn Tiến Thanh cho rằng, nửa đầu năm nay là thời kỳ “chưa từng có tiền lệ” trong vòng 10 năm qua khi giá các sản phẩm phân bón nói chung và ure nói riêng có sự tăng đột biến, khó kiểm soát.
Nhiều doanh nghiệp phân bón khác cũng đã sớm vượt mục tiêu lợi nhuận cả năm chỉ trong vòng 6 tháng: Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (mã LAS) có lợi nhuận sau thuế 52,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 10,8 tỷ đồng, vượt 86% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 2021. Công ty cổ phần DAP - Vinachem (mã DDV) đạt lợi nhuận sau thuế 54,6 tỷ đồng nửa đầu năm trong khi cùng kỳ lỗ 27,4 tỷ đồng, vượt 32,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất dầu khí Đông Nam Bộ (PSE)cũng vượt 63,8% kế hoạch lợi nhuận năm 2021 chỉ trong vòng 6 tháng…
Theo các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán SSI, năm 2022, lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp phân bón vẫn sẽ ở mức cao. Thứ nhất, Trung Quốc vẫn sẽ khan hiếm than, khiến nguồn cung phân bón giảm. Thứ hai, các quốc gia nhập khẩu phân bón phải chịu chi phí vận chuyển cao bất thường khiến giá phân bón tăng cao. Hai yếu tố này sẽ khiến phân bón rơi vào tình trạng thiếu cung, giá tăng cao năm 2022.
Trong nước, sản lượng phân bón sẽ tăng từ quý III/2021 do các nhà máy sản xuất phân bón của DMP, Đạm Ninh Bình, Phân đạm và hóa chất Hà Bắc hoạt động trở lại (riêng DCM phải bảo dưỡng nhà máy trong 10 ngày trong quý III/2021). Dù cung có thể dư thừa, song giá phân bón ở Việt Nam vẫn dự báo tăng để bù đắp phần tăng giá khí đầu vào. Phần sản lượng dư thừa trong quý 3/2021, các công ty phân bón có thể xuất khẩu và tiếp tục hưởng lợi nhuận khủng nhờ giá urê thế giới tăng cao.
Với diễn biến giá phân bón thế giới như hiện nay, SSI nâng dự báo lợi nhuận của DMP năm 2021 tăng lên 75% và DCM tăng lên 62%.
Tăng giá 60-120%, cổ phiếu phân bón đã đắt đỏ, dư địa tăng giá không còn nhiều
Cùng với lợi nhuận tăng mạnh, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu nhóm phân bón dậy sóng, nhiều cổ phiếu tăng 60-120%. Chốt phiên giao dịch ngày 19/8, so với đầu năm, cổ phiếu LAS đã tăng gần 109%, cổ phiếu DPM tăng 95%, cổ phiếu DCM tăng 73%, cổ phiếu BFC tăng 120%, cổ phiếu SFG tăng 57%...
Chính vì vậy, dù nhận định khả quan về thị trường phân bón thế giới, song các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, giá cổ phiếu ngành phân bón tuy ngắn hạn vẫn tăng giá nhưng triển vọng tăng giá năm 2022 sẽ không còn hấp dẫn.
Cụ thể, với DCM, công ty SSI nhận định, năm 2022, giá khí đầu vào tăng 39% trong khi giá bán u rê tăng nhẹ 1%, sản lượng tiêu thụ u rê tăng 3%, phân bón thương mại tăng 8%, nhà máy NPK đi vào hoạt động từ quý I/2022 với sản lượng tiêu thụ khoảng 90.000 tấn (30% công suất). Biên lợi nhuận gộp của DCM đã tăng từ 17,4% lên 19,3% năm 2021, nhưng có thể sẽ giảm nhẹ về 18,1% năm 2022. Với giả định này, SSI cho rằng, lợi nhuận DCM năm 2022 chỉ tăng 2% so với năm nay.
Về giá, ở mức giá 22.650 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu DCM đang giao dịch tại PE 2021-2022 là 15,6x – 15.2x, cao hơn nhiều so với trung bình PE năm 2018-2019 là 12x. Tuy nhiên, với DCM, SSI lại sử dụng chỉ số EV/Ebitda (giá trị doanh nghiệp trên lợi nhuận trước thuế và lãi vay), nguyên nhân là DCM đang phát sinh chi phí khấu hao lớn.
Theo ước tính của SSI, EV/Ebitda của DCM năm 2022 là 5.5x, cao hơn nhiều so với mức 2020-2021 là 3x-4x và năm 2018-2019 là 2x. Chính vì vậy, SSI định giá cổ phiếu DCM năm 2022 chỉ 25.000 đồng/CP. Chốt phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu DCM đang giao dịch ở mức 23.400 đồng/cổ phiếu.
Với DPM, SSI cũng cho rằng, năm 2022, giá bán các sản phẩm của công ty tăng không đáng kể trong khi giá khí đầu vào vẫn tiếp tục tăng cao, biên lợi nhuận gộp sẽ giảm từ mức 24% (năm 2021 là 26%). Đồng thời, lợi nhuận trước thuế năm 2022 của DPM sẽ giảm 15% so với năm 2021.
Trong khi đó, giá cổ phiếu DPM cũng đã có mức tăng mạnh nửa đầu năm nay. Ở mức giá 32.600 đồng/cổ phiếu, DPM đang giao dịch tại PE 2021-2022 là 10,9x. SSI cho rằng, tăng trưởng lợi nhuận của DPM giai đoạn 2021-2022 đã được phản ánh vào cổ phiếu nên đã định giá lại cổ phiếu này ở mức giá mục tiêu mới là 32.000 đồng/CP, thấp hơn 8% so với mức giá hiện tại.
Báo cáo của SSI không phân tích các mã cổ phiếu khác của nhóm phân bón, song do đã tăng giá quá mạnh từ đầu năm đến nay cùng với với dự báo kết quả kinh doanh năm 2022 khó đột biến, cổ phiếu nhóm phân bón có thể sẽ khó hút mạnh dòng tiền như nửa đầu năm nay.