Bà Trần Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho rằng, Thông tư đã thể hiện quyết tâm cải thiện hoạt động ngành ngân hàng Việt Nam theo định hướng an toàn, hiệu quả, với kim chỉ nam là các quy định về an toàn vốn của Ủy ban Basel (Basel II và các tài liệu cập nhật) mà hiện nay đang được áp dụng rộng khắp trên thế giới.
Theo bà, quy định về tỷ lệ an toàn vốn mới tại Thông tư 41 sẽ mang lại những lợi ích ban đầu như thế nào?
Một lợi ích rõ ràng nhất của việc áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo định hướng Basel II là các ngân hàng sẽ hoạt động an toàn hơn, với lượng vốn “đủ” theo thông lệ tiên tiến để trang trải các rủi ro có thể xảy ra cho các loại rủi ro chính (bao gồm rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động).
Lợi ích gián tiếp là trong khi đưa ra các yêu cầu tính toán vốn, Thông tư đã phần nào định hướng các ngân hàng hướng tới những phân khúc khách hàng ít rủi ro hơn để được hưởng hệ số rủi ro thấp hơn và ưu tiên các loại hình giảm thiểu rủi ro đủ điều kiện để được giảm trừ vốn yêu cầu.
Các ngân hàng, trong khi thực hiện tính toán vốn, cũng có dịp rà soát lại rủi ro cũng như công tác quản lý rủi ro của từng phân khúc khách hàng, các yêu cầu về tài sản đảm bảo…, từ đó, phần nào cải thiện công tác quản lý rủi ro và định hướng được kế hoạch hành động để tăng cường công tác quản lý rủi ro theo thông lệ tiên tiến.
Bà Trần Thúy Ngọc
Quy định về tỷ lệ an toàn vốn mới có gì khác với quy định hiện hành theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN và Thông tư 06/2016/TT-NHNN? Theo bà, các yêu cầu mới sẽ tác động như thế nào đối với các nhà băng?
Thứ nhất, nếu trước đây Thông tư 36 không tính đến giá trị tài sản bảo đảm khi tính vốn yêu cầu (mà chỉ tính đến giá trị tài sản đảm bảo khi trích lập dự phòng), thì Thông tư 41 đã công nhận 4 biện pháp giảm thiểu rủi ro tín dụng mà các ngân hàng được áp dụng để tính giảm giá trị khoản phải đòi, bao gồm (1) tài sản bảo đảm đủ điều kiện (như tiền mặt, vàng, giấy tờ có giá…); (2) bù trừ số dư nội bảng; (3) bảo lãnh của bên thứ ba; và (4) sản phẩm phái sinh tín dụng, từ đó giảm vốn yêu cầu.
Quy định này đưa ra cái nhìn công bằng hơn về tài sản có rủi ro vì các khoản phải đòi có tài sản đảm bảo hợp lệ sẽ ít rủi ro hơn và do đó được tính giảm vốn yêu cầu.
Tuy nhiên, một mặt, giá trị các biện pháp giảm thiểu rủi ro này không cao (so với các loại tài sản bảo đảm khác như bất động sản hoặc máy móc thiết bị; phương tiện vận tải…, vốn là những loại tài sản bảo đảm không được ghi nhận để giảm trừ về vốn).
Mặt khác, để tính được cấu phần này một cách chính xác, các ngân hàng cần xác định đúng loại giảm thiểu rủi ro được công nhận, với các điều kiện tương đối chặt chẽ như thời hạn còn lại của biện pháp giảm thiểu rủi ro, hay điều kiện về tính thanh khoản; đối tượng phát hành; hệ số tín nhiệm tương ứng của đối tượng phát hành… đối với tài sản bảo đảm.
Các ngân hàng cũng cần xác định đúng hệ số hiệu chỉnh áp dụng (Hc, Hfx) tương ứng. Việc phân bổ giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản phải đòi đúng và hợp lý để tối ưu hóa RWA (tài sản tính theo độ rủi ro gia quyền) cho rủi ro tín dụng cũng là một bài toán đặt ra với các ngân hàng.
Thứ hai, ngoài việc tính vốn yêu cầu cho rủi ro tín dụng, các ngân hàng sẽ cần phải tính vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động mà trước đây chưa có quy định. Do đó, phần vốn yêu cầu đối với các ngân hàng sẽ tăng lên.
Thứ ba, về phần rủi ro tín dụng, nếu theo Thông tư 36 hệ số rủi ro là 0 - 150% (còn theo Thông tư 06 thì hệ số rủi ro cao nhất là 200% đối với cho vay bất động sản áp dụng từ 1/1/2017), thì hệ số rủi ro theo Thông tư 41 là từ 0 - 250% và phân chia cụ thể, chi tiết hơn nhằm phản ánh mức độ rủi ro của từng khoản vay và từng đối tác. Tác động đối với ngân hàng là RWA cho rủi ro tín dụng về cơ bản sẽ tăng lên, cùng với việc xác định hệ số rủi ro cho từng khoản vay sẽ phức tạp hơn, đòi hỏi độ chính xác cao hơn.
Theo bà, các ngân hàng cần phải làm gì để tuân thủ yêu cầu Thông tư 41 đúng hạn (1/1/2020)?
Một thuận lợi là hầu hết các ngân hàng đều đã thực hiện đánh giá khoảng cách về cơ sở dữ liệu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và về cơ bản đã biết ngân hàng mình thiếu những dữ liệu gì để tính RWA và hệ số CAR (tỷ lệ an toàn vốn). Việc cần làm là thu thập, bổ sung các dữ liệu còn thiếu và cải thiện chất lượng dữ liệu đã có theo yêu cầu.
Theo kinh nghiệm của các nước trong khu vực, để hoàn thành việc tính CAR theo định hướng Basel II, các ngân hàng cần phải thực hiện một dự án RWA kéo dài trung bình từ 12 - 15 tháng, có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ phận liên quan như tài chính kế toán, rủi ro, công nghệ thông tin, các khối kinh doanh và thường cần tới một phần mềm tính CAR tự động do cần phải tính RWA chi tiết đến từng khoản vay, việc thực hiện thủ công trên Excel rất khó khăn.
Quy định mới cũng tương đồng với thông lệ ở điểm này. Điều 4, Thông tư 41 quy định: “Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có dữ liệu đầy đủ và hệ thống công nghệ thông tin phù hợp để tính tỷ lệ an toàn vốn”.
Đề cập đến vấn đề dữ liệu, vì dự án RWA (dự án tính toán tài sản có rủi ro theo yêu cầu Basel II) có phạm vi rộng và mức độ chi tiết đến từng khoản vay, nên đòi hỏi dữ liệu đầu vào cho việc tính toán RWA phải đầy đủ, chi tiết và chính xác. Dữ liệu thiếu và chất lượng không cao - vấn đề chung của các ngân hàng Việt Nam hiện nay - sẽ gây khó khăn lớn cho các ngân hàng khi thực hiện tính RWA theo quy định mới.
Do đó, thành công của một dự án RWA, dự án trọng điểm trong việc triển khai Basel II ở các ngân hàng, đòi hỏi ngân sách và nguồn lực cũng như sự quyết tâm cao của ban lãnh đạo ngân hàng, cùng với sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ của các phòng ban, đơn vị liên quan trong ngân hàng.
Sau khi tính CAR theo thông tư mới, tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng có thể sụt giảm đáng kể so với CAR tính theo quy định hiện nay. Các ngân hàng do đó cần triển khai sớm, để kịp thời lên kế hoạch tăng vốn hoặc điều chỉnh chiến lược kinh doanh nếu cần thiết, đảm bảo tuân thủ mức CAR tối thiểu 8% theo yêu cầu vào đầu năm 2020.