Lợi bất cập hại từ việc giảm giá dịch vụ cảng biển và phí hàng hải cho các hãng tàu

Việc xem xét giảm giá dịch vụ cảng biển và phí hàng hải để hỗ trợ cho các hãng tàu cần đặt trong chuỗi dây chuyền hoạt động của toàn ngành hàng hải vốn cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid - 19.
Theo Công ty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT), hiện 100% hàng hóa xuất nhập khẩu tuyến xa và hàng nội Á tại  khu vực Cái Mép đều do các hãng tàu nước ngoài chuyên chở, thị phần của các hãng tàu nội địa là 0%. Theo Công ty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT), hiện 100% hàng hóa xuất nhập khẩu tuyến xa và hàng nội Á tại khu vực Cái Mép đều do các hãng tàu nước ngoài chuyên chở, thị phần của các hãng tàu nội địa là 0%.

Đây là quan điểm nhất quán của lãnh đạo Bộ GTVT liên quan đến chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải biển vượt qua khó khăn do dịch Covid – 19.

Thiệt kép cho doanh nghiệp cảng Việt

Theo thông tin của baodautu.vn, với lý do gặp khó khăn do Covid-19, vào cuối tháng 3/2020, hãng tàu biển quốc tế CMA - CGM đã gửi văn bản kiến nghị Bộ GTVT xem xét điều chỉnh giảm khung giá dịch vụ cảng biển và phí hàng hải hiện đang được Bộ này áp dụng cho các hoạt động vận tải hàng hải.

Các khung giá mà CMA - CGM đề xuất xem xét bao gồm phí an toàn hàng hải, phí tải trọng, phí hoa tiêu, phí cầu bến, phí xếp dỡ, phí xếp dỡ hàng hải chuyển tải, phí lai dắt… được quy định tại Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT ngày 14/11/2018 của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải, dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam. Đề xuất này của CMA – CGM sau đó đã được Cục Hàng hải Việt Nam tổng hợp và báo cáo Bộ GTVT.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Thế Thuận, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển cảng Đình Vũ cho rằng, đề xuất này là không hợp lý bởi ảnh hưởng của dịch Covid – 19 không chỉ tác động duy nhất đến các đơn vị vận tải mà còn để lại nhiều hệ lụy xấu tới tất cả dây chuyền hàng hải, trong đó có cảng biển. Trên thực tế, trong quý I/2020, các đơn vị thuộc khối cảng biển tại Việt Nam đều gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid – 19 với mức suy giảm sản lượng từ 10- 30%.

Lãnh đạo cảng Đình Vũ cho biết, hiện khung giá dịch vụ hàng hải quy định tại Thông tư số 54 là quá thấp do được kế thừa tư khung giá 10 năm trước đó, đặc biệt là giá sàn dịch vụ bốc dỡ container hiện chỉ bằng khoảng 1/2 so với mức bình quân trong khu vực. Trong khi đó, hiện có tới 95% hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container đi và đến Việt Nam đều do các hãng tàu nước ngoài đảm nhận. Đặc biệt, các hãng tàu thường thu cước xếp dỡ container từ chủ hàng Việt Nam với đơn giá khoảng 100 USD/cont’20, 150 USD/cont’40 nhưng họ chỉ thanh toán cho doanh nghiệp cảng Việt Nam khoảng ½ giá thực thu. Như vậy, với khoảng 10 triệu Teus hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng biển Việt Nam mỗi năm, số tiền mà các hãng tàu hưởng từ phần chêch lệch cước xếp dỡ lên đến hàng trăm triệu USD/năm.

“Việc giảm giá sàn thêm 30% so với Thông tư số 54 xét cho cùng cũng chỉ mang lại lợi ích cho các hãng tàu nước ngoài”, ông Thuận đánh giá và lo ngại rằng các hãng tàu ngoại sẽ lấy đây làm căn cứ để ép các cảng trong việc đàm phán giá dịch vụ năm 2020.

Theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT), trong bối cảnh lượng hàng hóa qua cảng biển sụt giảm do hoạt động giao thương thế giới bị ảnh hưởng do dịch Covid -19, nếu tiếp tục phải giảm giá dịch vụ cảng biển, doanh nghiệp cảng biển Việt Nam sẽ phải chịu đòn kép. Lãnh đạo CMIT cho biết, hiện nay một số cảng tại khu vực Cái Mép chưa thể khai thác đúng công suất và vẫn đang trong giai đoạn tái cấu trúc các khoản vay nên nếu giá sàn dịch vụ xếp dỡ giảm 30% chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh đến quá trình tái cơ cấu tài chính của các cảng.

Mặc dù là doanh nghiệp vừa khai thác cảng biển, vừa kinh doanh vận tải biển nhưng Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cũng đánh giá hầu hết giá dịch vụ tối thiểu quy định tại Thông tư số 54 là rất thấp và đề nghị sớm có lộ trình tăng mức giá tối thiểu lên khoảng 10% để các doanh nghiệp cảng biển có đủ chi phí để khai thác và tái đầu tư.

Lợi bất cập hại từ việc giảm giá dịch vụ cảng biển và phí hàng hải cho các hãng tàu ảnh 1

Việc giảm giá tối thiểu dịch vụ cảng biển, trong đó có giá xếp dỡ container sẽ khiến doanh nghiệp khai thác cảng như Công ty Cảng Đình Vũ - Hải Phòng không thể tái đầu tư, mở rộng sản xuất.

Vì lợi ích quốc gia

Theo ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT, do lĩnh vực hàng hải có tính chất đặc thù rất khác so với các lĩnh vực dịch vụ khác của nền kinh tế, nên cần phải có đánh tác động cụ thể các mặt được và chưa được đối với lợi ích xã hội và thực hiện công tác quản lý nhà nước.

Cụ thể, giá dịch vụ cảng biển, đặc biệt là giá xếp dỡ container và dịch vụ lai dắt đang áp dụng tại cảng biển Việt Nam theo Thông tư số 54 đang thấp hơn rất nhiều so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, thậm chí còn thấp hơn cả giá dịch vụ ở Campuchia.

Cụ thể, tại Việt Nam, sau thời điểm áp dụng khung giá mới, giá bốc dỡ container cao nhất tại các cảng nước sâu  như Cái Mép - Thị Vải mới chạm ngưỡng 52 USD/cont20’, 77 USD/cont40’. Trong khi đó, hiện giá xếp dỡ container tại Singapore là 111 USD/cont20’; 159 USD/cont40’. Campuchia (có hạ tầng cảng biển nghèo nàn hơn Việt Nam) cũng đang thu khoảng 65 USD/cont20’ và 99 USD/cont40’.

Hơn nữa, việc giảm giá dịch vụ cảng biển tại thời điểm này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam, ở chiều ngược lại mang lợi ích cho các doanh nghiệp vận tải biển nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp này vẫn thu các phụ phí cao đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Vì vậy quan điểm của Bộ GTVT là chưa xem xét giảm giá dịch vụ xếp dỡ tối thiểu tại cảng biển.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam, Vụ Vận tải khẩn trương dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 54 trình Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành trong tháng 9/2020 theo hướng tiếp tục tăng có lộ trình đối với giá dịch vụ xếp dỡ container; sửa đổi, bổ sung biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải, dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo và dịch vụ lai dắt cho phù hợp với thực tế, bảo đảm hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp, lợi ích của nhà nước.

Trong giai đoạn trước mắt, Bộ GTVT giao Cục Hàng hải Việt Nam làm việc với các hiệp hội, các doanh nghiệp, tổ chức có liên quan khuyến khích việc giảm giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải, dịch vụ sử dụng cầu bền, phao neo trong phạm vi giá tối thiểu, giá tối đa được quy định trong Thông tư số 54, tùy theo khả năng của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Được biết, ngay sau chỉ đạo của Bộ GTVT, hiện đã có khoảng 40 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ lai dắt đã có thông báo điều chỉnh giảm giá dịch vụ lai dắt tàu biển đối với tàu thuyền Việt Nam hoạt động nội địa thực hiện điều chỉnh giảm giá dịch vụ lai dắt cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động nội địa (bao gồm cả tàu biển và phương tiện VR-SB) trong phạm vi mức giá tối thiểu và mức giá tối đa quy định tại Thông tư số 54.

Liên quan đến việc giảm phí, lệ phí hàng hải, Bộ GTVT cho biết, hiện nay việc vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu bằng đường biển chủ yếu do các hãng tàu nước ngoài thực hiện. Do vậy việc giảm phí, lệ phí hàng hải cũng sẽ chỉ đem lại lợi ích lớn cho các hãng tàu nước ngoài nhưng sẽ giảm nguồn thu ngân sách nhà nước và chỉ hỗ trợ phần nhỏ đối với doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam.

“Vì vậy, yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam, Vụ Tài chính nghiên cứu kỹ lưỡng đối với những kiến nghị giảm phí, lệ phí để đề xuất với Bộ Tài chính”,  ông Nguyễn Văn Công yêu cầu.

Theo ông Lê Công Minh, Chủ tịch Hiệp hội cảng biển Việt Nam, các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm xúc tiến việc điều chỉnh tăng giá sàn trong khung giá dịch vụ cảng biển theo Thông tư số 54 theo kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và nếu được, hình thành cơ chế quản lý giá dịch vụ cảng biển, điều tiết thị trường dịch vụ hàng hải của Việt Nam cạnh tranh lành mạnh hơn, đồng thời chuẩn bị các điều kiên cần và đủ cho kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng nhanh và bền vững ngay khi đại dịch Covid- 19 đi qua.

Anh Minh
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục