Lời 100% từ đầu tư chứng khoán

(ĐTCK) Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán đã có chuỗi liên tục tăng điểm, chỉ số VN-Index đã vượt mốc 600 điểm, mốc cao nhất tính từ tháng 10/2009. Hàng trăm mã cổ phiếu có mức tăng 50-80% và hàng chục mã tăng tới trên 100% trong gần 3 tháng qua.
Lời 100% từ đầu tư chứng khoán

Dòng vốn không chỉ tập trung vào một số mã blue-chips như xu hướng đầu tư trong năm 2013,  mà luân chuyển sang các nhóm cổ phiếu có thị giá vừa đến thấp, giữa các nhóm ngành khác nhau, khiến nhiều NĐT không kịp tham gia thị trường tiếc nuối.

Theo thống kê sơ bộ của ĐTCK đối với cả hai sàn chứng khoán, từ 1/2/2014 đến 19/3/2014, có hơn 150 mã có mức tăng từ 30 - 50%, hơn 100 mã có mức tăng 50 - 80%, 24 mã tăng từ 80 - 100% và 16 mã tăng trên 100%.

 Trong số 16 cổ phiếu có mức tăng trên 100%, ngành xây dựng, ngành gặp rất nhiều khó khăn trong năm qua lại chiếm tới 5 đại diện: QCC, S12, PHH, VE2, PVX.

PVX có thể xem là một “hiện tượng đặc biệt” của thị trường giai đoạn vừa qua. Ngập trong thua lỗ, đứng trước nguy cơ hủy bị niêm yết bắt buộc, nhưng cổ phiếu này vẫn có thanh khoản đáng mơ ước, với khối lượng khớp lệnh mỗi phiên trên 10 triệu đơn vị. Phiên giao dịch 14/2, PVX tăng trần lên 3.800 đồng/cổ phiểu, khối lượng giao dịch đạt hơn 24,2 triệu cổ phiếu, chiếm 1/3 tổng khối lượng giao dịch toàn sàn HNX. Từ đầu tháng 3 đến nay, cổ phiếu PVX vẫn liên tục tăng điểm, lên mức giá 6.700 đồng/cổ phiếu, đạt mức tăng 103,3%.

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng có 4 cổ phiếu “góp mặt” trong nhóm tăng khủng, gồm PPI, CSC, DRH, PXA. PXA thua lỗ 62,55 tỷ đồng năm 2012 và lỗ tiếp 44,13 tỷ đồng năm 2013, nhưng trong 10 phiên giao dịch gần nhất, chỉ có 2 phiên cổ phiếu này giảm điểm, còn 8 phiên tăng, trong đó có 7 phiên kịch trần. Tương tự, DRH cũng bị thua lỗ 2 năm liên tiếp, nhưng giá cổ phiếu cũng có mức tăng hơn 118%.

Một doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khá bết bát, nhưng giá cổ phiếu vẫn phi mã là MHC. Cổ phiếu này chỉ mới được đưa ra khỏi diện tạm ngừng giao dịch để chuyển sang diện chứng khoán bị kiểm soát.

Cổ phiếu ngành xi măng như SDY và HT1, dù có tình hình kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa, gặp khó khăn về đầu ra và cõng trên vai những khoản nợ không nhỏ vẫn có mức tăng lần lượt là 131% và 118,87%. Cuối quý III/2013, HT1 có tổng nợ lên tới 9.731 tỷ đồng và Công ty buộc phải phát hành 120 triệu cổ phiếu trong tháng 12 để cấn trừ nợ. 

Kết quả kinh doanh khá khẩm hơn đạt 5,71 tỷ đồng lãi trước thuế, giá cổ phiếu KST cũng tăng từ 3.900 đồng/cổ phiếu lên 8.900 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng hơn 128%.

VE8 của CTCP Xây dựng điện VNECO 8 (VE8) có mức tăng 120,69%, từ 2.900 đồng/cổ phiếu lên 6.400 đồng/cổ phiếu trong gần 3 tháng qua, nhưng trước đó, từ tháng 4 - 8/2013, cổ phiếu này đã nằm trong nhóm cổ phiếu bị cảnh báo do thua lỗ 1,88 tỷ đồng trong năm 2012. Năm 2013, VE8 chỉ lãi nhẹ 2,06 tỷ đồng.

Hay cổ phiếu QCC, cổ phiếu có mức tăng tới 145% trong gần 3 tháng qua, phiên giao dịch 20/3, dù 2 sàn đạt giảm điểm, nhưng cổ phiếu QCC vẫn tăng trần, đạt 5.300 đồng/cổ phiếu, cũng chỉ có lợi nhuận vỏn vẹn 402 triệu đồng trong năm 2013.

Có thể thấy, đặc điểm chung của những mã cổ phiếu trên là đều thuộc nhóm doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ hoặc lãi không nhiều, nhưng đã có mức giảm giá sâu, kéo dài. Các NĐT mạo hiểm khi đầu tư vào những cổ phiếu này có thể nhận được mức sinh lời trên 100% trong thời gian không quá dài. Tuy nhiên, các CTCK khuyến cáo, những NĐT ưa mạo hiểm nên biết dừng đúng lúc, cân nhắc chốt lời ở những cổ phiếu đã tăng nóng, nhằm bảo toàn lợi nhuận của mình.  

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục