Năm 2019, Lộc Trời đạt doanh thu thuần gần 8.310 tỷ đồng, giảm hơn 8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 334,5 tỷ đồng, giảm 19%.
Kết quả này tuy thấp hơn năm trước, song là một nỗ lực lớn bởi 2019 là năm khó khăn chung với các công ty nông nghiệp cả nước. Thị trường xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc tiếp tục đà giảm mạnh từ năm 2018. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam có thời điểm chỉ 325 USD/tấn, chạm đáy 12 năm, theo Reuters.
Điểm sáng trong kết quả 2019 của Lộc Trời là doanh thu của ngành vật tư nông nghiệp và giống tương đương với năm 2018, đạt trên 5.400 tỷ đồng, thị phần giữ vững trên 20%. Bên cạnh đó, Lộc Trời đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp giúp lành mạnh hóa sức khỏe tài chính doanh nghiệp.
Tập đoàn đã hoàn tất tái cơ cấu ngành lương thực, đồng thời nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, tăng cường quản trị công nợ trong hệ thống phân phối và quản trị tín dụng… Đây là những thay đổi mang tầm nhìn dài hạn, tuy không thể hiện lập tức vào kết quả kinh doanh từng quý, nhưng được kỳ vọng là bước chuyển mình nhằm đem lại các kết quả khả quan trong năm 2020.
Theo chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh 2019 được cải thiện đáng kể nhờ vào việc hoàn tất quá trình tái cấu trúc ngành lương thực, từ đó hàng tồn kho được quản trị tốt hơn, thể hiện qua việc thanh lý hàng tồn kho cũ và công tác mua hàng theo nhu cầu kinh doanh. Số dư cuối kỳ của khoản mục hàng tồn kho đã giảm 587 tỷ đồng, tức giảm 19% so với đầu kỳ. Các chính sách chiết khấu hiệu quả và đẩy mạnh công tác thu nợ thể hiện ở số dư khoản phải thu thấp hơn. Số dư cuối kỳ khoản mục phải thu đã giảm 425 tỷ đồng, giảm khoảng 19% so với đầu kỳ.
Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 10% nhờ các nỗ lực tiết kiệm chi phí xuyên suốt các bộ phận chức năng, đáng kể nhất là chi phí nhân viên, khuyến mại và quảng cáo, chi phí giao tế và hội nghị.
Ngành lương thực đã hoàn thiện bộ máy quản lý mới, kết nối chặt chẽ theo chuỗi giá trị nông nghiệp nhất quán và chuẩn hóa các quy trình, trong đó đáng kể nhất là gắn chặt quy trình mua hàng với nhu cầu kinh doanh, giúp duy trì lượng tồn kho hợp lý, bên cạnh đó là nỗ lực giải phóng lượng tồn kho gạo cũ.
Hiệu quả đã bước đầu phản ảnh tốt vào bảng cân đối kế toán, thể hiện ở số dư tồn kho lương thực cuối kỳ giảm hơn 70% so với đầu kỳ, đạt 218 tỷ đồng. Ngành vật tư nông nghiệp và giống thực hiện tốt chính sách quản lý tồn kho và quản lý công nợ, sắp xếp lại hệ thống đại lý và nâng cao chuyên môn đội ngũ bán hàng.
Mới đây, Lộc Trời đã thành lập Công ty cổ phần Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời để cung cấp các giải pháp quản lý mùa vụ chất lượng cao, tiêu biểu là quy trình trồng lúa quốc tế SRP (Sustainable Rice Platform) cùng với nhiều dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao đến nông dân, bắt đầu từ vùng nguyên liệu lúa của Tập đoàn và tiến tới mở rộng khắp đồng bằng sông Cửu Long.
Trước đó, vào tháng 11/2019, Lộc Trời hợp tác với Viện Cây ăn quả miền Nam ra mắt hệ thống Bệnh viện Cây ăn quả nhằm trực tiếp hỗ trợ người làm vườn ứng dụng khoa học công nghệ thâm canh hiệu quả vườn cây ăn trái, qua đó góp phần phổ biến bộ sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật trên cây ăn trái của Lộc Trời đến nông dân tại miền Trung và miền Nam vốn là các khu vực có quy mô thị trường và dư địa tăng trưởng lớn nhất cả nước.
Để hiểu rõ hơn về sự tiến bộ và đóng góp của ngành vật tư nông nghiệp và giống, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Công Nghiệp, Giám đốc Bán hàng toàn quốc ngành vật tư nông nghiệp và giống, Tập đoàn Lộc Trời.
Ông Đinh Công Nghiệp, Giám đốc Bán hàng toàn quốc ngành vật tư nông nghiệp và giống, Tập đoàn Lộc Trời
Ông nhận xét gì về thành quả hoạt động của ngành vật tư nông nghiệp và giống của Lộc Trời trong quý 4/2019 và trong cả năm 2019?
Trong năm qua, thị trường vật tư nông nghiệp rất khó khăn cho tất cả các doanh nghiệp ở mọi mảng trồng trọt và chăn nuôi. Đối với cây trồng, giá nông sản xuống thấp khiến nông dân giảm đầu tư cho dinh dưỡng và thuốc bảo vệ cây trồng để tiết giảm chi phí. Chúng tôi còn chịu thêm nhiều áp lực khi thị trường thuốc bảo vệ thực vật, nhất là ở các xã vùng sâu vùng xa có nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả làm ảnh hưởng uy tín của nhà sản xuất, nhà phân phối. Sự cạnh tranh trên thị trường luôn gay gắt, không chỉ giữa các doanh nghiệp lớn có uy tín mà còn là bài toán rất đau đầu là làm sao tạo ra thị trường lành mạnh, người bán và người mua đều dễ dàng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Tôi cho rằng, kết quả của Lộc Trời là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đúng là có nhiều điều Tập đoàn phải cải thiện để hướng tới nhiều mục tiêu cao hơn trong năm 2020.
Vừa qua, Lộc Trời đã xem lại hoạt động của toàn ngành và thực hiện rất nhiều điều chỉnh trong quản lý bán hàng, quản lý hệ thống phân phối và đề ra các chương trình hỗ trợ bà con nông dân. Tôi tin rằng năm 2020, ngành sẽ báo cáo những thành quả tích cực hơn.
Báo cáo tài chính quý 4/2019 của Tập đoàn ghi nhận một số cải thiện đáng lưu ý, cụ thể các khoản phải thu và hàng tồn kho đều giảm khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2018, ông có thể giải thích các biện pháp của ngành vật tư nông nghiệp và giống đã thực hiện để giúp Lộc Trời đạt được điều này?
Chúng tôi đã thực hiện quyết liệt nhiều phương án trong suốt năm 2019 và dần đến cuối năm thì kết quả càng tốt hơn.
Đầu tiên là sắp xếp lại hệ thống phân phối gồm hơn 1.000 đại lý dựa trên sự đánh giá hiệu quả cụ thể của từng đại lý. Kết quả đánh giá giúp chúng tôi đưa ra chính sách tài chính rõ ràng và minh bạch với từng nhóm đại lý cụ thể để quản lý công nợ tốt hơn, tránh phát sinh nợ quá hạn, đồng thời lập lế hoạch bán hàng hoặc tạm ngừng cung cấp theo giai đoạn cụ thể, tránh dồn ứ hàng.
Chúng tôi cũng đánh giá lại cơ hội của từng sản phẩm trong danh mục và điều chỉnh kế hoạch bán từng nhóm sản phẩm cụ thể theo diễn biến của thị trường và tình hình mùa vụ, mục tiêu là hệ thống phân phối nhận được đủ hàng và phải bán hết được lượng hàng đó. QR code được in trên bao bì từng sản phẩm để giám sát đường đi của sản phẩm, giúp hiểu đúng nhu cầu của bà con nông dân
Từ đó, chúng tôi có thể đưa ra kế hoạch bán hàng chi tiết cho từng đại lý, Lộc Trời cũng tích cực hỗ trợ bằng các chương trình ưu đãi đến nông dân để đẩy mạnh các sản phẩm chất lượng cao, độ an toàn cao, phù hợp cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng. Ví dụ thời gian qua Pexena và Racumin là 2 sản phẩm rất được bà con nông dân đồng bầng sông Cửu Long tin dùng để giải quyết rầy, chuột hại lúa.
Bên cạnh đó, chúng tôi xây dựng định mức tồn kho hợp lý tại từng thời điểm, liên kết chặt chẽ với tình hình bán hàng và về cơ bản đã nâng cao đáng kể hiệu quả của chuỗi phân phối.
Những kế hoạch này sẽ tiếp tục được nâng cấp trong năm 2020 và kết nối với nhiều chương trình hỗ trợ nông dân khác.