Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vận hành công suất tối thiểu, sụt giảm doanh thu vì Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
Sản lượng tiêu thụ của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất giảm mạnh do ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Doanh thu tháng 7, 8 giảm hơn 27% so với bình quân các tháng trước.
Doanh thu bình quân hai tháng đầu quý III giảm 27% so với các tháng liền trước. Doanh thu bình quân hai tháng đầu quý III giảm 27% so với các tháng liền trước.

Sụt giảm doanh thu vì đại dịch

Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - công ty mẹ sở hữu hơn 92% cổ phần, ông Bùi Ngọc Dương - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR - UPCoM) cho biết, sản lượng sản xuất trong 8 tháng đầu năm đạt 4,48 triệu tấn, sản lượng tiêu thụ đạt 4,13 triệu tấn, doanh thu đạt 60.805 tỷ đồng và nộp NSNN đạt 6.332 tỷ đồng.

Trước đó, BSR đã có nửa đầu năm hồi phục mạnh mẽ so với mức nền thấp cùng kỳ. Doanh thu 6 tháng đạt 48.908 tỷ đồng doanh thu, tăng 37% so với cùng kỳ; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 3.544 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020 lỗ 4.236 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh 8 tháng vừa công bố, doanh thu trong hai tháng đầu quý III chỉ đạt gần 11.900 tỷ đồng. Bình quân doanh thu hai tháng gần đây chỉ đạt 5.948,5 tỷ đồng, giảm gần 27% so với bình quân các tháng nửa đầu năm.

Nguyên nhân bởi dầu thô liên tục tăng giá trong nửa đầu, trong đó giá dầu Brent tăng từ 49,9 USD/thùng bình quân tháng 12/2020 lên 73 USD/thùng bình quân tháng 6/2021. Cùng đó, chênh lệch giữa giá dầu thô và sản phẩm dầu (crack margin) cũng tốt hơn cùng kỳ năm trước.

Theo ông Bùi Ngọc Dương, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, đồng thời, lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước sụt giảm mạnh trong quý III/2021 khiến công ty gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Lập 4 kịch bản kinh doanh: Lợi nhuận đều không tốt

So với kế hoạch thận trọng đề ra trong năm 2021, sau 6 tháng đầu năm, BSR đã đạt 53% kế hoạch sản lượng, đạt 70% về doanh thu và cao gấp hơn 4 lần mục tiêu lợi nhuận cả năm. Tuy nhiên, tình thế chuyển biến nhanh bởi tình hình dịch tại Việt Nam.

Về kế hoạch 4 tháng cuối năm, ông Bùi Ngọc Dương nhận định BSR tiếp tục còn gặp rất nhiều khó khăn. Dù dịch có thể sẽ được kiểm soát trong tháng 9, nhưng với diễn biến phức tạp, các tỉnh/thành phố trong cả nước có thể vẫn tiếp tục áp dụng CT15/16/16+ hoặc cao hơn “ai ở đâu ở yên đó”. Việc hạn chế tối đa người dân ra đường kéo lưu lượng giao thông giảm mạnh và giảm nhu cầu tiêu thụ xăng dầu.

Tại 2 thành phố lớn là TP.HCM đến ngày 15/9 và Hà Nội đến ngày 23/9 mới xem xét quyết định tiếp theo về các chỉ thị. Tương lai, dù cách tiếp cận về phòng chống Covid-19 bắt đầu có sự chuyển dịch theo hướng áp dụng “Hộ chiếu vắc xin” trong lưu thông tại một số tỉnh, thành phố nhưng cũng chỉ ở mức thí điểm.

Về thị trường xăng dầu, lãnh đạo BSR dẫn dự báo mới nhất cho rằng giá dầu thô có xu hướng giảm nhẹ 4 tháng cuối năm 2021. Chênh lệch giá dầu thô và xăng có xu hướng giảm, Jet A1 và DO dược dự báo tăng nhưng không đáng kể.

Với các dự báo trên, BSR đã xây dựng 4 kịch bản sản xuất kinh doanh. Trong các kịch bản tính toán đều cho thấy lợi nhuận sẽ không tốt, do BSR vận hành ở công suất thấp và crack margin chưa thực sự có lợi cho lọc dầu.

Hướng đến đạt các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh trong năm 2021, BSR đề ra 4 nhóm giải pháp chính. Trong đó về vận hành, BSR tiếp tục duy trì Nhà máy vận hành liên tục, ổn định ở công suất tối thiểu. Công ty cũng tối ưu hoá tồn kho, điều độ tàu và xuất hàng để giảm thiểu chi phí phát sinh do tàu chờ và gửi kho.

Về dầu thô và sản phẩm, tiếp tục đàm phán với chủ dầu để giảm thiểu hoặc hoãn lượng hàng nhập, tổ chức bán các lô dầu đã mua; đôn đốc khách hàng nhận tối đa sản phẩm theo hợp đồng đã ký, thực hiện gửi kho trên bờ hoặc kho nổi, áp dụng các chính sách bán hàng linh loạt như chiếc khấu, giãn thanh toán... Đối với quản trị dòng tiền, tích cực làm việc với các đối tác để giãn thời gian thanh toán các chi phí, giãn thanh toán tiền mua dầu thô, thanh toán tiền dầu thô nhập khẩu bằng UPAS LC, giãn nộp thuế, thu hồi công nợ, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi,…

Tại cuộc họp, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc PVN đánh giá cao công tác quản trị, điều hành của BSR trong sản xuất kinh doanh 8 tháng đầu năm. Cùng đó, Tổng giám đốc PVN cho rằng, BSR cần đạt 2 mục tiêu là quản trị dòng tiền, không để đứt dòng tiền trong sản xuất kinh doanh và đạt chỉ tiêu về nộp ngân sách nhà nước. PVN đề nghị BSR phải giữ vững tinh thần, bình tĩnh, kiên nhẫn dựa trên các dự báo về diễn biến dịch bệnh cũng như tình hình thị trường xăng dầu mà đưa ra các quyết định sản xuất kinh doanh hợp lý nhất.

Thanh Thủy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục