Lùi niêm yết
Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR, mã BSR, sàn UPCoM) là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành sản xuất - kinh doanh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Từ giữa năm 2020, BSR đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết hơn 3,1 tỷ cổ phiếu (tương ứng vốn điều lệ 31.000 tỷ đồng) tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), nhưng việc chuyển sàn từ UPCoM của doanh nghiệp này vẫn dẫm chân tại chỗ suốt gần nửa năm qua. Đến cuối tháng 11/2020, Công ty mới “quyết đoán” cho số phận của cổ phiếu BSR bằng quyết định hủy kế hoạch chuyển sàn.
Giải thích về lý do rút hồ sơ niêm yết, ông Bùi Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty cho biết trong văn bản gửi HNX rằng, đại dịch Covid-19 và biến động của giá dầu thế giới đã tác động tiêu cực của đến tình hình sản xuất - kinh doanh của Công ty trong năm 2020. “Chúng tôi quyết định lùi kế hoạch niêm yết cổ phiếu BSR để tập trung vào các nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh cốt lõi của Công ty”, ông Tiến giải thích.
BSR cũng cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch và mục tiêu niêm yết cổ phiếu khi các điều kiện về thị trường chung và nội tại của Công ty phù hợp hơn.
Về kinh doanh, doanh thu thuần quý III/2020 của BSR là gần 9.100 tỷ đồng, giảm hơn 60,4% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 9 tháng chỉ đạt 40.800 tỷ đồng, giảm 44,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của Công ty quý III/2020 chỉ là 162,9 tỷ đồng, giảm 72,4% so với cùng kỳ; lũy kế 9 tháng âm tới gần 4.100 tỷ đồng (trong đó, phần lỗ thuộc cổ đông công ty mẹ là 4.063 tỷ đồng). Lỗ lũy kế của BSR tính tới hết quý III/2020 là 1.215 tỷ đồng.
Hoạt động thu nợ “cứu” dòng tiền
Thua lỗ nặng trong 9 tháng đầu năm, nhưng BSR có thể vẫn còn nhiều năng lượng để kỳ vọng sự phục hồi nếu thị trường thuận lợi trở lại trong năm 2021. Số lỗ lũy kế hơn ngàn tỷ đồng tính đến quý III tuy là số tiền lớn, nhưng không ảnh hưởng quá nhiều so với sức mạnh nguồn vốn chủ sở hữu lên đến gần 30.000 tỷ đồng của công ty này.
Để cầm cự qua giai đoạn khó khăn, BSR vẫn giữ dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ở mức dương 1.758,7 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020. Trong đó, việc đẩy mạnh hoạt động thu nợ đã giúp BSR vẫn có thể cân đối được chuyện tiền nong trong thời kỳ thua lỗ.
Tại thời điểm đầu năm 2020, giá trị các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận ở mức 9.972,4 tỷ đồng, nhưng đến ngày 30/9/2020 giảm xuống chỉ còn 1.675,3 tỷ đồng, giảm 83,2%. Phải thu ngắn hạn giảm chủ yếu ở khoản mục phải thu ngắn hạn của khách hàng với giá trị 9754,7 tỷ đồng hồi đầu năm xuống chỉ còn 974,4 vào cuối quý III/2020, tức chỉ bằng 1/10. Tại báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền thuần trong tăng/giảm các khoản phải thu cũng ghi nhận con số dương 8.331,2 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020, trong khi cùng kỳ năm trước âm 616,7 tỷ đồng.
Việc kiểm soát thu nợ khá hiệu quả của doanh nghiệp này cũng thể hiện ở số dư các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi phải trích lập dự phòng đang ở mức khá thấp, chưa đến 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể trong bối cảnh kinh doanh, thì dư nợ phải thu ngắn hạn giảm tuy có yếu tố chủ quan nhờ sự kiểm soát thu nợ, thì cũng có yếu tố khách quan là do chính doanh số bán hàng sụt giảm. Chênh lệch doanh thu của 9 tháng đầu năm 2020 thấp hơn tới hơn 33.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Về mặt logic, doanh thu mới phát sinh ít, thì nợ mới phát sinh từ khách hàng mua hàng cũng mặc nhiên giảm đi. Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần duy trì việc thu nợ theo vòng quay bình thường của chu kỳ kinh doanh thì các khoản phải thu sẽ tự giảm mạnh theo sự sụt giảm của doanh thu.