Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR): Năng lực cạnh tranh vượt trội

(ĐTCK) 2022 là năm thành công rực rỡ của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) với mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng. Doanh nghiệp đã cho thấy năng lực cạnh tranh vượt trội và có dư địa cho việc mở rộng sản xuất - kinh doanh.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được vận hành ở công suất tối ưu, có thời điểm lên tới 112%.

Nền tảng mạnh

Năm qua, BSR ghi nhận doanh thu thuần 167.124 tỷ đồng, tăng 65,34% so với năm 2021 và vượt 82% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế đạt 14.669 tỷ đồng, tăng 119,46% so với năm trước đó và vượt hơn 10 lần so với kế hoạch.

Theo lý giải của ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc BSR, kết quả kinh doanh của Công ty tăng trưởng mạnh trong năm qua là nhờ nhiều yếu tố thuận lợi. Thị trường xăng dầu thế giới và Việt Nam phục hồi sau đại dịch Covid-19, crack spread gia tăng, crack margin trung bình năm cao nhất kể từ khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành. Bên cạnh đó, nguồn cung xăng dầu trong nước từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và nhập khẩu bị hạn chế, nhà máy vận hành ở công suất tối ưu, trung bình đạt 108%, có thời điểm lên tới 112%.

Nhờ đó, năng lực tài chính BSR ngày càng lớn mạnh. Giá trị tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 25.025 tỷ đồng. Giá trị nợ vay dài hạn bằng 0 do trong năm 2022, Công ty đã hoàn thành trả xong nợ vay dài hạn đầu tư nhà máy.

Việc nguồn vốn dài hạn của doanh nghiệp đang được tài trợ cho tài sản ngắn hạn cho thấy Công ty có khả năng duy trì sự ổn định trong hoạt động kinh doanh và có nhiều cơ hội mở rộng sản xuất - kinh doanh bằng tiềm lực tài chính hiện có.

Nỗ lực cho năm 2023

Năm 2023, BSR đặt mục tiêu doanh thu đạt 95.370 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.721 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với kết quả thực hiện trong năm 2022.

Tại đại hội cổ đông thường niên, diễn ra vào ngày 13/4 vừa qua, lãnh đạo BSR đã đánh giá về những khó khăn Công ty sẽ gặp phải trong năm 2023, như thuế nhập khẩu xăng giảm từ 8% xuống còn 5%, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm của BSR. Trong khi đó, thuế thu nhập doanh nghiệp tăng từ 5% lên 10%, khiến lợi nhuận của BSR có thể giảm. Lạm phát tại các nền kinh tế lớn trên thế giới đang ở mức rất cao và Việt Nam có nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ nước ngoài khi nhiều sản phẩm trong nước phụ thuộc vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu…

Tuy vậy, theo BSR, chênh lệch giá dầu thô và sản phẩm trung bình các tháng đầu năm 2023 vẫn còn là lợi thế, nhu cầu dầu thô còn tăng cao do bất ổn địa chính trị và cân bằng cung cầu dầu thô chưa được thiết lập. Công ty đang đẩy mạnh quản trị biến động, ứng phó tốt với các thách thức như căng thẳng địa chính trị, giá dầu vận động khó dự báo…

Việc trình kế hoạch kết quả kinh doanh thấp nhằm dự phòng kịch bản khó lường về biến động giá dầu trong năm, với nhiều biến số khó xác định. Còn trên thực tế, Công ty vẫn nỗ lực ở mức cao nhất để gia tăng hiệu quả kinh doanh, đem lại lợi ích lớn cho cổ đông. Điều này thể hiện rõ ở kết quả kinh doanh hai năm qua đều vượt xa kế hoạch đề ra.

Theo Tổng giám đốc Bùi Ngọc Dương, từ khi IPO đến nay, BSR đã trải qua 5 năm sản xuất - kinh doanh hiệu quả, ngoại trừ năm 2020 do ảnh hưởng tiêu cực từ tác động kép của đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu. Công ty đã áp dụng hàng loạt giải pháp, tận dụng cơ hội của thị trường để vươn lên sau khủng hoảng kép. Kết quả, năm 2022, Công ty đạt doanh thu và lợi nhuận cao nhất sau khi IPO.

Thông tin đáng chú ý là đại hội cổ đông BSR đã thông qua kế hoạch chuyển sàn từ UPCoM sang HOSE trong quý III/2023.

Việc đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HOSE cho thấy BSR minh bạch trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, sức khỏe tài chính lành mạnh, nỗ lực áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quản trị hiện đại. Khát vọng tối đa hóa lợi ích của các bên liên quan trên nền tảng hoạt động bền vững sẽ là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ ở Công ty.

Đức Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục