Lọc dầu Nam Vân Phong: 6 năm vẫn loay hoay gọi vốn

Sau 6 năm có chủ trương đầu tư, Lọc dầu Nam Vân Phong lại bắt đầu kêu gọi đầu tư, với quy mô vốn đầu tư dự kiến gần gấp đôi so với thời điểm năm 2008, lên tới 8 tỷ USD.
Việt Nam có nhiều dự án lọc, hóa dầu, song hiện mới có Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động Việt Nam có nhiều dự án lọc, hóa dầu, song hiện mới có Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động

Lọc dầu Nam Vân Phong (Khu kinh tế Nam Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa), như Báo Đầu tư đã thông tin, là dự án có quy mô lớn nhất trong tổng số 127 dự án trong Danh mục Dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020. Với tổng vốn đầu tư lên tới 8 tỷ USD, dự án này dự kiến được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) kêu gọi đầu tư với hình thức liên doanh.

Dự án Lọc dầu Nam Vân Phong, theo thông tin của Báo Đầu tư, đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư từ đầu năm 2008, với vốn dự kiến vào thời điểm đó là  4,4 - 4,8 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn/năm. Kế hoạch đưa ra khi đó là, Nhà máy sẽ khởi công năm 2011 và đi vào hoạt động cuối năm 2013.

Khi đó, Chính phủ cũng đã giao Petrolimex chuẩn bị các bước lập dự án đầu tư, báo cáo khả thi của dự án đầu tư xây dựng tổ hợp lọc hóa dầu này, trong đó lưu ý làm rõ vấn đề đánh giá tác động môi trường, công nghệ, cơ cấu vốn và lựa chọn đối tác, đặc biệt là đối tác cung cấp dầu…

Cuối năm 2011, nhiều thông tin cho biết, Tập đoàn Daelim Industrial (Hàn Quốc) đã đàm phán với Petrolimex để đầu tư vào Dự án Nam Vân Phong. Hai bên cũng đã ký biên bản ghi nhớ về việc đầu tư dự án này. Tuy nhiên, từ đó tới nay, chưa có thêm thông tin liên quan về sự hợp tác đầu tư giữa Petrolimex và Daelim.

Và cho đến nay, sau 6 năm có chủ trương đầu tư, Lọc dầu Nam Vân Phong lại bắt đầu kêu gọi đầu tư, với quy mô vốn đầu tư dự kiến tăng gần gấp đôi so với thời điểm năm 2008, lên tới 8 tỷ USD.

Hiện ở Việt Nam có khá nhiều dự án lọc, hóa dầu. Đó là Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), Lọc dầu Vũng Rô (Phú Yên), Lọc dầu Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu), Lọc dầu Cần Thơ. Bên cạnh đó, còn có Dự án Lọc dầu Nhơn Hội, vốn đầu tư dự kiến lên tới 27 - 28 tỷ USD, do nhà đầu tư PTT (Thái Lan) đề xuất đầu tư ở Bình Định.

Việc có nhiều dự án lọc, hóa dầu đề xuất được triển khai khiến dư luận lo ngại về tình trạng “lạm phát” nhà máy lọc dầu. Tuy nhiên, cuối năm ngoái, trả lời về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, Chính phủ kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả các dự án lọc, hóa dầu.

Trong số các dự án kể trên, hiện mới có Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động. Lọc hóa dầu Nghi Sơn mới được khởi công xây dựng từ năm ngoái. Các dự án còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị. Riêng Lọc dầu Cần Thơ bị chậm tiến độ, đã có đề xuất về việc xem xét thu hồi dự án này.

Trong khi đó, ở khu vực Vân Phong, năm ngoái, tỉnh Khánh Hòa đã quyết định dừng đầu tư Dự án Khu căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí, vốn đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD, do Công ty cổ phần Sao Mai - Bến Đình (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) đầu tư. Nguyên nhân là do chủ đầu tư không thu xếp được vốn.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục