
Cụ thể, cổ phiếu KLB của Kienlongbank gây chú ý khi tăng kịch biên độ (+14,97%) lên 16.900 đồng/CP; BVB của BVBank tăng 7,26%, kết thúc phiên ở giá 13.300 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt với hơn 12,5 triệu cổ phiếu; ABB của ABBank tăng 6,67% lên 8.000 đồng/CP; VBB của VietBank tăng 4,76% lên 11.000 đồng/CP; MSB tăng 0,43% đạt 11.700 đồng/CP.
Trên một số group chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng thị giá thấp được cho là sẽ có đợt tăng giá mới bởi định giá còn khá hấp dẫn. Chẳng hạn, xét về chỉ số định giá, MSB hiện có P/B đạt 0,83x, tức là thị giá dưới giá trị sổ sách. P/E 4 quý khoảng 5,58x, tức là chưa bằng 1/2 so với PE trung bình của Vn-Index. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch MSB cũng tăng "khá đẹp" khi đồ thị cho thấy mức độ tăng dần đều trong 10 phiên gần đây, riêng phiên 27/5 đạt 5,6 triệu đơn vị, gấp đôi so với trung bình khớp lệnh 20 phiên gần nhất.
Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích Ngành và cổ phiếu, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) đánh giá, nhìn một cách tổng quan, cơ hội đầu tư mid-cap vẫn còn tương đối nhiều. Theo dữ liệu kết quả kinh doanh quý I/2025, ngành ngân hàng vẫn tích cực. Thông tin kỳ vọng từ kết quả kinh doanh quý II, trong khi mức độ ảnh hưởng thuế quan vẫn chỉ ở mức thông tin, chưa phải thực tế về con số áp thuế cuối cùng, có thể sẽ là động lực cho thị trường.
“Với nhiều ngành nghề, nhiều nhóm cổ phiếu bị ảnh hưởng giai đoạn vừa qua, tôi nghĩ rằng vẫn còn cơ hội đầu tư, có mức định giá giải ngân tương đối an toàn”, ông Dương đánh giá.
Thị trường vẫn trong đang giai đoạn phục hồi đối với rất nhiều mã, nhóm ngành. Khối ngoại sau giai đoạn bán ròng đột biến, đang trong xu hướng mua ròng trở lại là diễn biến tích cực hỗ trợ cho thị trường, cũng như là động lực chính để VN30 tăng điểm tốt, vượt vùng giá 1.400 điểm, có thể mở rộng lên vùng giá 1.450 điểm.
Trở lại với nhóm cổ phiếu ngân hàng, dữ liệu kinh tế quý I/2025 cho thấy tăng trưởng GDP tốt nhờ có hiệu ứng tín dụng tăng, tăng trưởng tín dụng cuối kỳ đạt khoảng 3,93%, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ. Điều này có nghĩa là một lượng tiền đã chảy vào nền kinh tế, đồng thời chảy vào thị trường tài sản như chứng khoán.
Nhìn nhận về nhóm cổ phiếu dẫn sóng trong ngắn hạn, giới chuyên gia vẫn nghiêng về cổ phiếu ngân hàng. Luận điểm cho nhận định này được diễn giải ở việc trong dịp nghỉ lễ vừa qua, cổ phiếu ngân hàng đã chững lại, nhưng gần đây đã lấy lại đà tăng. Đây là nhóm kéo chỉ số VN-Index lấp lại khoảng trống trong sóng giảm đầu tháng 4.
Nếu nhìn về trung và dài hạn, ngân hàng vẫn đang được định giá hấp dẫn. Trong năm nay, nếu NHNN tiếp tục theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ cho thị trường thì tăng trưởng tín dụng sẽ duy trì ở mức cao. Cổ phiếu ngân hàng, sẽ có nhiều động lực để tăng trưởng tín dụng, từ đó mở rộng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận.
Trong giai đoạn vừa qua, NIM của một số ngân hàng đã bắt đầu thu hẹp, đặc biệt trong kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2025. Xu hướng này là hợp lý vì các ngân hàng phải chia sẻ lợi nhuận, trách nhiệm đối với nền kinh tế, thị trường thông qua việc cung ứng các gói vay lãi suất hợp lý, hỗ trợ tăng trưởng. Khi kinh tế phục hồi, thường cổ phiếu ngân hàng vẫn được ưu tiên, ghi nhận mức tăng trưởng tốt.
Khi các cổ phiếu đầu ngành như CTG, BID… đã có mức tăng trưởng tốt trong năm 2024, thì năm 2025 sóng ngân hàng sẽ lan toả tới các bank nhỏ hơn.
“Tôi vẫn duy trì kỳ vọng rằng trong năm nay, nếu đàm phán thương mại suôn sẻ, nền kinh tế Việt Nam vượt qua sóng gió thì cổ phiếu ngân hàng vẫn là điểm đến của dòng tiền”, ông Dương nhận định.