Loay hoay “giải cứu” Vietnam Airlines

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vay 4.000 tỷ đồng và tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng, phương án “trợ thở” khẩn cấp cho Vietnam Airlines đã được các lãnh đạo cấp cao của Tổng công ty chia sẻ tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông 2020.
Loay hoay “giải cứu” Vietnam Airlines

Không có đường lùi

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, Vietnam Airlines đạt 24.808 tỷ đồng doanh thu, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019; lỗ sau thuế 6.642 tỷ đồng.

Cổ đông của Tổng công ty, trong đó Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sở hữu xấp xỉ 90%, đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu hợp nhất 40.586 tỷ đồng, giảm gần 60% so với thực hiện năm 2019; lỗ sau thuế 15.177 tỷ đồng.

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết, làn sóng Covid-19 thứ hai ập đến bất ngờ đã cuốn đi kỳ vọng về một mùa hè hồi phục của thị trường hàng không nội địa.

Trong tháng 7, Tổng công ty đã bay 500 chuyến nội địa/ngày, vượt 40% cùng kỳ năm ngoái. Nhưng kể từ ngày 25/7 (sau ngày Đà Nẵng giãn cách xã hội), mỗi ngày chỉ còn bay 109 chuyến, sụt giảm tương đương thời điểm tháng 5/2020.    

Trong năm 2020 và các năm tới, Vietnam Airlines sẽ không chia cổ tức năm 2019 cho các cổ đông. Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, không chia cổ tức cho các cổ đông là điều kiện tiên quyết để Tổng công ty được các tổ chức tín dụng, các ngân hàng xem xét giảm giá, gia hạn hoặc giãn tiến độ thanh toán.

Theo chia sẻ của ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines, cuối năm 2019, doanh nghiệp có lượng tiền dự trữ trên tài khoản đạt 4.000 tỷ đồng, Covid-19 đã ngốn nhanh chóng khoản tiền trên.

Để duy trì dòng tiền hoạt động, Vietnam Airlines buộc phải tranh thủ hạn mức tín dụng ngắn hạn, tính đến cuối tháng 6/2020 đã vay hơn 4.000 tỷ đồng, tăng vay dài hạn từ 5.000 tỷ đồng lên 9.000 tỷ đồng.

Đồng thời, doanh nghiệp phải đàm phán với các chủ nợ về việc giãn, hoãn tiến độ thanh toán các khoản vay trung và dài hạn, dự kiến nửa cuối năm 2020 và năm 2021 vào khoảng 2.400 tỷ đồng, các ngân hàng thương mại trong nước đã thông báo giãn nợ 775 tỷ đồng.

“Trước đây, chúng tôi dự báo, nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ thì đến tháng 8/2020, Vietnam Airlines sẽ cạn tiền, nhưng tháng 6, tháng 7, thị trường nội địa phục hồi, giúp Tổng công ty có thêm hơn 1.700 tỷ đồng, có thể cầm cự đến hết tháng 8”, ông Hiền cho biết.

Bối cảnh thị trường khó khăn buộc Vietnam Airlines phải xoay xở ứng phó. Ông Thành kể, nếu như trước đây, để mở một đường bay mới, Tổng công ty mất khoảng 6 tháng khảo sát, lập kế hoạch, thì nay chỉ trong vòng hơn 1 tháng, doanh nghiệp quyết định mở mới 18 đường bay.

Họp và chỉ đạo trực tuyến giờ đã trở thành việc thường ngày của hãng, có những hôm 12h đêm cũng phải triệu tập họp.

“Khó khăn chưa bao giờ lớn như vậy. Vietnam Airlines phải cập nhật tình hình hàng ngày, ngày mai bay bao nhiêu chuyến, bay như thế nào, đều phải chờ bản tin lúc 18 giờ về các ca nhiễm Covid-19, quyết định của các chính quyền địa phương, các chuyến bay giải cứu tại Hoa Kỳ hay Canada phải chờ quyết định của chính quyền nước sở tại…”, ông Thành cho biết.

Cái khó của Vietnam Airlines là phải tổ chức công việc để “giữ nghề” cho người lao động. CEO của hãng hàng không quốc gia cho biết, hiện năng lực đội ngũ phi công, tiếp viên và kỹ thuật của hãng dư thừa tới 70%. Trong khi đó, để giữ nghề, họ buộc phải có giờ bay để đảm bảo chuyên môn, tay nghề.

Trong ngắn hạn, Vietnam Airlines đẩy mạnh tìm kiếm các cơ hội khai thác hàng hóa, thuê chuyến, tận dụng cơ hội tăng doanh thu và tiếp tục cắt giảm triệt để chi phí để đảm bảo hoạt động sản xuất - kinh doanh hiệu quả. Tổng công ty đã cắt giảm được hơn 5.000 tỷ đồng do chủ động tiết kiệm.

Trong dài hạn, Vietnam Airlines buộc phải triển khai tái cơ cấu đội tàu bay. Những máy bay trong kế hoạch thuê hay mua, doanh nghiệp đã đàm phán giãn, hoãn và cố gắng cái nào không thực sự cần thiết thì huỷ. Bán 6 tàu bay nhằm hiện đại hóa đội tàu bay, vừa thu tiền về, đồng thời đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn tại các công ty con để có nguồn thu.

“Đề án hỗ trợ Vietnam Airlines đang được hoàn tất để trình lên Chính phủ quyết định sớm. Theo đó, hãng sẽ vay 4.000 tỷ đồng và tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng”, ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch Vietnam Airlines cho biết tại đại hội.

Chờ “kiếm lệnh”

Là nền tảng kết nối giao thương, văn hóa, du lịch, góp phần đảm bảo chủ quyền quốc gia, nên việc giải cứu các hàng hàng không trên thế giới sau tác động chưa từng có tiền lệ của đại dịch Covid-19 đã được chính phủ nhiều nước thực thi.

Nhìn ra khu vực và thế giới, đối tác chiến lược của Vietnam Airlines là ANA (Nhật Bản) đã được “trợ thở” 10 tỷ USD, Singapore Airlines được hỗ trợ 13 tỷ USD, Malaysia Airways được vay 1,2 tỷ USD, Thai Airways được hỗ trợ 1,8 tỷ USD.

Với Vietnam Airlines, câu hỏi lớn nhất hiện nay là đi kèm với đề xuất vay vốn lãi suất ưu đãi và tăng vốn, làm thế nào để bảo toàn vốn đầu tư theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp?

Luật quy định, đồng vốn nhà nước phải được bảo toàn, trong khi tương lai của ngành hàng không đang vô cùng bất định.

Thời gian hồi phục của Vietnam Airlines phụ thuộc vào thời điểm đại dịch được kiểm soát. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo, đến tháng 7/2024, thị trường hàng không thế giới mới phục hồi, tức là kéo dài thêm 1 năm so với các dự báo trước đó; Vietnam Airlines từng dự báo, đầu năm 2022, thị trường có khả năng phục hồi, nhưng với những diễn biến như hiện nay, mốc thời gian này có lẽ phải đẩy lùi xa hơn.

15 văn bản báo cáo tình trạng tài chính cùng với một loạt kiến nghị gửi các cấp có thẩm quyền mà Vietnam Airlines đã đệ trình, theo chuyên gia Trần Đình Thiên, cho thấy những khó khăn mà ngành hàng không đang gặp phải là tình huống cần giải pháp đặc biệt, khẩn cấp để được xử lý kịp thời.

Tình trạng “vướng víu thủ tục” quá lâu có thể khiến chính sách khi được ban hành thì doanh nghiệp đã kiệt quệ, hoặc lỡ mất các cơ hội để có thể tận dụng.

Theo ông Nguyễn Hồng Hiển, Vụ trưởng Vụ Công nghệ và Hạ tầng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong tình huống này, các cổ đông, đặc biệt là cổ đông chiến lược, các cơ quan nhà nước cần phối hợp vì mục tiêu hỗ trợ Vietnam Airlines vượt qua khó khăn, khủng hoảng, tiếp tục phát triển và gia tăng giá trị đầu tư của cổ đông.

Muốn vậy, ông Trần Đình Thiên khẳng định, cần phải trao “kiếm lệnh” thực hiện giải pháp đặc biệt, với trường hợp của Vietnam Airlines, quyền quyết định nên giao cho lãnh đạo cao nhất đất nước quyết định (Chính phủ, Quốc hội, thậm chí là Bộ Chính trị).

Trên thế giới, nhiều nước đã triển khai giải pháp hỗ trợ cho các hãng bay, dưới hình thức bảo lãnh cho vay và trực tiếp cho vay, trợ cấp lương, bổ sung nguồn vốn, thuế nhiên liệu bay…

Thị giá cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/8 ở mức 23.650 đồng/cổ phiếu, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức giảm thuộc nhóm thấp nhất của cổ phiếu hàng không trên thế giới (mức giảm trung bình khoảng 50 - 60% so với cùng kỳ).

Anh Việt - Phương Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục