Giá cổ phiếu hãng xe điện Tesla của Mỹ tăng hơn 4% trong phiên giao dịch ngày 1/7 lên hơn 1.100 USD/cổ phiếu, đưa giá trị vốn hóa của công ty lên 209 tỷ USD, cao hơn mức 205 tỷ USD của Toyota. Như vậy, Tesla vượt qua Toyota để trở thành nhà sản xuất ôtô giá trị nhất thế giới về vốn hóa, dù còn kém xa hãng xe Nhật Bản nếu xét trên các tiêu chí như sản lượng, doanh số và lợi nhuận.
Kể từ khi phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) hồi cuối tháng 6/2010, Tesla chưa năm nào có lãi. Năm 2017, hãng xe điện này lỗ tới 2,24 tỷ USD. Năm 2018, lỗ của Tesla giảm xuống còn 1 tỷ USD và đến năm 2018, công ty này vẫn lỗ khoảng 862 triệu USD.
Tuy nhiên, công ty của tỷ phú Elon Musk vẫn được các nhà đầu tư đánh giá cao. Thậm chí hãng ARK Invest dự báo giá cổ phiếu Tesla sẽ tăng lên tới 7.000 USD/cổ phiếu vào năm 2024. Điều đó đồng nghĩa với việc giá trị vốn hóa của công ty sẽ chạm mốc khổng lồ 1.300 tỷ USD.
CEO Elon Musk của Tesla. Ảnh: Reuters.
Apple của ngành công nghiệp ôtô?
Theo CNBC, những gì xảy ra với giá cổ phiếu của Tesla cho thấy các nhà đầu tư bi quan với tương lai của ngành công nghiệp xe hơi truyền thống và rất tin tưởng vào triển vọng của xe điện. Rất nhiều nhà quan sát dự báo trong 10-20 năm tới, ngành công nghiệp ôtô sẽ chuyển từ xe chạy xăng/dầu, do người lái sang xe điện được điều khiển bằng phần mềm.
Các công ty xe hơi truyền thống khẳng định sẽ thích ứng kịp thời với sự chuyển đổi này, nhưng Phố Wall dường như không tin tưởng vào lời trấn an đó. Giới đầu tư Phố Wall coi Tesla - chứ không phải những đại gia truyền thống như Toyota hay Ford - là tương lai của ngành xe hơi.
Để hiểu rõ tâm lý của thị trường, cần phải nhớ những gì đã xảy ra với ngành công nghiệp điện thoại toàn cầu hơn 10 năm trước đây. Năm 2007, Nokia thống trị thị trường điện thoại di động với 415 triệu chiếc bán ra mỗi năm, theo sau là Motorola với 164 triệu chiếc.
Năm đó, Apple ra mắt phiên bản iPhone đầu tiên nhưng chỉ bán được chưa đầy 4 triệu chiếc. Không ít nhà phân tích vội vàng cho rằng Apple chỉ là một "tay chơi" nhỏ bé trên thị trường. Tuy nhiên, chiếc iPhone đầu tiên đó kích hoạt những thay đổi lớn trong ngành công nghiệp điện thoại, kéo theo làn sóng smartphone Android.
Ban đầu, các nhà lãnh đạo của Nokia tỏ ra không quá lo lắng. Họ cho rằng dù không có iPhone, Nokia có rất nhiều kỹ sư giỏi và mối quan hệ bền chặt với các nhà mạng di động khắp thế giới. Họ nghĩ Nokia hoàn toàn có thể phát triển một hệ điều hành smartphone đấu lại với iOS của iPhone và kiểm soát thị trường điện thoại thông minh.
Steve Jobs giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên hồi năm 2007. Ảnh: Time.
Tuy nhiên, việc chế tạo một smartphone chất lượng như iPhone lại khó hơn Nokia tưởng và tập đoàn Phần Lan rơi vào thế bị động. Nỗ lực phát triển hệ điều hành di động riêng sụp đổ, thỏa thuận hợp tác với Microsoft để sản xuất điện thoại sử dụng hệ điều hành Windows cũng trầy trật.
Năm 2014, Nokia buộc phải bán mảng điện thoại di động cho Microsoft. Đây là cái kết đầy đau đớn và đáng xấu hổ với công ty từng thống trị thị trường điện thoại di động toàn cầu trong một thời gian rất dài.
Chúng ta không biết liệu Toyota, Ford và các nhà sản xuất ôtô truyền thống khác có rơi vào cái hố mà Nokia từng mắc kẹt hay không. Nhưng đó là một cách để hiểu tại sao Tesla lại được giới đầu tư Phố Wall đánh giá cao đến vậy. Một số giám đốc Ford từng tự tin khẳng định hãng sẽ dễ dàng sản xuất ôtô điện sử dụng phần mềm, giống như Nokia nghĩ có thể thích ứng với thế giới smartphone.
Bài toán tối đa lợi nhuận
Một bài học quan trọng khác từ thị trường smartphone là trong những ngành công nghệ cao, đôi khi lợi nhuận không tỷ lệ thuận với thị phần. Apple hiện chỉ chiếm hơn 25% thị phần toàn cầu, nhưng "ăn" phần lớn lợi nhuận của cả ngành smartphone. Việc sản xuất cả phần cứng và phần mềm giúp Apple tạo vị thế riêng biệt, qua đó định giá sản phẩm cao hơn đối thủ Android.
Giống Apple, Tesla kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất mọi bộ phận của sản phẩm, từ pin đến phần mềm tự hành. Nhờ gốc gác tại Thung lũng Silicon, Tesla sản xuất phần mềm xe điện có chất lượng cao hơn hẳn sản phẩm của những hãng xe truyền thống như Ford hay Toyota. Đây sẽ là yếu tố cực kỳ quan trọng khi công nghệ tự hành đóng vai trò lớn hơn trong ngành.
Tương tự Apple, Tesla có lượng khách hàng trung thành, luôn dõi theo từng động thái của hãng và nhanh chóng mua các sản phẩm mới. Tesla cũng đang học tập một chiến lược của Apple. Đó là "khóa chặt" nguồn cung các bộ phận quan trọng của ôtô.
Một trong những bộ phận được Tesla đầu tư nhiều nhất là pin. Xe điện cần rất nhiều pin lithium ion, và trong những năm qua Tesla gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung. Vài năm trước, công ty này xây dựng nhà máy Gigafactory tại Nevada, Mỹ để sản xuất pin quy mô lớn.
CEO Elon Musk kỳ vọng nhà máy Gigafactory sẽ giúp Tesla chạy nhanh hơn các đối thủ. Nguồn cung pin tự thân sẽ giúp xe điện Tesla rẻ hơn so với các đối thủ dựa vào nguồn cung từ bên thứ ba. Các hãng cũng sẽ khó đảm bảo nguồn cung pin quy mô lớn như Tesla.
Showroom của Tesla tại Newport Beach, California (Mỹ). Ảnh: Bloomberg.
Khác với Nokia ngày nào chủ quan trước “tân binh” Apple, các hãng xe truyền thống như Toyota, Ford… đều đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển công nghệ xe tự lái để theo kịp xu hướng thị trường. Tuy nhiên, khi càng nhiều hãng sản xuất xe điện, pin điện càng được săn tìm và không dễ để các nhà sản xuất ôtô mở rộng sản xuất xe điện nhanh như Tesla.
Ước tính trong 10 năm qua, giá cổ phiếu Tesla đã tăng tới 4.000%. Từ đầu năm nay, giá cổ phiếu vọt lên mạnh mẽ sau khi Tesla mở nhà máy ở Thượng Hải (Trung Quốc) và bắt đầu sản xuất xe Model Y ở nhà máy Fremont (California, Mỹ).
Các nhà đầu tư cũng đặt niềm tin vào cam kết sản xuất xe tải điện Semi, xe pickup Cybertruck và cải thiện phần mềm tự lái của Tesla. Và bất chấp dịch Covid-19 khiến Tesla phải đóng cửa nhà máy ở California trong vài tuần, giá cổ phiếu của hãng vẫn tăng thêm hơn 140%. "Thế giới xe điện là thế giới của Tesla, và tất cả tay chơi còn lại phải đóng tiền thuê đất", CNBC dẫn lời nhà phân tích Dan Ives của Wedbush Securities nhận định.