Cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính đối với Tổng công ty Lương thực miền Nam, hoàn thành trước ngày 1/12/2016.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tiến hành trình Thủ tướng Chính phủ phương án cổ phần hóa công ty mẹ – Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2).
Vinafood 2 được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2010. Vinafood 2 là một trong những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, trong những năm qua, hoạt động kinh doanh của Vinafood 2 liên tục xảy ra thua lỗ. Tổng công ty, ghi nhận năm thứ 3 lỗ liên tiếp.
Báo cáo của Vinafood 2 lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, doanh thu 2015 của Vinafood 2 đạt 22.750 tỷ đồng, giảm so với mức hơn 26.300 tỷ đồng của năm 2014. Năm 2015, Tổng công ty lỗ khoảng 9 tỷ đồng, đưa tổng mức lỗ lũy kế khoảng 1.062 tỷ đồng. Trước đó, năm 2014, công ty này lỗ khoảng 907 tỷ đồng, còn năm 2013 lỗ 268 tỷ đồng.
Mới đây, Vinafood 2 đã kiến nghị cơ quan chức năng có cơ chế đặc thù cho tổng công ty về xử lý các khoản nợ phải thu khó đòi và tài sản không cần dùng, chờ thanh lý, không đủ điều kiện để xử lý… theo quy định hiện hành khi thực hiện cổ phần hóa.
Hồi tháng 3/2016, doanh nghiệp còn kiến nghị xem xét và trình Thủ tướng đưa ra khỏi diện tăng cường giám sát, nhằm tạo điều kiện cho Tổng công ty trong quan hệ tín dụng với các ngân hàng.
Hiện Chính phủ, Thủ tướng đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp, theo tinh thần những lĩnh vực mà thị trường, doanh nghiệp tư nhân làm tốt hơn thì để khối doanh nghiệp tư nhân làm. Riêng trong lĩnh vực lúa gạo, việc cổ phần hóa các Tổng công ty lương thực được kỳ vọng sẽ giúp tăng tính cạnh tranh, tăng cường hiệu quả của hoạt động xuất khẩu gạo khi tất cả các doanh nghiệp đều được cạnh tranh bình đẳng hơn.