Phiên này, chỉ số Dow Jones giảm hơn 1% và chạm mức thấp nhất trong gần một tháng. Trong khi tất cả các lĩnh vực thuộc S&P 500 cũng đều kết đóng cửa giảm, với nhóm cổ phiếu tiện ích, vốn nhạy cảm với lãi suất đã mất 1,32% và nằm trong số các ngành có mức giảm mạnh nhất.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức cao nhất trong 4 tuần ở mức 4,6% và tiếp tục gây áp lực đến thị trường sau phiên tăng hôm qua.
"Sự gia tăng lợi suất trái phiếu đang gây áp lực lên cổ phiếu... Đó là sự tiếp nối của sự phục hồi không ổn định, không đồng đều này", James Abate, nhà quản lý quỹ của quỹ Centre American Select Equity cho biết.
Lạm phát dai dẳng và những bình luận diều hâu từ các quan chức Fed đã buộc các nhà giao dịch phải giảm dự báo việc Fed cắt giảm lãi suất từ tháng 9 sang tới tháng 11 hoặc tháng 12, theo CME FedWatch Tool, từ nhiều đợt cắt giảm dự kiến vào đầu năm.
Trọng tâm chính trong tuần này sẽ là việc công bố dữ liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 4 vào thứ Sáu - thước đo lạm phát ưa thích của Fed.
Kết thúc phiên 29/5: Chỉ số Dow Jones giảm 411,32 điểm (-1,06%), xuống 38.441,54 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 39,09 điểm (-0,74%), xuống 5.266,95 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 99,30 điểm (-0,58%), xuống 16.920,58 điểm.
Chứng khoán châu Âu giảm, do lo ngại rằng lãi suất toàn cầu sẽ bị giữ ở mức cao trong thời gian dài hơn đã đẩy lợi suất trái phiếu tăng vọt.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 1,08% xuống 513,45 điểm, chạm mức thấp nhất trong ba tuần.
Đà sụt giảm mạnh ở tất cả các chỉ số chính trong khu vực, với chỉ số CAC 40 của Pháp và FTSE MIB của Ý dẫn đầu với mức giảm khoảng 1,5%.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm, mức chuẩn của châu Âu, đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 6 tháng lên mức 2,685% sau khi lạm phát của Đức tăng nhẹ hơn dự báo lên 2,8% vào tháng 5.
"Những gì bạn đã thấy trong vài tuần qua là câu chuyện ‘lãi suất cao trong thời gian dài ' đã trở lại thành nỗi ám ảnh của thị trường", Dan Boardman-Weston, giám đốc điều hành và giám đốc đầu tư tại BRI Wealth Management cho biết.
Tuy nhiên, những người tham gia thị trường tiền tệ nhận thấy gần 90% khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách vào tuần tới, theo công cụ xác suất của LSEG.
Hiện tại, giới đầu tư sẽ chuyển sang theo dõi chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ, dự kiến công bố vào thứ Sáu, cùng với số liệu lạm phát của khu vực đồng euro cũng chuẩn bị được tung ra.
Kết thúc phiên 29/5: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 71,11 điểm (-0,86%), xuống 8.183,07 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 204,58 điểm (-1,10%), xuống 18.473,29 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris giảm 122,77 điểm (-1,52%), xuống 7.935,03 điểm.
Giá dầu thô đảo chiều giảm, do lo ngại về nhu cầu yếu của Mỹ và dữ liệu kinh tế có thể khiến Fed duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.
Kết thúc phiên 29/5, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 0,60 USD (-,80%), xuống 79,23 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,62 USD (-0,80%), xuống 83,60 USD/thùng.