Việc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đánh tiếng về khả năng tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong thời gian tới và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết mức tăng 25 điểm cơ bản nữa là “rất có khả năng”, báo hiệu việc thắt chặt chính sách tiền tệ chưa dừng lại.
Tuy nhiên, điều này đang làm dấy lên lo ngại sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái. Dấu hiệu thể hiện đó chính là lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ và Đức đang giao dịch thấp hơn nhiều so với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm.
Một lời nhắc nhở về những mối nguy hiểm đã đến vào thứ Năm (15/6) khi New Zealand - quốc gia khởi đầu sớm trong quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu - đã báo vào suy thoái kỹ thuật khi có 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp. Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu trước đó cũng đã bước vào tình trạng tương tự.
Charles Hepworth, Giám đốc đầu tư tại GAM Investments cho biết: “Các ngân hàng trung ương dường như nghĩ rằng lãi suất cao hơn vẫn được đảm bảo ngay cả khi nền kinh tế của họ đang suy yếu hoặc đã suy thoái. Những tác động ngược của chính sách lên nền kinh tế có thể là kết quả ngoài ý muốn”.
Các ngân hàng trung ương toàn cầu đang đối mặt với áp lực giá dai dẳng và có phản ứng quyết liệt để chống lại lạm phát. Canada và Úc đều khiến các nhà đầu tư ngạc nhiên vào tuần trước khi tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Fed dù tạm dừng tăng lãi suất sau cuộc họp tháng 6 (kết thúc vào 14/6), nhưng phát biểu của ông Powell sau đó cho thấy, các nhà hoạch định chính sách sẽ có 2 lần tăng lãi suất 25 điểm cơ bản nữa trong năm nay.
Sau đó 1 ngày (thứ Năm, 15/6), ECB quyết định tăng thêm lãi suất 25 điểm cơ bản và Chủ tịch ECB cho biết: “Tôi có thể nói với bạn rằng, nếu không có thay đổi quan trọng đối với đường cơ sở của chúng tôi, thì rất có khả năng chúng tôi sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 7”.
Với những bình luận đó, các nhà đầu tư trên thị trường tiền tệ dự đoán Fed sẽ nâng giới hạn trên của lãi suất mục tiêu lên gần 5,5% - mức cao nhất kể từ đầu thế kỷ này. Đối với ECB, họ dự báo lãi suất cuối cùng là 4% vào tháng 10 - mức cao nhất mọi thời đại.
Đi kèm với những kỳ vọng đó là những dấu hiệu bất an của thị trường. Đường cong lợi suất đảo ngược là một điều bất thường. Khi lãi suất dài hạn thấp hơn so với lãi suất kỳ hạn ngắn hơn, điều đó thường cho thấy các nhà giao dịch dự báo suy thoái sẽ xảy ra, làm lạm phát giảm bớt và các ngân hàng trung ương sẽ phải hạ lãi suất trong những năm tới.
Chênh lệch lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 2 năm của Đức và Mỹ |
Dữ liệu kinh tế tuần này cho thấy, nền kinh tế Mỹ đang đứng vững nhưng đang mất đà. Doanh số bán lẻ tháng trước vượt gần như mọi ước tính, nhưng hoạt động sản xuất của nhà máy vẫn trì trệ và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở mức cao nhất kể từ cuối năm 2021.
Theo David Wilcox của Bloomberg Economics, một cựu quan chức cấp cao của Fed, tỷ lệ thất nghiệp tăng bất ngờ vào tháng trước cho thấy một sự thay đổi lớn có thể đang diễn ra. Tuy nhiên, rõ ràng là có nhiều kết quả có thể xảy ra, từ về cơ bản là không gia tăng tỷ lệ thất nghiệp đến suy thoái ở mức độ nghiêm trọng vừa phải.
Trong khi đó, khu vực đồng euro đang có dấu hiệu trì trệ sau quý đầu năm tăng trưởng âm. Theo bà Lagarde, nền kinh tế đã “đình trệ” và sẽ vẫn yếu trong ngắn hạn.
Bà thừa nhận rằng, những lần tăng lương trước đây đang truyền “mạnh mẽ” vào các điều kiện tài chính và dần dần trong toàn bộ nền kinh tế, nhưng cảnh báo rằng, áp lực tiền lương đang ngày càng thúc đẩy lạm phát.
Joseph Little, chiến lược gia trưởng toàn cầu tại HSBC Asset Management cho biết: “Mối nguy hiểm ở thời điểm này là bằng cách tập trung vào các chỉ số kinh tế chậm chạp, ECB đang trong trạng thái đi vào chính sách thắt chặt quá mức. Chúng ta có thể xem những đợt tăng lãi suất cuối cùng này của chu kỳ thắt chặt là một lỗi chính sách”.