Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 đầu phiên đêm qua tăng vọt lên trên mức 1,77%, lần đầu tiên kể từ tháng 1/2020, tuy nhiên đóng cửa đi ngang ở mức 1,72%.
Đà tăng của lợi suất trái phiếu đã kéo đồng USD mạnh lên và đè nặng lên thị trường chứng khoán. Theo giới quan sát, thị trường đang lo ngại, với việc nền kinh tế đang phục hồi trên diện rộng, lạm phát đang ngày tiến gần hơn đến mức mục tiêu mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đề ra và cơ quan này sẽ chấm dứt các chính sách tiền tệ mềm mỏng đã thúc đẩy thị trường kể từ khi đại dịch bùng phát.
Trong khi đó, giới đầu tư cũng đang cân nhắc đến tác động của kế hoạch cơ sở hạ tầng của Tổng thống Mỹ Joe Biden, dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 3.000 tỷ USD cho đến 4.000 tỷ USD. Số tiền trên nhiều khả năng được bù đắp bởi một số đợt tăng thuế. Ông Biden sẽ công bố các phần trong kế hoạch của mình vào thứ Tư tại Pittsburgh.
Theo các quan chức, kế hoạch đầy tham vọng này nhằm mục đích đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, hồi sinh ngành sản xuất trong nước, chống biến đổi khí hậu và giúp Mỹ giữ vị thế cạnh trạnh với Trung Quốc.
Trong khi đó, thị trường đã vượt qua cơn chấn động động đầu tuần, xung quanh việc quỹ đầu cơ "tỷ đô" Archegos Capital Management cháy tài khoản và phải chịu cảnh “margin call”, buộc bán giải chấp ước tính 30 tỷ USD.
Cổ phiếu ViacomCBS và Discovery đều phục hồi với Discovery tăng hơn 5%, ViacomCBS tăng 3,6%. Các cổ phiếu ngân hàng khác cũng ghi nhận đà tăng. Cổ phiếu Goldman Sachs tăng 1,9%, trong khi JPMorgan và Bank of America đều tăng hơn 1%.
Về dữ liệu kinh tế, chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Conference Board trong tháng 3 đã tăng lên mức cao nhất trong một năm, lên 109,7 từ mức 90,4 trong tháng trước đó. Chỉ số này tăng vọt trong bối cảnh ngày càng nhiều người Mỹ đi tiêm vắc-xin và gói kích thích kinh tế của Chính phủ Mỹ có hiệu lực.
Kết thúc phiên 30/3, chỉ số Dow Jones giảm 104,41 điểm (-0,31%), xuống 33.066,96 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 12,54 điểm (-0,32%), xuống 3.958,55 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 14,25 điểm (-0,11%), xuống 13.045,40 điểm.
Chứng khoán châu Âu kéo dài chuỗi phiên tăng giá với phiên giao dịch bùng nổ hôm thứ Ba, được thúc đẩy bởi hy vọng về sự phục hồi kinh tế nhờ tiến trình tiêm chủng vắc-xin được đẩy mạnh. Cổ phiếu ngân hàng hồi phục mạnh sau khi giảm trong phiên trước đó do tác động từ vụ cháy tài khoản của quỹ đầu cơ Mỹ.
Kết thúc phiên 30/3, chỉ số FTSE 100 tăng 35,95 điểm (+0,53%), lên 6.772,12 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 190,89 điểm (+1,29%), lên 15.008,61 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 72,53 điểm (+1,21%), lên 6.088,04điểm.
Chứng khoán châu Á tiếp tục xanh sàn trong phiên hôm qua. Chứng khoán Nhật Bản tăng điểm nhờ nhóm cổ phiếu vận tải và hàng không, trong khi ngành ngân hàng, tài chính đã hút sự chú ý nhất.
Chứng khoán Trung Quốc kéo dài đà tăng, được củng cố bởi sự tăng giá của cổ phiếu năng lượng và chăm sóc sức khỏe.
Chứng khoán Hồng Kông nhích lên cùng với các thị trường châu Á khác, khi các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng lớn vào chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên toàn cầu.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng, được thúc đẩy bởi hoạt động mua của các nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức, nhưng mức tăng bị giới hạn bởi lo lắng về việc vỡ nợ của quỹ đầu cơ tại Mỹ đã làm xáo trộn cổ phiếu ngân hàng.
Kết thúc phiên 30/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 18,18 điểm (+0,16%), lên 29.432,70 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 21,38 điểm (+0,62%), lên 3.456,68 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 239,20 điểm (+0,84%), lên 28.577,50 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 33,96 điểm (+1,12%), lên 3.070,00 điểm.
Giá vàng tiếp tục giảm sâu trong phiên đêm qua trong bối cảnh đồng USD và lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ cùng mạnh lên khiến nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường kim loại quý.
Kết thúc phiên 30/3, giá vàng giao ngay giảm 25,70 USD (-1,50%), xuống 1.886,00 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 28,30 USD (-1,65%), xuống 1.676,50 USD/ounce.
Giá dầu quay đầu giảm trong phiên ngày thứ Ba khi kênh đào Suez lưu thông trở lại và đồng USD tăng giá.
Các nhà đầu tư chuyển hướng tập trung vào cuộc họp bộ trưởng OPEC+ vào thứ Năm tới. Thị trường đang kỳ vọng, các thành viên của tổ chức sẽ mở rộng hạn chế nguồn cung trước những triển vọng nhu cầu mờ nhạt hiện nay. Một nguồn tin hôm thứ Hai tiết lộ, Ả Rập Xê-út đã sẵn sàng chấp nhận gia hạn cam kết cắt giảm sản lượng trong bối cảnh làn sóng Covid-19 mới nhất.
Báo cáo hàng tuần của Viện Dầu mỏ Mỹ cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 3,9 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn nhiều so mức tăng khoảng 100.000 thùng được giới chuyên gia dự báo.
Kết thúc phiên 30/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 1,01 USD (-1,6%), xuống 60,55 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,84 USD (-1,3%), xuống 64,14 USD/thùng.