Tâm điểm chú ý thị trường trong phiên đêm qua là ồn ào xung quanh việc quỹ đầu cơ "tỷ đô" Archegos Capital Management cháy tài khoản và phải chịu cảnh “margin call”, buộc bán giải chấp. Archegos được thành lập bởi Bill Hwang, một nhà đầu tư lâu năm với sự nghiệp nhiều tranh cãi.
Hai cổ phiếu liên quan trực tiếp tới quỹ Archegos là Discovery và ViacomCBS lần lượt 1,6% và 6,7% đêm qua, sau khi bốc hơi gần 30% trong phiên cuối tuần trước.
Cổ phiếu Credit Suisse mất 11,50%, Nomura Holdings sụt 14,07%. Hai ngân hàng đầu tư toàn cầu này cho biết, họ nhiều khả năng bị ảnh hưởng do sự biến động trên thị trường, nhưng không trực tiếp nêu tên quỹ của Hwang.
“Một quỹ đầu cơ quan trọng có trụ sở tại Mỹ đã vỡ nợ sau một loạt margin call được thực hiện vào tuần trước bởi Credit Suisse và một số ngân hàng khác. Credit Suisse và một số ngân hàng khác đang trong quá trình loại bỏ các vị thế tại quỹ trên”, Credit Suisse cho biết.
Từ cuối tuần trước, các ngân hàng Morgan Stanley, Goldman Sachs và Deutsche Bank đã phải nhanh chóng bán tháo cổ phiếu của những công ty nói trên nhằm thoát ra khỏi các vị thế tại Archegos Capital Management.
Cổ phiếu ngân hàng Morgan Stanley giảm 2,6%, trong khi cổ phiếu JPMorgan Chase mất 1,6% trong phiên đêm qua.
Những ồn ào xung quanh margin call xuất hiện vào đầu tuần nghỉ lễ rút ngắn, khi các nhà đầu tư tại Mỹ và châu Âu đang chuẩn bị tinh thần cho sự biến động mạnh trong tuần lễ rút ngắn để nghỉ ngày thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday) với việc tái cân bằng bảng cân đối kế toán vào cuối quý giữa các quỹ hưu trí và các nhà đầu tư lớn khác. Đà leo dốc nhanh chóng gần đây của lợi suất trái phiếu có thể khiến các nhà quản lý tiền tệ phải điều chỉnh lớn danh mục đầu tư của mình.
Trong khi đó, đội cứu hộ đã dịch chuyển thành công tàu Ever Given khỏi bờ cát trên kênh đào Suez sau gần 1 tuần nỗ lực giải cứu. Con tàu container Ever Given dài 1.300 feet, do Tập đoàn Evergreen có trụ sở tại Đài Loan điều hành, gặp sự cố về hướng gió khi di chuyển ngang qua kênh đào Suez.
Sự cố hy hữu này đã khiến con tàu bị đổi hướng và mắc cạn, vô tình chắn ngang tuyến đường biển nối liền Địa Trung Hải và Biển Đỏ, khiến 12% tổng số lượng hàng hóa vận tải trên toàn cầu bị rơi vào trạng thái tê liệt suốt gần một tuần lễ.
Mặt khác, Tổng thống Mỹ Joe Biden trong bài phát biểu về ứng phó với dịch bệnh Covid-19 hôm thứ Hai tuyên bố, 90% người trưởng thành ở Mỹ sẽ đủ điều kiện tiêm vắc-xin trước ngày 19/4, số còn lại đủ điều kiện vào ngày 1/5.
Số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu tăng trên 127 triệu vào hôm 29/3, 1/4 trong đó là số ca nhiễm tại Mỹ, theo dữ liệu được tổng hợp bởi Đại học Johns Hopkins. Bà Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo, mặc dù tiêm chủng đang được triển khai nhanh chóng trên cả nước, vẫn còn những lo ngại về một làn sóng Covid-19 mới khi số ca nhiễm mới đang có xu hướng gia tăng. Bình quân mỗi ngày có 4.800 ca nhập viện vì Covid-19 trong tuần qua, nhiều hơn 200 ca so với 1 tuần trước đó.
Kết thúc phiên 29/3, chỉ số Dow Jones tăng 98,49 điểm (+0,30%), lên 33.171,37 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,45 điểm (-0,087%), xuống 3.991,09 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 79,08 điểm (-0,060%), xuống 13.059,65 điểm.
Tình chung cả tuần, Dow Jones tăng 1,36%, S&P 500 tăng 1,57%, Nasdaq Composite giảm 0,58%.
Chứng khoán châu Âu tăng điểm trong một phiên giao dịch đầy sôi động vào thứ Hai nhờ tâm lý lạc quan vào đà phục hồi kinh tế, bất chấp cổ phiếu Credit Suisse giảm mạnh. Ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ cảnh báo về tác động rất đáng kể đối với kết quả kinh doanh quý I/2021, sau khi bắt đầu rút ra khỏi một quỹ đầu tư lớn của Mỹ bị vỡ nợ một tuần trước, hay Archegos Capital Management.
Kết thúc phiên 29/3, chỉ số FTSE 100 giảm 4,42 điểm (-0,07%), xuống 6.736,17 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 68,78 điểm (+0,47%), lên 14.817,72 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 26,70 điểm (+0,45%), lên 6.015,51điểm.
Chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng điểm nhờ sự lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế trong nước và tại Mỹ, mặc dù lo ngại về khoản lỗ 2 tỷ USD tiềm ẩn tại ngân hàng đầu tư Nomura Holdings đã hạn chế đà tăng của thị trường.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi lợi nhuận khả quan tại các công ty công nghiệp thúc đẩy tâm lý giới đầu tư.
Chứng khoán Hồng Kông gần như không đổi khi sự sụt giảm của cổ phiếu công nghệ đã được bù đắp bởi sự tích cực ở nhóm cổ phiếu năng lượng.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm do đợt bán tháo từ các nhà đầu tư tổ chức đã lấn át sự lạc quan trước sự phục hồi kinh tế nhờ chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19.
Kết thúc phiên 29/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 207,82 điểm (+0,71%), lên 29.384,52 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 16,97 điểm (+0,50%), lên 3.435,00 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 1,87 điểm (+0,00%), lên 28.338,30 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 4,97 điểm (-0,16%), xuống 3.046,04 điểm.
Giá vàng phiên phiên đầu tuần quay đầu giảm mạnh. Việc đồng USD và lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ mạnh lên đã làm giảm sức hút của kim loại quý vốn được coi là phương tiện đầu tư an toàn này.
Kết thúc phiên 29/3, giá vàng giao ngay giảm 21,60 USD (-1,25%), xuống 1.711,70 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 21,10 USD (-1,16%), xuống 1.712,20 USD/ounce.
Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên ngay thứ Hai trong bối cảnh xuất hiện nhiều thôn tin tiết lộ Nga sẽ hỗ trợ OPEC+ trong việc giữ sản lượng dầu ổn định trong cuộc họp với nhóm sản xuất vào cuối tuần này.
Tại kênh đào Suez, siêu tàu Ever Given đã nổi hoàn toàn và giao thông trên kênh đào sẽ sớm trở lại bình thường.
Kết thúc phiên 29/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,47 USD (+0,77%), lên 61,44 USD/thùng, giá dầu thô tăng 0,26 USD (+0,40%), lên 64,83 USD/thùng.