Lo lắng vẫn bao trùm giới đầu tư bất chấp dữ liệu kinh tế được cải thiện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall tiếp tục lao dốc trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (9/9), đánh dấu phiên thứ tư liên tiếp giảm điểm.
Lo lắng vẫn bao trùm giới đầu tư bất chấp dữ liệu kinh tế được cải thiện

Thứ Năm, thị trường đón nhận báo cáo thất nghiệp hàng tuần tiếp tục được cải thiện làm giảm bớt lo ngại về sự phục hồi kinh tế chậm lại, nhưng cũng làm dấy lên lo ngại Fed có thể sẽ thu hẹp các chính sách sớm hơn.

Theo dữ liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố, số đơn xin thất nghiệp lần đầu tại Mỹ đã giảm 35.000 đơn, xuống còn 310.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 4/9, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3/2020. Điều này cho thấy, tăng trưởng việc làm có thể bị cản trở bởi tình trạng thiếu lao động hơn là giảm nhu cầu tuyển dụng lao động.

Giới đầu tư trở nên lo lắng hơn trong những phiên gần đây sau báo cáo việc làm tháng 8 tồi tệ cho thấy đà phục hồi kinh tế có thể đang chậm lại với tốc độ nhiều hơn dự kiến. Trong khi đó, sự không chắc chắn về thời điểm Fed bắt đầu cắt giảm quy mô các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế cũng khiến tâm lý nhà đầu hoang mang.

Fed sẽ nhóm họp định kỳ vào ngày 21-22/9 tới và nhiều khả năng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ đưa ra động thái giảm nhịp độ mua trái phiếu hàng tháng trị giá 120 tỷ USD, vốn đã giữ lãi suất thấp và thúc đẩy kinh tế phục hồi từ đại dịch.

Mặt khác, lợi suất trái phiếu tăng nhẹ sau khi dữ liệu thất nghiệp hàng tuần được công bố kéo theo nhóm cổ phiếu tài chính JPMorgan, Wells Fargo, Citi Group và Morgan Stanley đều tăng.

Cổ phiếu Moderna tăng vọt hơn 7,8% sau khi hãng dược phẩm cho biết đang phát triển một loại vắc-xin 1 liều kết hợp với thuốc tăng cường chống Covid-19 và bệnh cúm.

Ngược lại, các quy định hạn chế gay gắt mới lên các trò chơi trực tuyến mà Bắc Kinh đưa ra khiến nhóm cổ phiếu liên quan như Activision Blizzard, Electronic Art và Take-Two Interactive Software giảm hơn 1%.

Bộ 3 chỉ số chính trên phố Wall đều giảm điểm trong phiên đêm qua. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngoài giờ, Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures đang leo dốc khá tốt.

Kết thúc phiên 9/9, chỉ số Dow Jones giảm 151,69 điểm (-0,43%), xuống 34.879,38 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 20,79 điểm (-0,46%), xuống 4.493,28 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 38,38 điểm (-0,25%), xuống 15.248,25 điểm.

Chứng khoán Châu Âu thoát khỏi đà bán tháo trong những phiên gần đây để kết thúc phiên ngày thứ Năm khởi sắc nhẹ sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố họ chỉ giảm nhẹ lượng mua trái phiếu khẩn cấp (PEPP) trong quý tới.

Trong thông báo đưa ra sau cuộc họp định kỳ, ECB nhận định các điều kiện tài chính “thuận lợi” hiện nay vẫn có thể được duy trì nếu nhịp độ mua bán tài sản ròng trong khuôn khổ PEPP chậm lại một cách vừa phải so với 2 quý trước.

ECB sẽ chỉ điều chỉnh nhịp độ mua tài sản, không thay đổi quy mô của chương trình hay thời hạn kết thúc chương trình dự kiến là vào tháng 3/2022. Đây là quyết định được nhiều người mong đợi.

Trong khi đó, chứng khoán Anh tiếp tục đỏ lửa do một loạt các cổ phiếu hàng không kéo lùi.

Kết thúc phiên 9/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 71,32 điểm (-1,01%), xuống 7.024,21 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 12,87 điểm (+0,08%), lên 15.623,15 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 15,83 điểm (+0,24%), lên 6.684,72 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản điều chỉnh sau 8 phiên tăng liên tiếp và leo lên mức cao gần 6 tháng qua trong phiên hôm qua.

Chứng khoán Trung Quốc gần như không đổi, khi các quan chức của ngân hàng trung ương nước này tuyên bố sẽ duy trì chính sách tiền tệ thận trọng.

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhờ cổ phiếu ngành năng lượng bứt lên.

Chứng khoán Hồng Kông giảm mạnh do nhóm cổ phiếu công nghệ lao dốc do ngành công nghiệp game gặp phải sức ép lớn đến từ Bắc Kinh.

Chứng khoán Hàn Quốc tiếp tục đi xuống, dẫn đầu đà giảm là nhóm cổ phiếu các gã khổng lồ công nghệ Kakao và Naver trước lo ngại về các quy định mới chặt chẽ hơn.

Kết thúc phiên 9/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 173,02 điểm (-0,57%), xuống 30.008,19 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 17,94 điểm (+0,49%), lên 3.693,13 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 604,93 điểm (-2,30%), xuống 25.716,00 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 48,29 điểm (-1,53%), xuống 3.114,70 điểm.

Giá vàng đêm qua phục hồi nhờ đồng USD suy yếu song chưa thể bứt phá lên trên mốc 1.800 USD/ounce dù khẩu vị rủi ro trên thị trường suy yếu.

Kết thúc phiên 9/9, giá vàng giao ngay tăng 5,60 USD (+0,31%), lên 1.794,20 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 6,60 USD (+0,37%), lên 1.797,80 USD/ounce.

Giá dầu đêm qua giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hai tuần sau khi Trung Quốc triển khai kế hoạch giải phóng dự trữ dầu của chính phủ và lượng dầu thô dự trữ hàng tuần của Mỹ ít hơn dự kiến.

Kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 1,5 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 3/9, thấp hơn nhiều so với dự báo giảm 4,6 triệu thùng của giới phân tích.

Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu được hạn chế nhờ dự trữ xăng giảm tới 7,2 triệu thùng, trong khi dự kiến chỉ giảm 3,4 triệu thùng.

Mặt khác, các giàn khoan tại Vịnh Mexico vẫn đang loay hoay để trở lại sau cơn bão Ida. Sản lượng khoảng 1,4 triệu thùng/ngày vẫn đang bị ngưng trệ.

Kết thúc phiên 9/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 1,16 USD (-1,7%), xuống 68,14 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,15 USD (-1,6%), xuống 71,45 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.2 0.0 0.0% 1,701 tỷ
UPCOM 88.15 0.0 0.0% 623 tỷ