Lo lắng ập xuống, giới đầu tư đua nhau tháo chạy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall lao dốc mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (25/2) bởi áp lực lợi suất trái phiếu Mỹ tăng đè nặng.
Lo lắng ập xuống, giới đầu tư đua nhau tháo chạy

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm “đột ngột” leo lên mức 1,547% trong phiên đêm qua, sau đó đóng cửa ở mức 1,51%, tăng khoảng 16 điểm cơ bản kể từ khi kết thúc phiên ngày thứ Sáu tuần trước.

Lãi suất trái phiếu tăng khiến thị trường chứng khoán trở nên kém hấp dẫn và kéo dòng tiền rút khỏi cổ phiếu để chuyển sang trái phiếu, tài sản ít rủi ro hơn.

Trước đó một ngày, những phát triển tích cực xung quanh chương trình tiêm chủng vắc-xin và những lời trấn an từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell trong các phiên điều trần trước Quốc hội đã xoa dịu sự lo lắng xung quanh đà tăng của lợi tức trái phiếu sẽ dẫn đến các điều kiện vay vốn thắt chặt hơn, gây khó khăn cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, sang phiên ngày thứ Năm, lo lắng trên lại bùng phát trở lại.

Những thông tin kinh tế tính cực cũng không thể kéo thị trường thoát khỏi một phiên bán tháo trên diện rộng. Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Năm báo cáo, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 20/2 đã giảm 111.000, xuống còn 730.000 người Con số ngày cũng thấp hơn dự báo 845.000 người của các chuyên gia kinh tế.

Trong khi đó, doanh số bán hàng lâu bền đã tăng 1,4% trong tháng 1/2020, đơn đặt hàng hàng hóa cơ bản tăng 0,5%.

GDP thực tế của Mỹ đã tăng 4,1% trong quý IV/2020, dữ liệu Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) công bố hôm thứ Năm cho biết. Con số này tăng nhẹ ước tính ban đầu là 4% và phù hợp với kỳ vọng của thị trường.

Ngoài ra, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hôm thứ Năm cho biết, loại vắc-xin Covid-19 chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất do Johnson & Johnson sản xuất không gây ra rủi ro nào ngoài mong đợi, tiến thêm một bước đưa vắc-xin này tới việc được cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Mặt khác, các nhà đầu tư cũng quan tâm đến đợt tăng mới của cổ phiếu GameStop. Cổ phiếu này đóng cửa phiên đêm tăng 19% hôm thứ Năm, sau khi tăng hơn 100% trong phiên trước đó.

Trước đó, trong tháng 1, cổ phiếu GameStop tăng hơn 1.600% khi lực lượng nhà đầu tư cá nhân trên diễn đàn Reddit’s WallStreetBets ồ ạt mua cổ phiếu này nhằm “đối đầu” với những quỹ đầu cơ đặt cược mạnh vào sự mất giá của GameStop, trong đó có Melvin Capital. Quỹ này cho biết đã lỗ 53% trước khi đóng trạng thái bán khống cổ phiếu GameStop. “Cơn điên” GameStop đã thu hút sự chú ý đặc việt từ các nhà quản lý và các nhà lập pháp.

Kết thúc phiên 25/2, chỉ số Dow Jones giảm 559,85 điểm (-1,75%), xuống 31.402,01 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 96,09 điểm (-2,45%), xuống 3.829,34 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 478,54 điểm (-3,52%), xuống 13.119,53 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm trong bối cảnh tâm lý giới đầu tư bị đè nặng bởi lợi suất trái phiếu cao hơn và sự biến động trên thị trường Mỹ.

Kết thúc phiên 25/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 7,01 điểm (-0,11%), xuống 6.651,96 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 96,67 điểm (-0,69%), xuống 13.879,33 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 14,09 điểm (-0,24%), xuống 5.783,86 điểm.

Châu Á trở lại với sắc xanh trong phiên ngày thứ Năm. Chứng khoán Nhật Bản hồi phục lại mốc 30.000 điểm, ảnh hưởng bởi phiên tăng giá trong đêm trước đó của phố Wall sau khi Chủ Fed Jerome Powell tái khẳng định giữ lãi suất ở mức thấp.

Chứng khoán Trung Quốc cũng tăng trở lại nhờ nhóm cổ phiếu lĩnh vực bất động sản. Tương tự, chứng khoán Hồng Kông và chứng khoán Hàn Quốc đều tăng nhờ dư âm trên phố Wall.

Kết thúc phiên 25/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 496,57 điểm (+1,67%), lên 30.168,27 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 20,97 điểm (+0,59%), lên 3.585,05 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 355,93 điểm (+1,20%), lên 30.074,17 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 104,71 điểm (+3,50%), lên 3.099,69 điểm.

Giá vàng sụt giảm mạnh trong phiên đêm qua trong bối cảnh thị trường tài chính Mỹ tiếp tục diễn biến bất thường, bất cấp thị trường lao động của nước này bất ngờ tốt hơn kỳ vọng.

Kết thúc phiên 25/2, giá vàng giao ngay giảm 34,70 USD (-1,92%), xuống 1.770,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 3 giảm 22,20 USD (-1,34%) 1.774,40 USD/ounce.

Giá dầu trái trái chiều trong phiên thứ Năm. Giá dầu thô của Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2019 do các nhà máy lọc dầu ở Texas khởi động lại sản xuất sau khi đóng băng tuần trước, trong khi dầu Brent giảm do lo ngại sau 4 tháng tăng giá, các nhà sản xuất sẽ thúc đẩy tăng sản lượng.

Các nhà phân tích cho biết, WTI tăng vào cuối ngày khi nhiều nhà máy lọc dầu ở Texas bắt đầu hoạt động trở lại, bao gồm nhà máy Port Arthur của Valero Energy và nhà máy Corpus Christi của Citgo Petroleum.

OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 4/3. Giới quan sát lưu ý, cả Brent và WTI đều tăng hơn 75% trong bốn tháng qua có thể khiến OPEC+ quyết định nới lỏng việc cắt giảm sản lượng.

Các nguồn tin của OPEC+ cũng tiết lộ, nhóm sẽ thảo luận về việc nới lỏng hạn chế nguồn cung dầu từ tháng 4 khi giá dầu phục hồi, mặc dù một số ý kiến cho rằng cần giữ ổn định thị trường trong thời điểm hiện tại, đề phòng nguy cơ thất bại trong cuộc chiến chống lại đại dịch.

Kết thúc phiên 25/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,31 USD (+0,5%), lên 63,53 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,16 USD USD (-0,2%), lên 66,88 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục