Lỗ hổng thất thoát vốn nhà nước, nhìn từ vụ Sabeco

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều tài sản của nhà nước thất thoát trong những thương vụ thoái vốn, bán vốn nhà nước.
Ảnh: Lê Toàn Ảnh: Lê Toàn

Câu chuyện tại Sabeco

Vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” tại Sabeco liên quan đến khu đất vàng 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng, quận 1 (TP.HCM) được đưa ra xét xử vào tuần trước một lần nữa lại cho thấy lỗ hổng gây thất thoát tài sản nhà nước.

Trở lại thời điểm năm 2016, Sabeco lên kế hoạch thoái vốn 26% cổ phần tại Sabeco Pearl - công ty liên doanh, Sabeco góp vốn để triển khai dự án tổ hợp căn hộ, thương mại, văn phòng có tên Sài Gòn Mê Linh Tower, với tổng mức đầu tư hơn 2.423 tỷ đồng trên khu đất 6.080 m2 tại địa chỉ 2 – 4 - 6 Hai Bà Trưng, TP.HCM do Sabeco sở hữu. Khu đất này có vị trí đắc địa với 4 mặt tiền đường Hai Bà Trưng, Thi Sách, Công trường Mê Linh, Đông Du.

Khi thoái vốn, Sabeco đã mời 3 công ty thẩm định giá là Công ty Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam, Công ty TNHH Cushman & Wakefield và Công ty TNHH Chứng khoán ACB. Tuy nhiên, chỉ có Công ty Đông Nam có chức năng thẩm định giá theo quy định của Bộ Tài chính. Bộ Công thương phê duyệt giá khởi điểm khi thoái vốn là 13.247 đồng/cổ phiếu.

Ngày 14/6/2016, Sabeco tổ chức bán đấu giá 26% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl cho 3 cổ đông sáng lập của Sabeco Pearl gồm Công ty Atland, Công ty Mê Linh, Công ty Hà An. Kết quả là Công ty Atland đã trúng đấu giá 14.733.342 cổ phần với giá 13.347 đồng/cổ phần (cao hơn giá khởi điểm 100 đồng/cổ phần).

Sau ngày đấu giá, Sabeco đã có văn bản xin ý kiến Bộ Công thương, làm rõ việc tổ chức bán đấu giá có phù hợp với Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty không.

Sau những lùm xùm về vi phạm quản lý đất vàng và thoái vốn, năm 2017, Sabeco đã thoái vốn nhà nước và Công ty TNHH Vietnam Beverage (nhà đầu tư đến từ Thái Lan) đã trúng đấu giá 51% vốn điều lệ, trở thành ông chủ mới của Sabeco. Tình hình kinh doanh Công ty tương đối khởi sắc.

Ngày 26/8/2016, Phan Chí Dũng, khi đó là Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ dự thảo, tham mưu cho ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương ký Công văn số 8060/BCT-CNN ngày 30/8/2016, trong đó có nêu việc thực hiện đấu giá công khai giữa các cổ đông sáng lập của Sabeco Pearl là phù hợp và đề nghị thực hiện các quy định để phê duyệt kết quả đấu giá. Ngày 7/9/2016, Hội đồng quản trị Sabeco có Nghị quyết số 51 phê duyệt kết quả đấu giá chuyển nhượng cổ phần.

Trong thương vụ này, Sabeco nhận số tiền chuyển nhượng 196,6 tỷ đồng và rút khỏi liên doanh Sabeco Pearl và khu đất vàng hơn 6.000 m2 trên đường Hai Bà Trưng, TP.HCM chính thức rơi vào tay công ty tư nhân.

Theo kết luận thẩm định, trên thực tế, năm 2015, UBND TP.HCM đã chấp thuận điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc xây dựng, bổ sung chức năng căn hộ khách sạn và căn hộ ở cho dự án và về mặt pháp lý đã làm giá trị khu đất tăng lên. Hội đồng định giá xác định, giá trị quyền sử dụng đất năm 2018 (khi có chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc) là 3.816 tỷ đồng.

Tại thời điểm ngày 1/4/2016, giá trị 1 cổ phần của Sabeco Pearl là 31.611 đồng/cổ phiếu. Giá trị 26% vốn góp (tương đương 14.733.342 cổ phiếu) của Sabeco tại Sabeco Pearl là 465,7 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng xác định, các bị cáo Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công thương), Hồ Thị Kim Thoa (nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương) và các đồng phạm đã làm trái pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát cho nhà nước 2.713 tỷ đồng. Các bị cáo vi phạm các quy định về Luật Đất đai; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp năm 2014; Nghị định số 91/2015.

Luật mới khó lấp “lỗ hổng thoái vốn

Theo Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp nhà nước được định nghĩa lại, bao gồm các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 của luật này.

Soi chiếu quy định mới vào Nghị định 91/2015/NĐ-CP và Nghị định 32/2018/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn tài sản tại doanh nghiệp, có ý kiến cho rằng, luật mới sẽ giúp lấp lỗ hổng khi thoái vốn tại các công ty đã cổ phần hóa và còn vốn nhà nước.

Phương thức thực hiện thoái vốn nhà nước hiện được quy định tại nhiều văn bản, nhưng về cơ bản tại các công ty đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch UPCoM, việc chuyển nhượng cổ phiếu thực hiện theo phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Đối với công ty chưa niêm yết, thực hiện theo thứ tự đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, bán thỏa thuận.

Cụ thể, Nghị định 91/2015/NĐ-CP và Nghị định 32/2018/NĐ-CP quy định đấu giá công khai có thể thực hiện theo 2 phương thức: đấu giá thông thường và đấu giá theo lô.

Nếu giá trị chuyển nhượng trên 10 tỷ đồng trở lên phải thực hiện tại các sở giao dịch chứng khoán.

Còn với khoản chuyển nhượng có giá trị dưới 10 tỷ đồng, doanh nghiệp có thể lựa chọn thuê tổ chức tài chính trung gian bán đấu giá, tự tổ chức đấu giá tại doanh nghiệp hoặc thực hiện đấu giá tại sở giao dịch chứng khoán.

Tuy nhiên, Nghị định 91 có đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp nhà nước, bao gồm các công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Điều này có nghĩa các công ty đã cổ phần hóa và còn vốn nhà nước khi thoái vốn tại các doanh nghiệp khác không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định.

Việc thoái vốn với các công ty chỉ còn một phần vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chỉ cần tuân theo Luật Doanh nghiệp, Điều lệ công ty có thể bị lợi dụng, dẫn đến thất thoát trong quá trình thoái vốn.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an trong quá trình điều tra vụ án xảy ra tại Sabeco đã ghi nhận lỗ hổng này; đồng thời kiến nghị cần xem xét, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật về việc thoái vốn của các tổng công ty, tập đoàn kể cả doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, doanh nghiệp dưới 100% vốn nhà nước và các công ty con, công ty cháu có vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.

Tuy vậy, xung quanh vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Luật Basico cho rằng, quy định mới về xác định doanh nghiệp nhà nước “không ảnh hưởng một chút nào đến việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp”. Tỷ lệ sở hữu dù 100% hay trên 50% thì cách thức tổ chức thoái vốn vẫn được tiến hành như trước đây.

Hiện nay, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có công văn đề nghị UBND TP.HCM tạm ngưng mọi giao dịch, chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp đối với khu đất vàng hơn 6.000 m2. Đồng thời, tạm ngừng việc thay đổi đăng ký kinh doanh, chuyển nhượng cổ phần, thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh (tiền thân là Sabeco Pearl), đơn vị đang quản lý khu đất trên.

Dư luận đang hướng sự chú ý về số phận khu đất vàng trên sẽ ra sao và hướng xử lý giải quyết trong trường hợp phải thu hồi thế nào? Điều này phụ thuộc vào kết quả chung thẩm của Tòa án Nhân dân cấp cao trong thời gian tới đây.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục