Cuộc đấu giá có 5 nhà đầu tư đăng ký với số lượng cổ phần đăng ký là gần 13,362 triệu cổ phần, vượt hơn 20% tổng khối lượng cổ phần chào bán là 11,0176 triệu cổ phần.
Ðây có lẽ là lần đầu tiên Sở GDCK phải ra thông báo dừng đấu giá với một cuộc đấu giá mà người mua đã sẵn sàng. Thông thường, một cuộc đấu giá sẽ bị hủy bỏ nếu không ai đăng ký mua, hoặc số nhà đầu tư đăng ký không đủ quy định.
Cũng theo quy định, nếu đấu giá giữa chừng sau khi đặt cọc, hoặc bỏ phiếu sai quy cách, nhà đầu tư sẽ bị mất tiền cọc. Trong trường hợp của BLW, với giá khởi điểm 13.150 đồng/cổ phần, tổng số tiền nhà đầu tư đã bỏ ra đặt cọc là hơn 17 tỷ đồng. Vậy doanh nghiệp này có gì bất thường khiến cuộc đấu giá bất thành?
Nguyên do Sở GDCK TP. HCM (HOSE) ra thông báo dừng đấu giá tại BLW (ngày 14/12/2018) xuất phát từ 2 văn bản: Công văn số 33/CV-CTY về việc chỉ đạo thoái vốn nhà nước tại BLW của Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp ngày 13/12/2018 và công văn số 5441/UBND-TH của UBND tỉnh Bạc Liêu ngày 13/12/2018.
Theo nội dung các công văn này, UBND Bạc Liêu dựa theo công văn số 31/CV-CTY ngày 10/12/2018 và công văn số 32/CV-CTY ngày 11/12/2018 của người đại diện phần vốn nhà nước tại BLW báo cáo tình hình thoái vốn nhà nước tại BLW, đã đề nghị Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện bán theo lô (thay vì bán đấu giá ra công chúng như đã công bố trước đó).
Nội dung ghi rõ: “Theo đó, tổng số vốn tại Công ty chỉ xác định một lô. Nếu bán không kịp thì tạm hoãn ngay nhằm đảm bảo đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thường trực UBND Tỉnh, đó là bán một lần cho toàn bộ số vốn”.
Ðiều đáng nói là, các công văn yêu cầu bán trọn lô được ban hành chỉ trước một vài ngày làm việc so với thời điểm dự kiến diễn ra phiên đấu giá cổ phần BLW (15 giờ ngày 17/12/2018). Cuộc đấu giá được Sở GDCK công bố ra công chúng từ ngày 30/11/2018 và đã nhận đăng ký tham gia của 5 nhà đầu tư. Sát ngày tổ chức “chợ” thì có thông báo hủy, vì bên bán muốn thay đổi cách bán (!).
Trước câu hỏi của phóng viên về việc vì sao thay đổi đột ngột phương án bán, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ trả lời rằng: "Ðề nghị gặp người đại diện vốn nhà nước, tôi thực hiện theo kết luận của Thường trực Ủy ban”.
Tạm chưa bàn đến những lý do hợp lý của việc cần bán trọn lô đấu giá, việc dừng đột ngột một cuộc chào bán ra công chúng sau khi đã thông tin rộng rãi và nhận đăng ký của bên mua khiến dư luận không chỉ bất ngờ, mà còn đặt câu hỏi về việc liệu bên bán có quyền hủy giữa chừng một thương vụ chào bán? Trong trường hợp này, cuộc giao thương trở nên không bình đẳng và nhà đầu tư ít nhiều bị mất niềm tin vào cam kết bán, nhất là khi đó lại là phần vốn nhà nước, chứ không phải của một cá nhân, tổ chức đơn thuần.
TTCK Việt Nam những ngày cuối cùng của năm 2018 liên tục đỏ sàn, nhưng nhiều thành viên đều chờ đợi thị trường sẽ phục hồi trở lại vào năm 2019 và cơ hội từ các cuộc đấu giá, bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước lớn như Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Phát điện 1, 2…
Ðể năm 2019 suôn sẻ hơn năm 2018, yếu tố vĩ mô là nền tảng, nhưng yếu tố niềm tin là quyết định. Chuyện ở BLW có thể là chỉ một câu chuyện nhỏ lỡ dở một cuộc đấu giá, nhưng ở đó có vấn đề không nhỏ, đó là lỡ dở niềm tin nhà đầu tư.