Điểm mặt doanh nghiệp
Sau 6 quý liên tiếp có lợi nhuận, CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM) vừa bất ngờ thông báo mức lỗ 1,79 tỷ đồng trong quý III/2014.
Theo giải trình của SAM, nguyên nhân thua lỗ là do nguồn thu từ các khoản đầu tư vào các công ty khác giảm, khiến thu không đủ trang trải các khoản chi phí, dẫn đến bị lỗ.
Với số lỗ này, lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của SAM chỉ còn 742 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm 2013, SAM lãi 64,7 tỷ đồng.
CTCP Thế giới số Trần Anh (TAG) cho biết, do chi phí bán hàng và quản lý tăng cao, nên quý III, Công ty lỗ tới 8,4 tỷ đồng, trong khi doanh thu vẫn tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 553,4 tỷ đồng.
CTCP Xây dựng và Giao thông Bình Dương (BCE) cũng ghi nhận mức lỗ nhẹ hơn 1 tỷ đồng trong quý III. Theo BCE, doanh thu hoạt động kinh doanh của BCE trong kỳ chủ yếu đến từ hoạt động xây dựng, tuy nhiên, doanh thu các công trình xây dựng được ghi nhận trong quý III của Công ty giảm hơn 130 tỷ đồng so với cùng kỳ, trong khi chi phí tài chính lại cao gấp 2 lần, đã “ngốn” gần như toàn bộ lợi nhuận gộp của Công ty.
Nếu như cùng kỳ năm ngoái, CTCP Than Cao Sơn-Vinacomin (TCS) ghi nhận con số lợi nhuận khả quan, thì năm nay lại đi theo hướng ngược lại. Cụ thể, TCS vừa công bố BCTC quý III/2014 với mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty này, lên tới 73,27 tỷ đồng.
Theo giải trình từ TCS, nguyên nhân thua lỗ là do chênh lệch thuế suất tài nguyên từ tháng 2 đến tháng 9/2014 từ 7 - 9% nhưng Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) lại chưa bù trong kế hoạch giao là 54,194 tỷ đồng.
Hay CTCP Vạn Phát Hưng (VPH) tiếp tục báo lỗ 5,5 tỷ đồng trong quý III, nâng lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm lên 14,6 tỷ đồng.
Đối với ngành chứng khoán, TTCK 9 tháng đầu năm đã ghi nhận đà tăng trưởng khá tốt. Mặc dù vậy, bên cạnh CTCK đạt kết quả lợi nhuận cao, đặc biệt là trong quý III, một số CTCK vẫn trong tình trạng bết bát.
Chẳng hạn, CTCK Đại Việt (DVSC) tiếp tục lỗ hơn 2,3 tỷ đồng trong quý III sau khi đã lỗ hơn 19,7 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Do phải trích lập dự phòng nên CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco) tiếp tục ghi nhận lỗ quý thứ 2 liên tiếp, với mức lỗ trong quý III là 2,53 tỷ đồng…
Đâu là nguyên nhân?
Những doanh nghiệp có “tiền sử” thua lỗ triền miên đã đành, nhưng một số doanh nghiệp vốn làm ăn hiệu quả nhưng vẫn không thoát “cửa” lỗ, thì hẳn phải có nguyên nhân.
Ông Trần Xuân Kiên, Chủ tịch TAG chia sẻ, thị trường bán lẻ điện máy Việt Nam đang bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt. Hiện TAG đang chú trọng đến việc mở rộng thị trường và gia tăng thị phần, nên trước mắt phải “hy sinh” lợi nhuận, thậm chí tình trạng này có thể phải mất vài ba năm. Vì thế, trong thời gian này, Công ty khó kỳ vọng đạt được lợi nhuận như mong muốn.
CTCP Tấm lợp Vật liệu xây dựng Đồng Nai (DCT) lỗ 51,9 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm và tình trạng này vẫn chưa được khắc phục trong quý III. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ chi phí các khoản vay đầu tư vào Trạm nghiền xi măng Công Thanh tại Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Dự án này có công suất 1,8 triệu tấn/năm, từng bị gián đoạn do sự cố từ cuối năm 2012 khi tàu YM của nước ngoài đâm vào cần cẩu của cảng nhà máy, đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để với khoản tiền thiệt hại lên đến 38,5 tỷ đồng.
Với TCS, lỗ không chỉ do chênh lệch thuế suất tài nguyên, mà hiện nay, TCS cũng như nhiều doanh nghiệp ngành than đang phải đối mặt với khó khăn khi kết luận mới đây của Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu các doanh nghiệp ngành này chấm dứt việc thuê bên ngoài tham gia vào các hoạt động - sản xuất bắt đầu từ quý III.
Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ than đều tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhất là các công ty khai thác lộ thiên.
Các đơn vị này đều thuê các doanh nghiệp ngoài ngành làm dịch vụ bốc xúc, vận chuyển đất đá. Nếu thực hiện theo quyết định trên, với thực lực hiện nay của ngành, việc dừng thuê các doanh nghiệp bên ngoài làm dịch vụ, sẽ rất khó để hoàn thành kế hoạch và tất nhiên, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.