Bùng nổ livestream ở Việt Nam
Chỉ 1 ngày trong đợt khuyến mãi trực tuyến trong tháng 12/2020, một đơn vị bán phụ kiện điện thoại di động tại TP.HCM đã chốt số đơn hàng có giá trị lên đến 13 tỷ đồng qua livestream.
Thương hiệu smartphone OnePlus ra mắt 2 sản phẩm mới nhất tại thị trường Việt Nam bằng hình thức online. Ngay trong sự kiện này, chương trình livestream bán được 800 chiếc smartphone trong vòng 29 phút, với doanh thu gần 9,9 tỷ đồng.
Trong thời gian giãn cách xã hội năm 2020, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã livestream bán hàng làm từ thiện và có hơn 12.000 đơn hàng.
Nam nghệ sĩ đắt show livestream bán hàng nhất hiện nay là diễn viên hài Lê Dương Bảo Lâm. Mỗi ngày, nghệ sĩ này livestream 3 - 4 lần, với mức cát-xê 15 triệu/lần livestream.
Livestream bán hàng đang trở thành vũ khí mới của bán hàng trực tuyến trị giá hàng tỷ USD doanh thu tại Việt Nam. Có vẻ như hình ảnh tỷ phú của Alibaba là Jack Ma kết hợp với Austin Li Jiaqi (biệt danh "vua son môi") livestream bán son môi đạt doanh thu 145 triệu USD; CEO Xiaomi Lei Jun livestream sau 2 tiếng thu về hơn 100 triệu nhân dân tệ từ việc bán bút bi, cân điện tử đến smartphone, tivi; CEO Mingzhu Dong của Tập đoàn Gree Electric Appliances thu về 310 triệu nhân dân tệ (43,8 triệu USD) sau 3 giờ livestream… đã tạo nên cơn sốt livestream bán hàng khắp Trung Quốc và lan sang Việt Nam.
Theo ông Phạm Ngọc Duy Liêm, sáng lập viên của Công ty cổ phần Công nghệ GoStream, trong thời gian dịch bệnh phức tạp, lượng livestream tăng gấp đôi. Hiện có khoảng 40.000 phòng livestream bán hàng qua hệ thống. Hiện nay, bình quân mỗi ngày tại Việt Nam có 70.000 - 80.000 phiên livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, trong đó chủ yếu là Facebook.
Cơn sốt này cũng khiến các nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam lập tức nhập cuộc và các hoạt động livestream đã giúp gia tăng doanh số mùa dịch. Số liệu tháng 9/2020 cho thấy, lượt xem livestream của Lazada đã tăng 21 lần và lượt người mua hàng qua livestream tăng 24 lần so với tháng 9/2019. Còn tại Tiki, số lượng người xem livestream trên app của Tiki trong 1 tháng tăng gấp 5 lần so với thời gian trước đó…
Như vậy, cùng với khoảng 2.000 - 3.000 phiên livestream bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee Live, Tiki Live, Lazada…, bình quân mỗi tháng có tổng cộng 2,5 - 3 triệu phiên bán hàng trên livestream, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng.
Có xuất hiện ngành công nghiệp tỷ USD?
Không chỉ trở thành phương tiện bán hàng cho hàng trăm ngàn cá nhân, shop, cửa hàng, livestream còn khiến các nhãn hàng lớn trên thế giới và Việt Nam đặc biệt quan tâm, đầu tư chiến lược, bài bản để thúc đẩy doanh số. Điều này đang thúc đẩy sự ra đời của ngành livestream chuyên nghiệp.
Ngày 18/1/2021, VinaCapital Ventures đã quyết định đầu tư vào GoStream - ứng dụng livestream nội địa của Việt Nam, với số tiền trong vòng gọi vốn đầu tiên là 1 triệu USD. Điều này cho thấy, livestream đang được các quỹ đầu tư đặc biệt quan tâm.
Ông Hoàng Đức Trung, Giám đốc điều hành VinaCapital Ventures cho biết: “Chúng tôi rất hào hứng khi đầu tư vào GoStream, đơn vị đi đầu trong việc hỗ trợ tích hợp các nền tảng phát sóng và tương tác trực tiếp, phục vụ các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Công nghệ hỗ trợ livestream của họ đã giúp các doanh nghiệp tương tác được với khách hàng hiện hữu và thu hút được nhiều khách hàng tiềm năng hơn”.
Trong một diễn biến khác, Tập đoàn công nghệ NextTech đã cho ra đời Học viện Livestream NextOn.vn nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật và kinh nghiệm cho hàng trăm ngàn streamer tại Việt Nam, đồng thời kết nối việc bán hàng online tới hàng vạn doanh nghiệp trên toàn quốc đang sử dụng các dịch vụ chuyển đổi số của NextTech.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech cho biết, “nền kinh tế không chạm” - bán hàng truyền hình trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội - sẽ thay thế hình thức mua bán truyền thống tại cửa hàng.
“Công nghệ ngày càng phát triển, nội dung ngày càng ngắn đi và độ lười của khách hàng tăng lên. Trước đây, có Yahoo 360 với những bài dài, rồi bị thay thế bằng Facebook với các dòng chia sẻ ngắn đi và đến twitter thì chỉ có 160 ký tự. Sau đó, các mạng xã hội tập trung vào ảnh, video… và trào lưu hiện nay là livestream. Có thể nói không ngoa, video chính là tương lai của Internet”, ông Bình nhận xét.
Sự phát triển bùng nổ của livestream là điều được đoán định, nhưng để trở thành nền tảng kinh tế livestream trị giá hàng tỷ USD tại Việt Nam, còn cần nhiều yếu tố khác.
Đầu tiên, thị trường cần hình thành đội ngũ streamer chuyên nghiệp, bài bản, tiến tới xây dựng cộng đồng các ngôi sao livestream.
Tiếp đó, phải hình thành nhiều nền tảng công nghệ đáp ứng nhu cầu xem livestream cùng lúc của hàng triệu lượt truy cập và phần mềm phát livestream phải thuận lợi cho việc tương tác. Với nền tảng mạnh, người tạo phiên livestream thậm chí có thể tổ chức các gameshow cho người xem.
Nếu có cách thể hiện phong phú, nền tảng mạnh, kết hợp với hot streamer, thì có thể tạo sức hút khổng lồ về lượng tương tác. Đó chính là cơ hội của các công ty công nghệ Việt trong thời gian tới.
Năm 2020, Trung Quốc có 524 triệu người (khoảng 40% dân số) sử dụng livestream. Riêng mùa bán hàng hạ giá từ ngày 1 đến 11/11/2020 có gần 300 triệu người dùng Taobao xem livestream bán hàng. Sản lượng bán hàng qua livestream tại Trung Quốc năm 2020 đạt hơn 170 tỷ USD.