Theo kế hoạch năm 2017, khoảng 60.000 tỷ đồng là số tiền dự kiến thu về cho ngân sách nhà nước từ bán bớt phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Số tiền thu được từ các đợt IPO lớn cũng không kém cạnh. Tuy nhiên, thực tế những tháng đầu năm nay cho thấy, việc thoái vốn diễn ra rất chậm chạp. Nguyên nhân do đâu?
Ngoài những thủ tục về định giá doanh nghiệp chặt chẽ hơn nhằm hạn chế tối đa các lỗ hổng gây thất thoát vốn nhà nước, giới chuyên môn cho rằng, nhà quản lý phải sớm linh hoạt thay đổi cách bán. Nếu không, khó có thể chờ đợi khối tài sản nhà nước không cần nắm giữ sớm chuyển thành... tiền.
Một trong những đầu mối bán vốn tập trung là Tổng công ty Ðầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mới đây đã tiên phong tìm hiểu và tập huấn cho cán bộ phương thức dựng sổ, vốn đã được một số tập đoàn tư nhân áp dụng rất thành công trong việc gọi vốn thời gian qua.
Ðây cũng là phương thức giới chuyên gia đánh giá nếu được áp dụng thì đợt thoái vốn nhà nước tại VNM cuối năm ngoái không rơi vào cảnh “gái đẹp ế chồng”. Phương thức này cũng phù hợp với các đợt chào bán cổ phần, tìm nhà đầu tư chiến lược cho các doanh nghiệp nhà nước lớn đang chuẩn bị cổ phần hóa.
Một nút thắt khác liên quan đến những nghi ngại về phương thức bán cổ phần cả lô tạo ra những kẽ hở thất thoát vốn nhà nước đã khiến nhiều đợt thoái vốn tạm dừng lại, nay trong dự thảo sửa đổi Nghị định 91/2015/NÐ-CP, phương thức này sẽ được chính danh hóa (thay vì chỉ dừng ở một quyết định do Thủ tướng Chính phủ ban hành như hiện nay).
Nghị định sẽ bổ sung quy định sẽ đấu giá công khai khi thực hiện chuyển nhượng phần vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên, bao gồm đấu giá thông thường hoặc đấu giá theo lô.
Với đấu giá theo lô, nhà đầu tư tham gia đấu giá phải đặt mua toàn bộ số lượng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước chuyển nhượng tại cuộc đấu giá. Ðiều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện đấu giá theo lô theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Nhưng dù phương thức nào được thực hiện chăng nữa, các nhà làm luật cũng cần cải tiến theo hướng thu hẹp cách thức bán vốn theo phương thức thỏa thuận, tăng bán theo hình thức chào bán cạnh tranh và đấu giá công khai (cả bán vốn theo lô).
Các quy định hiện hành cho phép thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã niêm yết cổ phần hoặc đăng ký giao dịch được bán thỏa thuận cổ phần. Ðây là một lỗ hổng gây nghi ngại lớn về việc tài sản nhà nước không được bán ở mức giá tối ưu nhất.
Trước đây, Khách sạn Kim Liên đã lập kỷ lục về việc thoái vốn nhà nước đạt giá trị gần 1.000 tỷ đồng, gấp 32 lần giá khởi điểm. Tới đây, sẽ có thêm nhiều khu đất vàng được đem ra bán bớt cổ phần, chẳng hạn như Tràng Tiền Plaza. Những cơ chế thông thoáng để thu hút nhà đầu tư là rất cần thiết, nhưng đi kèm phải là các quy định để không còn tồn tại những kẽ hở, tạo cơ hội cho tiền nhà nước chảy vào túi cá nhân.