Đó là khuyến nghị được các chuyên gia tài chính nhấn mạnh tại hội thảo “Chính sách tài chính-tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2017” do Học viện Chính sách và phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa tổ chức.
Kinh tế quý II chuyển biến tích cực
Nhận định tổng quan tình hình tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2017, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay đang trong xu hướng tăng dần qua các quý, thể hiện rõ ở tốc độ tăng trưởng quý II đã cao hơn nhiều so với quý I, góp phần nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,73%, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định và lạm phát được kiềm chế trong giới hạn cho phép.
Kết quả nghiên cứu của Học viện Chính sách và phát triển cũng cho thấy, cán cân thanh toán quốc tế đang ở trạng thái tốt, tỷ giá biến động trong biên độ thấp, lạm phát trong mục tiêu kiểm soát, lãi suất ổn định ở mức thấp nhất từ năm 2010 trở lại đây.
Tín dụng tăng trưởng khá, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đây là những yếu tố thuận lợi để tạo đà cho sự phù hồi và tăng trưởng mạnh hơn cho 2 quý còn lại của năm
Điều này thể hiện những nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh và việc điều hành của Chính phủ đã có những tác động tích cực, giúp kinh tế tăng trưởng và đạt những kết quả quan trọng.
Nhìn riêng về thị trường tiền tệ trong 2 quý đầu năm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, nhất quán và lựa chọn giải pháp phù hợp, gắn liền với mục tiêu đặt ra và điều kiện thị trường cụ thể.
“Thanh khoản hệ thống ngân hàng tốt, mặt bằng lãi suất duy trì ổn định, mặc dù chịu áp lực tăng vào đầu năm. Thị trường ngoại hối ổn định trở lại sau một số biến động trong 2 tháng cuối năm 2016. Tín dụng tăng trưởng khá, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đây là những yếu tố thuận lợi để tạo đà cho sự phù hồi và tăng trưởng mạnh hơn cho 2 quý còn lại của năm”, TS. Lực nhìn nhận.
Vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cũng thẳng thắn chỉ rõ nhiều tồn tại trong nền kinh tế chưa được giải quyết một cách hiệu quả. Đó là tiến trình cải cách kinh tế, đặc biệt là cải cách khu vực Nhà nước còn chậm, trong khi năng lực của khu vực kinh tế tư nhân vốn được coi là động lực phát triển của nền kinh tế vẫn còn yếu, lạm phát dù được kiểm soát nhưng vẫn còn nguy cơ tăng trở lại.
“Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn như nợ công tiệm cận sát giới hạn cho phép, sự biến động của thị trường tài chính quốc tế, giải ngân đầu từ công chậm, nợ công gần chạm trần Quốc hội cho phép, bội chi ngân sách vẫn khó kiểm soát…”, ông Phương cho hay.
Đồng tình với những nhận định trên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc tái cơ cấu nền kinh tế chậm, xử lý nợ xấu còn khó khăn đã ảnh hưởng đến mục tiêu hạ lãi suất cho vay và lành mạnh hệ thống tài chính tín dụng. Theo ông Lực, trong bối cảnh này, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục chịu áp lực lớn về vốn và các gói tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế.
Dự báo thị trường tài chính tiền tệ 6 tháng cuối năm 2017, ông Lực cho rằng, rủi ro tài chính tiền tệ ở mức cao do những diễn biến phức tạp của nền kinh tế thế giới.
Trong đó ông Lực đặc biệt lưu ý việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất thêm 1 lần vào tháng 12 năm nay và 2 lần vào năm 2018, cùng với đó là sự gia tăng của chính sách bảo hộ thương mại và nguy cơ rủi ro tài chính tiền tệ còn ở mức cao.
Với tình hình trong nước, theo TS. Lực, việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng ở mức cao trong ngắn hạn và thiếu các động lực tăng trưởng bền vững sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro với kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính ngân hàng trong dài hạn, khi mà tiến trình xử lý nợ xấu còn nhiều thách thức.
Lạm phát mục tiêu nên ở mức 3-4%/năm
Ông Nguyễn Thạc Hoát, Khoa Tài chính-tiền tệ, Học viện Chính sách và phát triển
Kinh tế nửa đầu năm tăng trưởng rõ rệt, nhưng vẫn tiềm ẩn một số thách thức, cần cảnh giác. Xét về ngắn hạn, lạm phát ở mức độ vừa phải có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong thời gian tới và những năm tiếp theo, lạm phát mục tiêu nên ở mức 3-4%/năm. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tập trung theo dõi, điều hành tỷ giá hợp lý đồng thời với việc duy trì lãi suất thấp.