LienVietPostBank: Chuyển đổi số là yếu tố sống còn của doanh nghiệp

(ĐTCK) Khi được hỏi, liệu có thể gọi LienVietPostBank là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số không, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng - người có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin cẩn trọng: “Nên gọi là một trong những doanh nghiệp đang nỗ lực chuyển đổi số theo xu hướng phát triển của thế giới”. 
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank (đứng thứ 6 từ trái sang) và đại diện UBND tỉnh Bắc Ninh tại lễ ký kết thỏa thuận.

Chuyển đổi số, hay là chết?

Theo ông, cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động như thế nào tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng nói chung và LienVietPostBank nói riêng?

Cách mạng 4.0 thay đổi toàn diện hoạt động của doanh nghiệp. Trong đó, lĩnh vực tài chính -ngân hàng chịu sự tác động mạnh mẽ nhất, vì đây là lĩnh vực then chốt của nền kinh tế vận hành theo chuỗi “tiền - hàng - tiền” và trong nền kinh tế số.

LienVietPostBank đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số tổng thể và cụ thể cho từng giai đoạn. Khâu nào tác động trực tiếp đến hoạt động của Ngân hàng, ứng dụng công nghệ thuận lợi hơn, thì sẽ ưu tiên chuyển đổi số trước. Lộ trình sẽ kéo dài 2-3 năm để chuyển đối số toàn bộ hoạt động của Ngân hàng về quản trị, điều hành, hoạt động kinh doanh.

Để chuẩn bị cho chuyển đối số, chúng tôi đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số do Chủ tịch HĐQT làm Trưởng ban.

Đồng thời, hợp tác toàn diện với Công ty LienVietTech là đơn vị chuyên về Fintech để xây dựng những sản phẩm online, ngân hàng số… và hỗ trợ chuyển đổi số cho LienVietPostBank.

Đây cũng là điểm khác biệt của LienVietPostBank là tự mình làm chủ về công nghệ cao và chủ động xây dựng các sản phẩm dịch vụ 4.0 cho ngân hàng.

Vậy LienVietPostBank có hoạch định được hiệu quả tính trên chi phí đầu tư chuyển đổi công nghệ?

Chuyển đổi số toàn diện chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho ngân hàng. Chi phí hoạt động của ngân hàng online chỉ bằng khoảng ¼ so với chi phí ngân hàng truyền thống.

Đặc biệt, ngân hàng sẽ kiểm soát được rủi ro tốt hơn, hoạt động kinh doanh hệ thống an toàn hơn. Kinh doanh ngân hàng online an toàn, tiện ích, mọi lúc, mọi nơi, với chất lượng phục vụ khách hàng cao hơn.

Nếu như ngân hàng truyền thống chỉ phục vụ được những khách hàng đến trực tiếp giao dịch, thì ngân hàng số hoá có thể phục vụ khách hàng khắp nơi trên toàn quốc và tiến tới người sử dụng ví điện tử có thể thanh toán mua sắm, tiêu dùng giữa các nước trên thế giới; hoặc ứng dụng công nghệ blockchain trong thanh toán xuất nhập khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp, hay hỗ trợ cho vay tín dụng theo nhóm đối tượng...

Một chiến lược dù được chuẩn bị  kỹ lưỡng đến đâu cũng khó có thể thành công nếu không có sự quyết tâm, quyết liệt của người đứng đầu, ông nghĩ sao về điều này?

Đúng vậy, vai trò của người đứng đầu là quyết định chính cho sự thành công của doanh nghiệp khi thực thi chiến lược và đặc biệt quan trọng khi sự thay đổi đó là cuộc cách mạng 4.0, mà trọng tâm là chuyển đổi số.

Doanh nghiệp cần phải thay đổi từ tư duy, nhận thức, chiến lược phát triển toàn diện về chuyển đổi số, đến đầu tư công nghệ cao, nguồn nhân lực, tài chính... và để thực hiện, cần sự thống nhất cao của HĐQT, Ban Giám đốc để điều hành quyết tâm, quyết liệt.

Trong đó, người đứng đầu doanh nghiệp phải là người thuyền trưởng cầm lái vững vàng, quyết tâm và có năng lực, thì mới đưa được doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, đến với thành công. 

Ví Việt - nền tảng ngân hàng số, thực thi hóa chuyển đổi số

Về sự thành công trong chuyển đổi số từ nhận thức đến hành động của LienVietPostBank, ông sẽ đề cập đến câu chuyện gì?

Sự ra đời của Ví Việt - sản phẩm đoạt giải nhì APICTA 2017 - giải thưởng châu Á - Thái Bình Dương trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ Fintech là một thành công về chuyển đổi số của LienVietPostBank.

Ví Việt là một thẻ phi vật lý, sử dụng trên điên thoại, máy tính, tích hợp với tài khoản thanh toán và thẻ của cùng một khách hàng, vừa có thể thanh toán online cho người dùng Ví Việt hoặc vào tài khoản của ngân hàng khác, vừa có các dịch vụ ngân hàng như gửi tiết kiệm, vay tiêu dùng, dịch vụ thẻ như mở thẻ, đóng thẻ, thanh toán thẻ...

Ví Việt cũng xây dựng hệ sinh thái kết nối với các đối tác chấp nhận thanh toán Ví Việt để hỗ trợ đối tác quảng bá sản phẩm, dịch vụ và kinh doanh đến người dùng Ví Việt.

Vào cuối năm nay, LienVietPostBank sẽ ra mắt ứng dụng mới LienViet 24h là ngân hàng trực tuyến tích hợp các dịch vụ của ngân hàng online (ví điện tử, ngân hàng số, Thẻ) nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và đó cũng là định hướng ngân hàng số LienVietPostBank: “Đến với ngân hàng số là đến với một hệ sinh thái” và “Cá thể hóa và trải nghiệm dịch vụ của khách hàng”.

Đến nay, Ví Việt đã thu hút được gần 2,7 triệu người dùng và hơn 35.000 điểm kinh doanh chấp nhận thanh toán, hơn 250 dịch vụ thanh toán bao gồm điện, nước, viễn thông, học phí, y tế, mua sắm online… N

gười dùng Ví Việt có thể thanh toán 24/7 trực tuyến cho các đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ...

Ngoài ra, sử dụng Ví Việt có thể gửi tiết kiệm online, tất toán tiết kiệm online, cho vay tiêu dùng, thấu chi, uỷ thác thanh toán. Hiện nay, Ví Việt đã kết nối được với gần 40 ngân hàng trên cả nước thực hiện chuyển khoản, thanh toán online 24/7 an toàn và nhanh hơn là thực hiện dịch vụ trực tiếp tại quầy giao dịch.

Theo ông, mô hình này có thể được nhân rộng ra các tỉnh không?

Để góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian qua, LienVietPostBank đã chủ động ký kết thỏa thuận với các địa phương để thúc đẩy “thanh toán không dùng tiền mặt” cho các dịch vụ như điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục..., thanh toán dịch vụ công có thu không dùng tiền mặt, trả lương qua tài khoản…

Tháng 11/2018, chúng tôi đã ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và ghi nhận thành công nhất định.

Qua triển khai những tháng đầu năm 2019, bằng việc phát triển các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, hiện nay, Ví Việt thanh toán hơn 5.000 hóa đơn tiền điện/tháng, cao hơn rất nhiều so với trước đây và tạo tiền đề đẩy mạnh các giải pháp, xây dựng thói quen thanh toán điện tử tại địa bàn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, LienVietPostBank đang phối hợp với Trung tâm hành chính công của tỉnh Bắc Ninh phát triển các giải pháp cổng thanh toán, giải pháp thanh toán các dịch vụ công không dùng tiền mặt… nhằm tạo thuận lợi cho nhân dân sử dụng dịch vụ.

Cùng với đó, LienVietPostBank thông qua các gói ưu đãi khuyến khích cán bộ, viên chức, người dân sử dụng ngân hàng số 24/7 để thanh toán các dịch vụ điện, nước, chuyển tiền, nhận tiền, gửi tiền tiết kiệm… mọi lúc, mọi nơi, không giới hạn về không gian, thời gian.

Chúng tôi cũng đã và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, nghành để kết nối xây dựng các giải pháp tài chính trong thành phố thông minh, mang lại sự tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp và khách hàng sử dụng dịch vụ.

Vừa rồi, Bắc Ninh được ghi hạng thứ 6 về phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xếp trên cả Hà Nội và TP.HCM. Kết quả này có một phần đóng góp của LienVietPostBank.

Sau đó, tại Hội thảo quốc gia về công nghệ thông tin mới được tổ chức tại Phú Yên vào cuối tháng 8/2019, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, LienVietPostBank đã ký kết thỏa thuận thúc đẩy “thanh toán không dùng tiền mặt” với UBND tỉnh Phú Yên.

Ngoài ra, một số tỉnh khác như Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Bình... cũng đang trao đổi để đi đến ký thỏa thuận hợp tác với LienVietPostBank tạo điều kiện thuận tiện hơn cho doanh nghiệp, người dân trong quá trình giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt và cho vay tiêu dùng, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”.

“Các doanh nghiệp Việt Nam tuy chưa có nhiều kinh nghiệm ứng dụng công nghệ cao vào trong điều hành, sản xuất - kinh doanh, nhưng đã nhận biết được tính cấp thiết phải chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập, nhất là trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng có thể đi tiên phong chuyển đổi số. Thực hiện cách mạng 4.0 đòi hỏi phải thay đổi toàn diện mà nhiều lĩnh vực, nội dung... luật pháp chưa quy định, hoặc chưa phù hợp. Nếu luật chưa cho phép thì doanh nghiệp sẽ không dám làm bởi e ngại rủi ro về pháp lý. 
Vì vậy, để chuyển đổi số thành công, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cần sớm ban hành các luật định, chính sách liên quan đến cách mạng 4.0, chuyển đổi số, khuyến kích mở đường cho doanh nghiệp chuyển đổi số. Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, cấp thiết nhất là cho phép ngân hàng thử nghiệm các ứng dụng công nghệ cao trong kinh doanh, cung cấp dịch vụ số khi ngân hàng đáp ứng được yêu cầu về an toàn, tiện ích, kiểm soát được rủi ro như mở tài khoản online, hệ thống đại lý hỗ trợ nạp tiền mặt vào ví điện tử, vào tài khoản ngân hàng mọi lúc, mọi nơi… Có như vậy thì mới có thể thực hiện được thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Thắng nhấn mạnh.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục