Theo báo cáo mới công bố, tăng trưởng kinh tế Mỹ tăng nhẹ trong quý 3, thay vì chậm lại như báo cáo đầu tiên. Ngoài ra, mức tăng chi tiêu tiêu dùng ổn định trong tháng 10 cho thấy, nền kinh tế Mỹ có thể sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng vừa phải trong quý IV.
Dữ liệu khác cũng cho thấy, các đơn đặt hàng mới cho hàng hóa vốn chủ yếu do Mỹ sản xuất tăng mạnh nhất trong 9 tháng vào tháng 10.
Trong khi đó, phát biểu hôm thứ Ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, cuộc đàm phán cuối cùng để đi đến một thỏa thuận giai đoạn đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đang có tiến triển tích cực.
Các tin tức tích cực liên tiếp được đưa ra giúp phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng mạnh để tiếp tục thiết lập đỉnh cao lịch sử mới. Trong đó, nhóm công nghệ vốn nhạy cảm với thương chiến tăng mạnh, giúp Nasdaq tăng mạnh nhất trong 3 chỉ số chính của phố Wall.
Kết thúc phiên 27/11, chỉ số Dow Jones tăng 97,53 điểm (+0,35%), lên 28.164,00 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 13,11 điểm (+0,42%), lên 3.153,63 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 57,24 điểm (+0,66%), lên 8.705,18 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng tăng điểm tốt trở lại trong phiên thứ Ba nhờ kỳ vọng vào thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung và thông tin M&A giữa Deutsche Telekom và Orange.
Kết thúc phiên 27/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 26,64 điểm (+0,36%), lên 7.429,78 điểm. Chỉ số DAX tăng 50,65 điểm (+0,38%), lên 13.287,07 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 2,78 điểm (-0,05%), xuống 5.926,84 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng thứ 4 liên tiếp, chứng khoán Hồng Kông và Hàn Quốc cũng tăng điểm nhẹ nhờ kỳ vọng vào thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung sẽ được ký kết. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc lại để mất điểm số có được do dữ liệu ngành công nghiệp yếu đã xóa đi thông tin tích cực về thỏa thuận thương mại.
Kết thúc phiên 27/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 64,45 điểm (+0,28%), lên 23.437,77 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 3,87 điểm (-0,13%), xuống 2.903,19 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 40,08 điểm (+0,15%), lên 26.954,00 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 6,50 điểm (+0,31%), lên 2.127,85 điểm.
Những thông tin tích cực về kinh tế và thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung khiến vai trò trú ẩn của vàng giảm đi, kéo giá kim loại quý này giảm trở lại.
Kết thúc phiên 27/11, giá vàng giao ngay giảm 7,1 USD (-0,49%), xuống 1.454,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 6,9 USD (-0,47%), xuống 1.453,4 USD/ounce.
Trong khi đó, bất chấp dữ liệu kinh tế khả quan và tin tích cực về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, nhưng việc kho dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng vào tuần trước khiến giá dầu quay đầu điều chỉnh.
Kết thúc phiên 27/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,30 USD (-0,51%), xuống 58,11 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,21 USD (-0,33%), xuống 64,06 USD/thùng.