Giới đầu tư tiếp tục đặt cược vào thỏa thuận thương mại

(ĐTCK) Dù dữ liệu kinh tế Mỹ vừa công bố yếu kém, nhưng phố Wall vẫn thiết lập đỉnh cao lịch sử mới trong phiên thứ Ba (26/11) khi giới đầu tư đặt cược vào thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Bất chấp dữ liệu kinh tế yếu kém, nhưng những phát biểu của Tổng thống Trump về tiến triển tích cực của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giúp giới đầu tư vẫn mạnh dạn xuống tiền, giúp phố Wall tiếp tục có phiên tăng để thiết lập đỉnh cao lịch sử mới.

Theo đó, ông Trump cho biết, Mỹ và Trung Quốc đã tiến gần đến một thỏa thuận về giai đoạn đầu của thỏa thuận, nhưng cũng nhấn mạnh sự ủng hộ của Washington đối với người biểu tình ở Hồng Kông, một điểm bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Về dữ liệu kinh tế, báo cáo mới nhất cho thấy, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã giảm tháng thứ tư liên tiếp vào tháng 11 trong bối cảnh lo ngại về điều kiện kinh doanh hiện tại và triển vọng việc làm, nhưng vẫn ở mức đủ để hỗ trợ tốc độ chi tiêu của người tiêu dùng ổn định.

Một báo cáo khác cho thấy sự sụt giảm bất ngờ trong doanh số bán nhà mới vào tháng 10, nhưng dữ liệu tháng 9 lại được điều chỉnh cao hơn, theo đó doanh số đạt mức cao nhất trong hơn 12 năm.

Kết thúc phiên 26/11, chỉ số Dow Jones tăng 55,21 điểm (+0,20%), lên 28.121,68 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,88 điểm (+0,22%), lên 3.140,52 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 15,44 điểm (+0,18%), lên 8.647,93 điểm.

Chứng khoán châu Âu lại điều chỉnh nhẹ trong phiên thứ Ba, trong đó chứng khoán Đức mất sắc xanh trong những phút cuối phiên, còn chứng khoán Anh và Pháp may mắn giữ được sắc xanh nhạt.

Kết thúc phiên 26/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 6,85 điểm (+0,09%), lên 7.403,14 điểm. Chỉ số DAX giảm 10,03 điểm (-0,08%), xuống 13.236,42 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 4,77 điểm (+0,08%), lên 5.929,62 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì đà tăng nhờ đồng yên yếu và kỳ vọng vào thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, thì chứng khoán Trung Quốc may mắn lắm mới có được sắc xanh nhạt khi chốt phiên. Thậm chí, chứng khoán Hồng Kông và Hàn Quốc quay đầu đảo chiều giảm nhẹ.

Kết thúc phiên 26/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 80,51 điểm (+0,35%), lên 23.373,32 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,89 điểm (+0,03%), lên 2.907,06 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 79,12 điểm (-0,29%), xuống 26.913,92 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 2,15 điểm (-0,10%), xuống 2.121,35 điểm.

Trong khi đó, giá vàng hồi phục nhẹ trở lại trong phiên thứ Ba nhờ đồng USD yếu và lực cầu bắt đáy kỹ thuật, nhưng đà tăng không mạnh do phố Wall tiếp tục lên đỉnh cao lịch sử mới và tiến triển tích cực của đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Kết thúc phiên 26/11, giá vàng giao ngay tăng 6,3 USD (+0,43%), lên 1.461,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 3,4 USD (+0,23%), lên 1.460,3 USD/ounce.

Thông tin tích cực về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung tiếp tục giúp giá dầu thô tăng trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 26/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,40 USD (+0,69%), lên 58,41 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,62 USD (+0,97%), lên 64,27 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục