Liên tiếp nhận tín hiệu đáng sợ từ Fed, giới đầu tư ồ ạt thoát hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall tiếp tục lao dốc trong phiên thứ Sáu cuối tuần (18/6), đánh dấu tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2020 sau khi phát biểu từ một quan chức của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) làm tâm lý thị trường vốn không mấy tích cực lại càng tiêu cực hơn.
Liên tiếp nhận tín hiệu đáng sợ từ Fed, giới đầu tư ồ ạt thoát hàng

Phiên cuối tuần, thị trường tiếp tục tìm kiếm những tín hiệu từ Fed. Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis James Bullard cho biết, những quyết định của Fed trong cuộc họp định kỳ tuần này là điều “tự nhiên” với những dấu hiệu lạm phát mạnh mẽ gần đây, song nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.

Quan chức này cũng cho biết thêm, ông đang "nghiêng về phía" ủng hộ việc chấm dứt chương trình mua lại tài sản do "thị trường nhà ở đang bùng nổ" và với những lo ngại “bong bóng” tiềm tàng. Không những thế, Bullard còn cho rằng Fed nên nâng lãi suất chuẩn sớm nhất là vào cuối năm 2022.

Những phát biểu của ông Bullard đã khiến chỉ số VIX, thước đo nỗi sợ hãi của nhà đầu tư ở Phố Wall, nhảy vọt lên mức cao nhất kể từ hôm 21/5. Tuần này, sẽ còn nhiều quan chức khác lên tiếng và thị trường sẽ còn biến động mạnh.

Những bình luận của ông Bullard theo sau các tuyên bố hồi đầu tuần của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) và nhận xét của Chủ tịch Fed Jerome Powell sau cuộc họp định kỳ, được coi là những tín hiệu đậu cho lập trường “thắt chặt hơn” của Fed. Các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra phương án sẽ có hai đợt tăng lãi suất cho tới cuối năm 2023 cũng như thảo luận về chương trình mua tài sản.

Trong khi đó, theo báo cáo của BofA Global Research ngày 17/6, một đợt điều chỉnh theo chu kỳ trên đang diễn ra khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, chính sách kích thích tài khóa của Mỹ giảm dần và Fed trở nên khắt khe hơn.

Kết thúc phiên 18/6, chỉ số Dow Jones giảm 533,37 điểm (-1,58%), xuống 33.290,08 điểm. Chỉ số S&P giảm 55,41 điểm (-1,3%), xuống 4.166,45điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 130,97 điểm (-0,9%), xuống 14.030,38 điểm.

Kết thúc tuần, Dow Jones giảm 3,5%, S&P 500 giảm 1,9%, Nasdaq Composite giảm 0,3%.

Chứng khoán châu Âu trượt dốc mạnh trong phiên thứ Sáu cuối tuần, chịu ảnh hưởng từ phố Wall, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng và năng lượng.

Ngoài ra, thị trường cũng phản ứng tiêu cực sau khi EU thua cuộc trong cuộc đua giành suất được cung cấp vắc xin Covid-19 nhanh hơn từ AstraZeneca dấy lên nguy cơ làm chậm tốc độ chiến dịch tiêm chủng.

Kết thúc phiên 18/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 135,96 điểm (-1,90%), xuống 7.017,47 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 279,63 điểm (-1,78%), xuống 15.448,04. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 97,10 điểm (-1,46%), xuống 6.569,16 điểm.

Kết thúc tuần, FTSE 100 giảm 1,63%, DAX giảm 1,56%, CAC 40 giảm 0,48%.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm khi nhóm cổ phiếu tài chính bị chốt lời và cổ phiếu Toyota Motor hạ nhiệt.

Chứng khoán Trung Quốc gần như không đổi và ghi nhận tuần giảm thứ ba liên tiếp do lo ngại về vấn đề định giá cao cũng như căng thẳng với phương Tây gia tăng thời gian gần đây.

Chứng khoán Hồng Kông tăng nhờ sự thúc đẩy của nhóm cổ công nghệ và chăm sóc sức khỏe.

Chứng khoán Hàn Quốc phục hồi nhẹ, một ngày sau khi đón nhận những tín hiệu diều hâu từ Fed về chính sách tiền tệ.

Kết thúc phiên 18/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 54,25 điểm (-0,19%), xuống 28.964,08 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,51 điểm (-0,01%), xuống 3.525,10 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 242,68 điểm (+0,85%), xuống 28.801,27 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 2,97 điểm (+0,09%), lên 3.267,93 điểm.

Trong tuần, Nikkei 225 tăng 0,05%, Shanghai Composite giảm 1,80%, Hang Seng giảm 0,14%, KOSPI tăng 0,57%.

Vàng phiên ngày thứ Sáu vẫn giảm khá mạnh bởi sức ép từ đồng USD tiếp tục mạnh lên, sau khi Fed bắn tín hiệu về việc nâng lãi suất sớm hơn dự kiến, khép lại tuần tồi tệ nhất của giá vàng thế giới kể từ tháng 3/2020.

Kết thúc phiên 18/6, giá vàng giao ngay giảm 10,20 USD (-0,57%), xuống 1.763,80 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 5,80 USD (-0,33%), xuống 1.769,00 USD/ounce. Trong tuần, giá vàng giao ngay đã giảm 6,07%.

Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 18 chuyên gia trên phố Wall, có 10 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 4 người cho rằng giá vàng giảm và 4 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Đối với khảo sát trực tuyến với 2.174 người tham gia, 52% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 31% cho rằng giá vàng giảm và 17% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.

Giá dầu trở lại đà tăng vào thứ Sáu, thiết lập tuần tăng thứ tư liên tiếp sau khi các nguồn tin OPEC tiết lộ sản lượng dầu của Mỹ trong năm nay sẽ vẫn bị hạn chế mặc dù giá tăng cao.

Các quan chức của OPEC hôm 18/8 đã nhận được ý kiến ​​từ các chuyên gia trong ngành rằng tăng trưởng sản lượng dầu của Mỹ có thể sẽ vẫn bị hạn chế trong năm nay, giúp cơ quan này có thêm quyền lực để quản lý thị trường trong ngắn hạn trước khi sản lượng dầu đá phiến tăng mạnh vào năm 2022.

Kết thúc phiên 18/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,60 USD (+0,8%), lên 71,64 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,43 USD (+0,6%), lên 73,51 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu WTI tăng 1,3%, giá dầu Brent tăng 1,1%.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục