Thứ Năm, thị trường vẫn đang chịu tác động từ thông điệp bất ngờ của Fed về chính sách tiền tệ được đưa ra hôm 16/6 - dự kiến đợt tăng lãi suất đầu tiên sau đại dịch vào năm 2023.
Các quan chức Fed cho rằng, triển vọng kinh tế đang được cải thiện khi nền kinh tế Mỹ phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, với mức tăng trưởng tổng thể dự kiến đạt 7% trong năm nay. Fed cũng nâng kỳ vọng lạm phát lên 3,4% trong năm nay, tăng 1 điểm phần trăm so với dự báo của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) hồi tháng 3/2021.
Mặc dù vẫn có động thái cẩn thận để không làm chệch hướng sự phục hồi như chưa dừng chương trình mua trái phiếu song Fed phát đi tín hiệu tăng lãi suất, làm nổi bật những lo ngại về lạm phát.
Tâm lý tiêu cực trên thị trường còn được bồi thêm bởi báo cáo thất nghiệp mới nhất của Bộ Lao động Mỹ. Theo đó, số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã tăng từ 375.000 người lên 412.000 người trong tuần trước, cao hơn so với con số 360.000 được dự báo trước đó.
Thoát ra khởi đà giảm của thị trường, cổ phiếu công nghệ là động lực kéo Phố Wall trong phiên đêm qua với Nvidia tăng 4,8%, trong khi Apple, Microsoft, Amazon.com và Facebook tăng từ 1,3% đến 2,2%. Các nhà đầu tư đặt cược vào sự phục hồi kinh tế ổn định thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm công nghệ trong thời gian dài.
Kết thúc phiên 17/6, chỉ số Dow Jones giảm 210,22 điểm (-0,62%), xuống 33.823,45 điểm. Chỉ số S&P giảm 1,84 điểm (-0,04%), xuống 4.221,86 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 121,67 điểm (+0,87%), lên 14.161,35 điểm.
Chứng khoán châu Âu khá ảm đạm trong phiên ngày thứ Năm sau khi nhận được tín hiệu từ Fed.
Trong khi đó, lạm phát khu vực đồng Euro đã tăng như dự kiến vào tháng 5 do giá nhiên liệu tăng mạnh và các dịch vụ đắt đỏ hơn. Mặc dù con số này cao hơn mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) song ECB đưa ra một quan điểm về chính sách khác với Fed. Theo đó, ECB cho biết còn quá sớm để tranh luận về dừng chính sách nới lỏng hỗ trợ thị trường.
Kết thúc phiên 17/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 21,52 điểm (-0,44%), xuống 7.153,43 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 17,10 điểm (+0,11%), lên 15.727,67. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 13,61 điểm (+0,20%), lên 6.666,26 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm do các nhà đầu tư bán tháo các cổ phiếu công nghệ sau khi Fed báo hiệu tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Chứng khoán Trung Quốc tăng khi sản lượng công nghiệp suy yếu đã làm giảm lo ngại về việc thắt chặt chính sách.
Chứng khoán Hồng Kông nhích lên trong bối cảnh những tuyên bố chính sách mới của Fed cho thấy rằng sự phục hồi kinh tế Mỹ đang đi đúng hướng, đồng thời cổ phiếu công nghệ tăng do báo cáo về sự hỗ trợ chính sách nhiều hơn từ Bắc Kinh.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, chịu ảnh hưởng từ việc Fed báo hiệu có thể tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Kết thúc phiên 17/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 272,68 điểm (-0,93%), xuống 29.018,33 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 7,28 điểm (+0,21%), lên 3.525,60 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 34,34 điểm (+0,12%), xuống 28.471,18 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 13,72 điểm (-0,42%), xuống 3.264,96 điểm.
Giá vàng đêm qua tiếp tục có phiên lao dốc mạnh, trượt xuống dưới mốc 1.800 USD/ounce khi đồng USD tăng giá chóng mặt sau cuộc họp của Fed và cơ quan này đưa ra lập trường cứng rắn hơn về chính sách tiền tệ. Đồng USD tăng lên mức cao nhất trong hơn hai tháng khiến ngoài việc khiến vàng bị bán tháo còn thúc đẩy lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt.
Kết thúc phiên 17/6, giá vàng giao ngay giảm 37,90 USD (-2,09%), xuống 1.774,00 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 86,60 USD (-4,65%), xuống 1.774,80 USD/ounce.
Giá dầu thô cũng chịu cảnh lao dốc trong phiên ngày thứ Năm do đồng USD mạnh lên sau khi Fed báo hiệu có thể tăng lãi suất sớm vào năm 2023.
Ngoài ra, những lo lắng về nhu cầu dầu lại nổi lên khi dại dịch Covid-19 lại có dấu hiệu bùng phát trở lại tại Anh, trong khi lo ngại về nguồn cung dầu từ Iran trở lại cũng đè nặng lên thị trường.
Các cuộc đàm phán giữa Tehran và Washington về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 đã tiến đến sự nhất trí gần hơn bao giờ hết, song các vấn đề cơ bản nhất vẫn cần phải được đàm phán tiếp, một quan chức Iran cho biết hôm 17/6.
Kết thúc phiên 17/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 1,11 USD (-1,5%), xuống 71,04 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,31 USD (-1,8%), xuống 73,08 USD/thùng.