Liên tiếp cảnh báo nguy cơ vỡ nợ của doanh nghiệp Trung Quốc

Số doanh nghiệp (DN) Trung Quốc có tỷ lệ nợ cao gấp đôi vốn chủ sở hữu đã tăng nhanh kể từ năm 2008. Điều này có nghĩa là, sẽ có thêm nhiều DN nước này bị vỡ nợ trong tương lai.
Liên tiếp cảnh báo nguy cơ vỡ nợ của doanh nghiệp Trung Quốc

Theo Hãng thông tấn Bloomberg (Mỹ), Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ chứng kiến DN thứ hai bị vỡ nợ trên thị trường trái phiếu nội địa, sau khi Công ty Xây dựng Huatong Road & Bridge Group Co. có trụ sở ở tỉnh Sơn Tây không thể hoàn trả khoản nợ trái phiếu trị giá 400 triệu nhân dân tệ (64,5 triệu USD) đáo hạn vào ngày 23/7/2014.

Trước đó, vào tháng 3/2014, Công ty Năng lượng Shanghai Chaori Solar Energy Science & Technology Co. (Thượng Hải) đã trở thành DN Trung Quốc đầu tiên vỡ nợ trên thị trường trái phiếu nội địa.

Số liệu của Bloomberg cho thấy, số DN Trung Quốc (hoạt động trong các lĩnh vực phi tài chính có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán) hiện có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu vượt quá 200%, tăng tới 68% so với năm 2008. Đây là dấu hiệu mới nhất về gánh nặng nợ của DN Trung Quốc.

Các DN nhỏ thống lĩnh thị trường vốn tư nhân ở Trung Quốc nhờ các trái phiếu đem lại lợi suất cao, giờ đây phải đối mặt với rủi ro vỡ nợ trong bối cảnh các nghĩa vụ trả nợ đến hạn ở mức cao kỷ lục và nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong vòng hơn 2 thập kỷ trở lại đây.

Theo số liệu được Công ty Chứng khoán China Merchants Securities Co. công bố mới đây, các DN tư nhân Trung Quốc có số trái phiếu DN với tổng giá trị 6,2 tỷ nhân dân tệ (1 tỷ USD) sẽ đáo hạn trong quý tới. Đây là con số cao nhất kể từ khi Chính phủ Trung Quốc cho phép các DNNVV được huy động vốn qua kênh này vào năm 2012.

Ngân hàng Standard Chartered ước tính, tổng nợ tại Trung Quốc đã tương đương 251% GDP, tăng mạnh so với con số 147% cuối năm 2008. Tuy vậy, tỷ lệ tổng nợ/GDP của Trung Quốc vẫn thấp hơn so với một số cường quốc khác, như Mỹ (có tỷ lệ là 260%), Nhật Bản (415%)...

Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra vào cuối năm 2008, Trung Quốc chủ yếu dựa vào tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, tốc độ phình lên đáng báo động của khối nợ đã khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng, báo hiệu một đợt khủng hoảng tài chính mới. Một loạt DN lớn ở Trung Quốc, như Tianjin Tianlian Binhai Composite Materials Co., Huzhou Jintai Science & Technology Co... đã phải chịu tình trạng căng thẳng tài chính thời gian qua và không thanh toán được nợ trái phiếu.

Theo Sun Binbin, chuyên gia phân tích trái phiếu tại Ngân hàng China Merchants, những rủi ro trên thị trường trái phiếu DN có thể là dấu hiệu ban đầu của một cơn bão tài chính lớn. Theo báo cáo được Standard & Poor’s công bố, tính đến hết ngày 31/12/2013, các DN Trung Quốc gánh số nợ lên đến 14.200 tỷ USD, mức cao nhất thế giới.

Trong những tháng gần đây, Chính phủ nước này đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm kích thích nền kinh tế ở mức độ nhẹ. Trong đó, có giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng cấp vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nỗ lực của họ rõ ràng đã mang lại kết quả khi tăng trưởng GDP quý II/2014 đạt 7,5%, bằng mục tiêu đặt ra đầu năm và nhỉnh hơn so với con số 7,4% của quý I/2014.

Trong tháng 6/2014, một số ngân hàng thương mại đã được phép giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0,5%. Đây là nỗ lực nhằm hỗ trợ tài chính giúp các DN nhỏ có thể sống sót trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt và giai đoạn khó khăn hiện nay.

Giới phân tích cho rằng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ còn chứng kiến thêm nhiều vụ DN vỡ nợ nữa trong tương lai.

Nguyễn Chiến
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục