Liên tiếp các cuộc gặp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Một tuần dày đặc lịch làm việc giữa Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp trong nhiều ngành, lĩnh vực. Hàng loạt vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp tiếp tục được đặt lên bàn.
Liên tiếp các cuộc gặp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Như thông lệ, giới đầu tư - kinh doanh tiếp tục trông đợi vào quyết tâm tháo gỡ bằng được các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng của người đứng đầu Chính phủ, khi “khó khăn” vẫn là từ được nhắc tới nhiều trong 2 tháng đầu năm 2024.

Nhưng, phân vân, tâm tư cũng không ít, khi nhiều doanh nghiệp phải nhắc lại những kiến nghị, đề xuất đã được đặt ra, thậm chí là chủ đề của nhiều cuộc làm việc, cũng như các văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước đó.

Đó là những tồn tại kéo dài trong quy định pháp lý, quy trình thủ tục, khiến ngân hàng mỏi mắt tìm khách cho vay trong khi gói 120.000 tỷ đồng dành cho các dự án nhà xã hội, nhà ở công nhân, các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư mới giải ngân được hơn 500 tỷ đồng.

Hay những khúc mắc trong quy trình, thủ tục liên quan đến đầu tư - xây dựng vẫn bó buộc hàng trăm dự án bất động sản đang chậm trễ, ách tắc trên cả nước, dù đã có sự vào cuộc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương… Đặc biệt, những khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng vẫn nổi lên là một trong những mối quan ngại lớn nhất của doanh nghiệp, cho dù lãi suất đang ở mức hấp dẫn và tiền trong ngân hàng dồi dào...

Đã có những đề nghị nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cho một số dự án được đánh giá có tiềm năng, có hiệu quả, nhưng các doanh nghiệp, chủ đầu tư không đáp ứng được năng lực tài chính, tài sản đảm bảo. Cùng với đó, những đề nghị giải tỏa áp lực về dòng tiền cho doanh nghiệp thông qua việc thực hiện các giải pháp đã được Chính phủ đặt ra, như tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính liên quan tới vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng; rà soát, cắt giảm một số chi phí còn bất hợp lý so với thực tiễn hoạt động kinh doanh như chi phí kiểm dịch động vật, định mức chi phí tái chế, chi phí lưu kho bãi…; nghiên cứu chính sách giảm tỷ lệ đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống 1%...

Tất nhiên, không thể không nhắc đến những khó khăn từ bên ngoài mà các doanh nghiệp phải đối mặt, như bất ổn của địa chính trị, đứt gãy của chuỗi thương mại quốc tế, khả năng chậm hồi phục của nhiều thị trường xuất khẩu, sự thay đổi của người tiêu dùng cũng như những yêu cầu cao hơn về phát triển bền vững của nhiều thị trường… Nhưng, theo doanh nghiệp, đây là những khó khăn đã được dự liệu trong các kịch bản kinh doanh năm nay, thậm chí vài năm tới của doanh nghiệp và là việc doanh nghiệp phải tự giải quyết.

Điều này có nghĩa, những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang là những biến số khó lường nhất, cản trở các bài toán kinh doanh, kế hoạch phục hồi của nhiều doanh nghiệp; song cũng sẽ là chìa khóa làm nên cơ hội xoay chuyển nếu được giải quyết, xử lý kịp thời, phù hợp.

Cũng phải nhắc lại, trong nhiều khảo sát doanh nghiệp được thực hiện đầu năm nay, trong nhóm những khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp, những khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính, đáp ứng nhiều yêu cầu của các quy định pháp luật hay lo ngại hình sự hóa các quan hệ kinh tế… luôn có mặt và xếp ngang hàng với khó khăn về đơn hàng, dòng tiền, về tiếp cận tín dụng. Trong các kiến nghị của doanh nghiệp, mong muốn hàng đầu vẫn là tập trung giải quyết ngay những khó khăn mà doanh nghiệp đã chỉ rõ.

Có lẽ, đây cũng là điều mà doanh nghiệp tiếp tục gửi gắm trong các cuộc làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Bảo Duy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục