Chuyên gia CIEM: Ổn định kinh tế vĩ mô nhưng cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp của CIEM đã có những nhận định và đề xuất kiến nghị chính sách trong bối cảnh mới. 
Chuyên gia CIEM: Ổn định kinh tế vĩ mô nhưng cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã chia sẻ một số nhận định về kinh tế vĩ mô thời gian tới tại Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 do Báo đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức chiều 8/8.

Theo ông Dương, kinh tế thế giới còn rất nhiều khó khăn, nhưng đã có một số chuyển biến tích cực. Các tổ chức quốc tế đã có sự điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay, trong đó IMF đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 và 2024 là khoảng 3%. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế hiện nay có cả nguy, cả cơ hội cho những ai biết nắm bắt.

Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giai đoạn 2023 - 2025. Nguồn: CIEM.

Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giai đoạn 2023 - 2025. Nguồn: CIEM.

Ông Dương nói thêm, xu hướng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát vẫn hiện hữu, song không còn là chủ đạo. Mặc dù Fed vẫn giữ thông điệp về khả năng tăng lãi suất nhưng đã có sự đảo chiều ở một số nước, thậm chí tại Việt Nam, trong nửa đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành.

Việt Nam có lợi thế duy trì ổn định kinh tế vĩ mô khi lạm phát tương đối thấp và tỷ giá, kỳ vọng lạm phát và niềm tin của các nhà đầu tư có sự điều chỉnh đáng kể.

Khi Ngân hàng nhà nước hạ lãi suất thì tỷ giá của Việt Nam đồng vẫn tương đối ổn định, đây là thành tựu rất quan trọng đối với Việt Nam. Chỉ số biến động hàng tháng của USD Index đều có mức độ biến động tỷ giá lớn hơn nhiều so với biến động của Việt Nam đồng.

Tỷ giá VNĐ/USD (NHTM và thị trường tự do) đều biến động ít hơn so với chỉ số USD. Nguồn: CIEM.
Tỷ giá VNĐ/USD (NHTM và thị trường tự do) đều biến động ít hơn so với chỉ số USD. Nguồn: CIEM.

Mặc dù mặt bằng lãi suất hạ song tín dụng tăng trưởng chậm. Xét tương quan giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP cho thấy sự đồng điệu, khi tăng trưởng tín dụng có xu hướng giảm thì tăng trưởng GDP cũng giảm.

Trên cơ sở đó, tại báo cáo tháng 7/2023, CIEM đã dự báo 3 kịch bản kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2023.

3 kịch bản tăng trưởng kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Nguồn: CIEM.

3 kịch bản tăng trưởng kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Nguồn: CIEM.

Cụ thể, Kịch bản 1 được tính toán trên giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế, và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối các năm 2021 - 2022.

Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong Kịch bản 1 liên quan đến yếu tố kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh về nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam.

Kịch bản 3 có thể xảy ra với giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn (tăng trưởng phục hồi, gián đoạn chuỗi cung ứng đã giảm đáng kể, lạm phát ở Mỹ giảm, thời tiết thuận lợi hơn,…) và sự quyết liệt trong cải cách và điều hành ở Việt Nam, qua đó giúp đạt kết quả tối đa về giải ngân/hấp thụ đầu tư công và tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh và năng suất lao động giúp thúc đẩy và thực hiện hoạt động đầu tư (cả tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài) theo hướng hiệu quả hơn.

Các chỉ tiêu tăng trưởng theo 3 kịch bản. Nguồn: CIEM.

Các chỉ tiêu tăng trưởng theo 3 kịch bản. Nguồn: CIEM.

Theo ông Dương, Việt Nam cần nỗ lực hết sức để duy trì môi trường đầu tư ổn định và vẫn cần một chút may mắn từ kinh tế thế giới.

Nêu một số kiến nghị chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Dương cho rằng, nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn quan trọng, song cũng cần lưu tâm hơn đến tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Trong đó, cần cải thiện tiếp cận vốn và cả khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng suất lao động, mạnh dạn ban hành quy định về cơ chế thử nghiệm cho các mô hình kinh tế mới (fintech, kinh tế tuần hoàn).

Thứ hai, cần thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP... và nghiên cứu, đàm phán nâng cấp một số FTA của ASEAN. Hành động cụ thể mà ông Dương khuyến nghị là đơn giản hóa thủ tục cấp C/O, đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại.

Đặc biệt, ông Dương lưu ý giải pháp thứ ba là cần thu hút và sử dụng hiệu quả đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới, trong đó cân nhắc tăng độ mở cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia một số lĩnh vực, liên kết vùng trong thu hút FDI, thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài, đào tạo kỹ năng cho người lao động để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp FDI…

Diệp Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục