Licogi 13 (LIG) có gì mà tím liên tục?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu LIG (của CTCP Licogi 13) đang gây sự chú ý với giới đầu tư khi có 7 phiên tăng trần liên tiếp.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Ðóng cửa phiên giao dịch ngày 19/8 ở mức 3.200 đồng/cổ phiếu thì tới phiên 27/8, thị giá LIG đã tăng lên 5.800 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng hơn 80%.

Ðà tăng giá của cổ phiếu LIG gây bất ngờ bởi không được hỗ trợ từ sự đột biến về hiệu quả kinh doanh, mà xuất phát từ sau khi LIG công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

Cụ thể, LIG dự kiến phát hành 21,3 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 435,98 tỷ đồng lên 648,98 tỷ đồng trong năm 2020. Giá phát hành dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu (cao gấp hơn 3 lần thị giá tại thời điểm công bố thông tin).

Danh sách nhà đầu tư chiến lược được chào bán cổ phiếu lần này gồm 12 cá nhân. Nếu phát hành thành công, 12 cá nhân này sẽ sở hữu 32,82% vốn điều lệ Licogi 13.

Có thể thấy, doanh nghiệp lên kế hoạch huy động vốn tham vọng. Việc này có thể tạo tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch huy động vốn trái phiếu 1.000 tỷ đồng.

Tổng số tiền 213 tỷ đồng dự kiến huy động được sẽ dùng để đầu tư vào CTCP Sông Nhiệm 3 (Công ty con sở hữu 64%), CTCP LIG Hướng Hóa 1 và CTCP LIG Hướng Hóa 2 và bổ sung vốn lưu động.

Việc huy động vốn bằng phát hành riêng lẻ có thể giúp quy mô tài sản của LIG tăng lên, nhưng số tiền huy động ngay lập tức sẽ góp cho các bên thứ ba là chủ yếu. Nhìn danh nghĩa thì vốn tăng, nhưng thực chất, dòng tiền sẽ không ở lại doanh nghiệp. Nhà đầu tư đang chờ đợi xem chất lượng tăng vốn trong báo cáo quý III/2020 của Công ty.

Trong lần tăng vốn gần nhất vào năm 2016, LIG đã huy động từ cổ đông hiện hữu. 25,3 triệu cổ phiếu được phát hành với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 219 tỷ đồng lên 471 tỷ đồng, nhằm đầu tư cho dự án nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh - giai đoạn 1 (Ðã Nẵng), dự án khu dân cư và dịch vụ du lịch Cầu Hưng - Lai Nghi - giai đoạn 1 (Quảng Nam), dự án khu nhà ở quanh chợ trung tâm thị trấn Tây Ðằng, Ba Vì - giai đoạn 1…

Kể từ đó đến nay, LIG chủ yếu tài trợ cho hoạt động kinh doanh bằng việc tăng sử dụng nợ vay. Tuy nhiên, đối ứng với nguồn vốn là nợ vay xuất hiện khoản phải thu có dấu hiệu tăng khá nhanh.

Nếu như năm 2016, khoản phải thu là 868,6 tỷ đồng thì tới 30/6/2020 lên tới 1.687,5 tỷ đồng, tăng 94,3% trong hơn 3 năm. Khoản phải thu chiếm 37% tổng tài sản của Công ty tại thời điểm cuối quý II/2020. LIG có thuyết minh phải thu khách hàng là 952,1 tỷ đồng, nhưng không thuyết minh cụ thể khách hàng nào chiếm trọng số.

Nhiều năm qua, hiệu quả sử dụng vốn của Công ty tương đối thấp. ROA (tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản) chưa đạt 1%, con số này trong 4 quý gần nhất là 0,22%. ROE (tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu) là 1,95%.

Dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp âm trong ba năm liên tục 2016-2018 và dương trở lại từ năm 2019.

Tại Ðại hội đồng cổ đông năm 2020, LIG xác định ba trụ cột trong tương lai là: xây dựng, bất động sản, công nghiệp và hạ tầng.

Trong lĩnh vực xây dựng, mục tiêu tổng thầu đã được thực hiện hoá với nhiều công trình, dự án với quy mô ngày càng lớn. Trong lĩnh vực bất động sản, LIG đầu tư vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, khu đô thị, khu nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Trong lĩnh vực công nghiệp và hạ tầng, doanh nghiệp chọn phát triển mảng năng lượng tái tạo với dự án nhà máy điện mặt trời LIG-Quảng Trị, công suất 49,5 MWp đã đưa vào vận hành tháng 5/2019.

Việc tiếp tục huy động vốn (nếu thành công) giúp doanh nghiệp cải thiện dòng tiền, tiếp tục đầu tư mở rộng nhưng không giúp cải thiện chất lượng tài sản, chất lượng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh.

Bởi lẽ, hai trụ chính là bất động sản, xây dựng đang chịu tác động rất lớn bởi sự đi xuống của nền kinh tế. Mảng năng lượng có vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn tương đối dài.

Tăng vốn và gia tăng hiệu quả kinh doanh vốn là hai chuyện khác nhau.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục