Không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường quốc tế nói chung và châu Á nói riêng, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã có ngày thứ Hai đen tối. Bỏ qua những tín hiệu tích cực trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 2/8, thị trường bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 5/8 khá ảm đạm khi áp lực bán mạnh trên diện rộng xuất hiện ngay khi mở cửa và mạnh lên đôi chút về cuối phiên, đã khiến VN-Index tạm dừng phiên sáng để mất gần 25 điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, tâm lý tiêu cực tiếp tục đè nặng khiến VN-Index nhanh chóng thủng mốc 1.200 điểm ngay khi thị trường mở cửa.
Mọi nỗ lực để giữ ngưỡng kháng cự mạnh bất thành khiến nhà đầu tư kỳ vọng vào kịch bản tiêu cực mà CSI đưa ra trong chiều hướng thị trường giảm là ngưỡng 1.195 điểm tiếp tục là mốc hỗ trợ quan trọng của VN-Index.
Mặc dù thị trường cũng đã làm khá tốt nhiệm vụ này trong suốt thời gian của phiên chiều khi VN-Index có những nhịp rơi xuống dưới vùng giá này đã được nhanh chóng kéo lên, nhưng nỗ lực hoàn toàn sụp đổ khi thị trường chuẩn bị bước vào đợt khớp lệnh ATC. Áp lực bán tháo được kích hoạt trên diện rộng khiến hàng loạt mã nằm sàn, chỉ số VN-Index cắm đầu lao dốc mạnh khi bốc hơi gần 50 điểm, rơi xuống mức thấp nhất trong gần 4 tháng.
Chứng khoán châu Á mở đầu tuần với ngày thứ Hai đen tối
Đóng cửa, sàn HOSE có tới 448 mã giảm (91 mã giảm sàn) và chỉ còn 24 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 48,53 điểm (-3,92%) xuống 1.188,07 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 1,04 tỷ đơn vị, giá trị hơn 23.782 tỷ đồng, tăng 48,57% về khối lượng và 45,13% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 95,55 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.523 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chìm trong sắc đỏ và đóng cửa giảm tới 48,9 điểm, trong đó GVR giảm mạnh nhất tới 7%, đóng cửa tại mức giá sàn 30.100 đồng/CP, tiếp theo là VRE giảm 6,4%, HDB giảm 6,1%..., trong khi giảm ít nhất là VIC là 1,7% và BCM là 1,9%.
Tuy nhiên, tác động mạnh nhất tới thị trường là cặp đôi lớn nhà bank, gồm VCB và BID khi lấy đi 2,5 và 2,3 điểm của chỉ số chung. Ngoài ra, các mã lớn khác như GVR, TCB, HPG cũng đều lấy đi hơn 2 điểm mỗi mã. Trong đó, HPG kết phiên giảm 4,8% với thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt 45,61 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, tất cả đều chìm trong biển đỏ với mức giảm ít nhất là dược phẩm cũng mất hơn 1%, còn lại đều trên 2%. Trong đó, nhóm dịch vụ tài chính gồm ngân hàng và chứng khoán thuộc top dẫn đầu, tác động mạnh nhất thị trường.
Ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, chỉ còn cặp đôi FTS và BSI giữ được sắc xanh nhưng mức tăng đều chưa tới 0,5%, trong khi đó, VND, VDS, TCI giảm kịch sàn, các mã SSI, HCM, VCI đều giảm hơn 5-6%... Cổ phiếu giao dịch sôi động nhất ngành là VIX khớp 24,6 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 5,7% và SSI khớp hơn 22 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 5,3%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng chỉ còn duy nhất EIB ngược dòng thành công với mức tăng chỉ 0,28%, nhưng đây vẫn là nhóm giao dịch sôi động của thị trường. Trong đó, MBB giảm 3,6% và khớp 31,22 triệu đơn vị, SHB giảm 5,1% và khớp hơn 30 triệu đơn vị, các mã VPB, STB, ACB giảm trên dưới 4% và khớp lệnh trong khoảng 20-30 triệu đơn vị, TPB và TCB cùng giảm hơn 5% và khớp quanh mức 17 triệu đơn vị…
Trong bộ 3 trụ cột, nhóm cổ phiếu thép sau tín hiệu le lói ở cuối tuần trước đã nhanh chóng “hòa nhập” cùng thị trường chung. Ngoài HPG giảm mạnh, HSG cũng giảm tới 6,8% xuống sát mức giá sàn và cũng là mức giá thấp nhất trong ngày 20.000 đồng/CP, trong khi NKG, TLH, SMC đều giảm kịch sàn.
Ở nhóm bất động sản, hàng loạt mã như DXG, HHV, CII, VCG, GVR, HBC, LCG, KHG, NTL, QCG, DXS, TCD, FCN, HDG… giảm kịch sàn, bên cạnh PDR, KBC, IJC, HDC… cũng giảm hơn 5-6%.
Trên sàn HNX, áp lực xả bán ồ ạt cũng khiến HNX-Index thổi bay gần 10 điểm.
Đóng cửa, sàn HNX chỉ có 33 mã tăng và 171 mã giảm (19 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 8,85 điểm (-3,82%) xuống 222,71 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 82,65 triệu đơn vị, giá trị 1.511,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,73 triệu đơn vị, giá trị 150,62 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 chỉ còn duy nhất HLD đứng giá tham chiếu, còn lại đều chìm trong sắc đỏ với TIG giảm mạnh nhất là 9,6% về mức giá sàn, kết phiên chỉ số HNX30-Index giảm tới hơn 25 điểm.
Trong đó, cặp đôi SHS và CEO giao dịch sôi động nhất nhóm bluechip và cũng như toàn thị trường, với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 14,25 triệu đơn vị và hơn 10 triệu đơn vị, tương ứng đóng cửa giảm 8,4% và 8,8%.
Đứng ở vị trí tiếp theo cũng là các mã trong rổ HNX30, với PVS khớp hơn 7 triệu đơn vị, MBS khớp gần 4 triệu đơn vị, HUT khớp 3,34 triệu đơn vị, TNG khớp 3,14 triệu đơn vị, đóng cửa các mã này cũng đều giảm khá mạnh.
Ngoài các mã trên, trong top 10 mã thanh khoản tốt nhất thị trường cũng đều kết phiên giảm mạnh, đáng kể có NRC, VFS, TIG đóng cửa giảm kịch sàn.
Mặt khác, cổ phiếu CMS vẫn là mã đáng chú ý trên HNX. Mặc dù không giữ được sắc tím nhưng CMS tiếp tục có thêm phiên khởi sắc khi đóng cửa tăng 7,3% lên mức 19.200 đồng/CP và khớp lệnh 0,91 triệu đơn vị.
Trên UPCoM cũng không tránh khỏi “cơn lốc”, chỉ số UPCoM-Index bay xấp xỉ 3 điểm.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 2,99 điểm (-3,18%) xuống mức 90,79 điểm với 84 mã tăng và 225 mã giảm (18 mã giảm sàn). Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 57,46 triệu đơn vị, giá trị 821,21 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,1 triệu đơn vị, giá trị hơn 31 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR cũng không thể “chiến thắng” thị trường. Đóng cửa, BSR giảm 1,8% xuống mức 21.700 đồng/CP và khớp lệnh vượt trội với 11,92 triệu đơn vị.
Các mã đáng chú ý khác như VGT, ABB, AAH, BVB, VGI, DDV, OIL, VEA cũng đều kết phiên giảm khá mạnh, với khối lượng giao dịch đạt một vài triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm mạnh hơn 40 điểm, trong đó VN30F2408 giảm 42,9 điểm, tương đương -3,4% xuống 1.233 điểm, với giao dịch sôi động nhất, đạt hơn 3,66 đơn vị khớp lệnh, khối lượng mở 56.345 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, giao dịch chìm trong sắc đỏ, tuy nhiên mã thanh khoản tốt nhất thị trường là CVHM2313 khớp hơn 5 triệu đơn vị, đóng cửa đứng giá tham chiếu 40 đồng/cq. Tiếp theo là CHPG2404 khớp 4,95 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 33,3% xuống mức 200 đồng/cq.