Lên sàn để làm gì?

(ĐTCK) Nhiều nhà đầu tư rất ngạc nhiên khi ông Phan Đăng Tuất, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) hiện là Vụ trưởng, Thường trực Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Bộ Công Thương nói rằng: “Tôi sẽ lên công luận chất vấn mục đích ‘ép’ Sabeco, Habeco (Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội) lên sàn làm gì?”.

Không phải tự nhiên mà nhiều văn bản pháp lý của Chính phủ lâu nay đều yêu cầu và quy định khá cụ thể việc gắn cổ phần hoá với lên sàn chứng khoán.

Nghị định 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Doanh nghiệp cổ phần hóa có tình hình tài chính đáp ứng đủ điều kiện niêm yết theo quy định của pháp luật về chứng khoán phải xây dựng phương án, lộ trình niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật. Cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa quy định việc cổ phần hóa đồng thời với việc niêm yết trên thị trường chứng khoán trong phương án cổ phần hóa để công bố cho các nhà đầu tư biết trước khi chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO)”.

Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “cải tiến phương thức định giá và chào bán cổ phiếu của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán; thực hiện đấu giá cổ phần hóa thông qua chào bán ra công chúng với niêm yết, giao dịch trên thị trường tập trung”.

Gần hơn, Nghị định 108/2013/NĐ-CP của Chính phủ còn quy định: “Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với hành vi không đưa chứng khoán đã chào bán ra công chúng vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, trừ trường hợp không đủ điều kiện niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch chứng khoán theo quy định pháp luật”. Mới đây nhất, Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định thời hạn bắt buộc lên sàn của các doanh nghiệp sau IPO là 1 năm được tính từ mốc “ngày doanh nghiệp nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”…

Lên sàn để làm gì?

Trong các quy định của Chính phủ đã đề cập rất rõ vì sao phải gắn IPO, gắn cổ phần hóa với niêm yết. Chỉ có điều, lâu nay, không chỉ có Sabeco, Habeco mà nhiều doanh nghiệp đại chúng khác viện dẫn ra đủ lý do để chây ỳ việc lên sàn. Điều này khiến nhà đầu tư chán nản.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital cho biết: “Theo quy định hiện hành, các công ty phải niêm yết trong vòng 1 năm kể từ ngày IPO thành công, nhưng do thiếu cơ chế, chế tài nên nhiều công ty không thực hiện điều này”. Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital cũng không ít lần tỏ ra quan ngại về vấn đề này.

Rõ ràng, các quy định không được thực hiện nghiêm, bởi vậy, không chỉ có nhà đầu tư trong nước, mà cả các nhà đầu tư nước ngoài đều “sứt mẻ” niềm tin vào thị trường chứng khoán.

Nghĩa vụ lên sàn của doanh nghiệp đại chúng là rõ ràng và chế tài xử phạt của cơ quan chức năng cũng đã có. Tuy nhiên, thị trường lại chưa thấy trường hợp doanh nghiệp nào bị phạt vì chậm trễ thực hiện nghĩa vụ lên sàn. Về phần mình, nhiều nhà đầu tư đã tham gia các đợt IPO của doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa chỉ còn biết ngậm ngùi chôn vốn vào đống cổ phiếu không thanh khoản.

Hơn ai hết, các cổ đông cần thể hiện quyền lực của mình, thay vì im lặng. Hãy yêu cầu doanh nghiệp giải trình, nếu chưa thực sự thuyết phục, vẫn còn nhiều “cửa” khác để nhà đầu tư có thể… tố khổ.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục