Công văn 864/HHĐTTC do Phó Chủ tịch VAFI Nguyễn Hoàng Hải ký gửi Bộ trưởng Bộ Công thương, HĐQT của Sabeco và Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) về tiếp tục kiến nghị Sabeco và Habeco thực hiện niêm yết, thoái toàn bộ vốn nhà nước.
Theo VAFI, sau khi Hiệp hội có văn bản 863/HHĐTTC ngày 10/5/2016 gửi Bộ Công thương đề nghị Sabeco và Habeco phải thực hiện ngay việc niêm yết theo Quyết định 51/2014/QĐ-CP ngày 15/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ, ông Lê Hồng Xanh, Phó Tổng giám đốc Sabeco và ông Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng, thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp của Bộ Công thương phản hồi: Sabeco chưa đủ điều kiện niêm yết, nên đã không thực hiện niêm yết. Để Sabeco được niêm yết, thì cổ phần nhà nước phải dưới 80% vốn điều lệ…
“Phản pháo” lại ý kiến trên, VAFI khẳng định Sabeco và Habeco hoàn toàn đủ điều kiện niêm yết. Các quy định hiện hành đều khẳng định các DNNN thực hiện cổ phần hóa phải gắn với niêm yết bất kể tỷ trọng nhà nước là bao nhiêu. Chẳng hạn như Ngân hàng BIDV đang niêm yết với cổ phần nhà nước chiếm tới 95% vốn điều lệ.
“Những cá nhân đại diện cổ phần nhà nước tại Sabeco và Habeco có hiểu biết pháp luật sơ đẳng về niêm yết DNNN thực hiện cổ phần hóa hay không?”, VAFI đặt câu hỏi.
Cũng theo VAFI, cách đây 5 năm, VAFI có đề nghị HĐQT Sabeco và Habeco thực hiện niêm yết, họ cũng viện dẫn không đủ điều kiện niêm yết với lý do trên. Sau khi VAFI phân tích, họ có ra nghị quyết ĐHCĐ về niêm yết, nhưng đó chỉ là kế… hoãn binh và những người đại diện vốn nhà nước đã cố tính không thực hiện chủ trương của nhà nước.
VAFI cho rằng, những người trực tiếp quản lý vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco đã vi phạm quy định về niêm yết chứng khoán. Những hành động chống đối niêm yết là xâm phạm lợi ích của các cổ đông, tước đi quyền và lợi ích của các cổ đông và hạ thấp giá trị của chứng khoán...
Trong một diễn biến có liên quan, theo VAFI, việc điều một số cán bộ, công chức từ Bộ Công thương xuống doanh nghiệp làm thành viên HĐQT là không đủ tiêu chuẩn, chẳng hạn việc bổ nhiệm ông Võ Thanh Hà, Chánh văn phòng Bộ Công thương về làm Chủ tịch HĐQT Sabeco là nguy hiểm về quản trị doanh nghiệp, vì ông Hà không có kinh nghiệm và thành tích về quản trị doanh nghiệp.
“Bộ Công thương nên hiểu rằng Chủ tịch HĐQT phải là linh hồn của doanh nghiệp, phải có nhiều thành tích xuất sắc về quản trị doanh nghiệp, phải kinh qua thử thách tại nhiều vị trí công tác tại doanh nghiệp. Chủ tịch Sabeco về năng lực ít ra phải bằng 20% năng lực của Trương Gia Bình, Mai Kiều Liên, Lê Quang Danh…, chứ không thể chọn một người lơ mơ về quản trị doanh nghiệp như ông Võ Thanh Hà. Sabeco không thiếu gì người tài với năng lực quản trị gấp nhiều lần ông Hà, vậy tại sao Bộ Công thương không chọn?”, VAFI đặt câu hỏi.
Cũng theo VAFI, về trường hợp ông Vũ Quang Hải, sinh năm 1986 được Bộ Công thương cử về Sabeco với chức danh Thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Sabeco, VAFI cho biết, ông Hải từng đảm nhiệm chức Tổng giám đốc Công ty đầu tư tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam (PVFI) từ năm 2011 khi mới 25 tuổi, với thành tích kinh doanh: năm 2011 lỗ 155 tỷ đồng, năm 2012 lỗ 67 tỷ đồng/300 tỷ đồng vốn điều lệ. Đáng nói là PVFI được thành lập năm 2007, thì cả 3 năm trước đó (2008, 2009, 2010) PVFI đều có lãi.
“Với thành tích trên, ông Vũ Quang Hải về "trú ẩn" tại Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương với chức danh Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu. Tiếp đó với hàm Vụ phó, ông Hải được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Sabeco. Xin hỏi Bộ Công thương việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải có đúng quy định của nhà nước hay không?”, VAFI đặt câu hỏi.