Sốt sắng lên đời
Cho đến thời điểm này, UBND tỉnh Tuyên Quang là cơ quan chủ quản sốt sắng, chủ động nhất trong việc đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc phân kỳ đạt quy mô hoàn chỉnh. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng qua, địa phương này đã 2 lần gửi đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.
Dù Tuyên Quang là địa phương nhỏ ở khu vực trung du miền núi phía Bắc, nhưng UBND tỉnh này đảm nhận vai trò cơ quan chủ quản của 2 dự án cao tốc lớn, sử dụng vốn ngân sách là cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai và cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn I), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang.
Trong đó, Dự án Xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài 40,2 km, quy mô đầu tư giai đoạn phân kỳ 4 làn xe hạn chế, chiều rộng nền đường 17 m, mặt đường rộng 14 m, dải dừng xe khẩn cấp bố trí không liên tục. Dự án có tổng mức đầu tư 3.753 tỷ đồng này đã hoàn thành, đưa vào khai thác tạm từ ngày 24/12/2023.
Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn I), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang có chiều dài 69,7 km, quy mô đầu tư là 2 làn xe cơ giới, mặt cắt ngang 12 m, trên tuyến có bố trí các vị trí vượt xe với khoảng cách từ 2,2 km đến 9,81 km/vị trí, tương tự tuyến cao tốc Bắc - Nam, đoạn Cam Lộ - La Sơn.
Với quy mô xây dựng như trên, Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn I), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang có tổng mức đầu tư 6.800 tỷ đồng. Dự án này đang trong giai đoạn thi công nước rút để có thể hoàn thành vào cuối năm 2025.
Trong Công văn số 858/UBND-ĐTXD gửi các bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), Kế hoạch và Đầu tư cuối tuần trước, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang khẳng định, việc sớm nâng cấp tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai và cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn qua tỉnh Tuyên Quang theo quy mô quy hoạch (4 làn xe tiêu chuẩn) không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương, mà còn nâng cao hiệu quả khai thác và an toàn cho người tham gia giao thông.
Theo tính toán của cơ quan chủ quản, kinh phí sơ bộ để nâng đời tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai lên quy mô 4 làn xe tiêu chuẩn, nền đường rộng 25,25 m cùng hệ thống quản lý điều hành giao thông thông minh vào khoảng 3.200 tỷ đồng.
Do Dự án đi qua địa phận của 2 tỉnh Tuyên Quang (11,3 km) và Phú Thọ (28,9 km), nên UBND tỉnh Tuyên Quang kiến nghị phân cấp cho tỉnh Tuyên Quang làm cơ quan chủ quản Dự án đoạn thuộc địa phận tỉnh Tuyên Quang và phân cấp cho tỉnh Phú Thọ làm cơ quan chủ quản Dự án đoạn thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ.
Bên cạnh đó, để có nguồn lực triển khai hoàn chỉnh đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai theo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh với bề rộng nền đường là 25,25 m, địa phương này đề nghị Chính phủ bố trí toàn bộ kinh phí trị giá 3.200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương để 2 tỉnh triển khai thực hiện.
Đối với cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn qua tỉnh Tuyên Quang, kinh phí đầu tư dự kiến để nâng cấp tuyến cao tốc này lên quy mô cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh rộng 25,25 m như quy hoạch được duyệt là khoảng 7.437 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư sẽ do ngân sách trung ương đảm nhận.
Về phương án thực hiện, UBND tỉnh Tuyên Quang kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép tiếp tục triển khai thực hiện Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn I), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang theo hồ sơ đã phê duyệt; đồng thời thực hiện thủ tục đầu tư dự án mới là Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn II), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang, với thời gian khởi công dự kiến là tháng 10/2024.
Trước đó, giữa tháng 2/2024, UBND tỉnh Hà Giang cũng có Tờ trình số 05/TTr - UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe, Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn I), đoạn qua tỉnh Hà Giang.
Cụ thể, UBND tỉnh Hà Giang kiến nghị người đứng đầu Chính phủ cho chủ trương điều chỉnh Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn I), đoạn qua tỉnh Hà Giang, mở rộng với quy mô đủ tiêu chuẩn 4 làn xe với chiều dài tuyến 27,48 km, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 5.073 tỷ đồng. Trong đó, Dự án giai đoạn I (2 làn xe) đã phê duyệt 3.198 tỷ đồng; giai đoạn mở rộng hoàn chỉnh lên 4 làn xe 1.875 tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh Hà Giang cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ bổ sung ngân sách trung ương cho tỉnh này 2.500 tỷ đồng để thực hiện Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn I), đoạn qua tỉnh Hà Giang (hỗ trợ cho giai đoạn I đã quyết định đầu tư 1.000 tỷ đồng và hỗ trợ cho giai đoạn mở rộng hoàn chỉnh lên 4 làn xe là 1.500 tỷ đồng).
Cũng như Tuyên Quang, thách thức lớn nhất đối với UBND tỉnh Hà Giang trong việc nâng cấp tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn qua tỉnh Hà Giang lên quy mô 4 làn xe tiêu chuẩn chính là nguồn kinh phí. Ngoài việc chưa tìm được nguồn vốn cho giai đoạn II, thì ngay với Dự án giai đoạn I, ngân sách địa phương Hà Giang mới cân đối được khoảng 1.000 tỷ đồng, bằng một nửa so với nhu cầu.
“Hà Giang là một trong những tỉnh nghèo và khó khăn nhất cả nước, nguồn thu ngân sách trên địa bàn nhỏ và chưa bền vững, tỷ lệ tự cân đối thấp, chủ yếu nhận bổ sung từ nguồn ngân sách trung ương. Mặt khác, việc thu tiền sử dụng đất không có khả năng thu do suy giảm thị trường bất động sản”, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang thông tin.
Áp lực nguồn vốn
Cũng do khó khăn về nguồn vốn, nên UBND tỉnh Sơn La phải kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện phương án phân kỳ 2 làn xe, thay vì phương án đầu tư 4 làn xe đối với Dự án Tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn qua địa bàn Sơn La.
Trong Báo cáo số 99/BC-UBND gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT đầu tháng 3/2024, UBND tỉnh Sơn La đề nghị 2 bộ tổng hợp, báo cáo Chính phủ cho phép tỉnh thực hiện đầu tư Dự án theo phương án phân kỳ. Trong đó, giai đoạn phân kỳ (từ năm 2024 - 2028) thực hiện đầu tư 2 làn xe (có làn dừng khẩn cấp liên tục), giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe; giai đoạn tiếp theo (từ năm 2031- 2035) sẽ đầu tư hoàn chỉnh tuyến cao tốc theo quy hoạch.
Với quy mô trên, tổng mức đầu tư Dự án Tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn qua địa bàn Sơn La giai đoạn phân kỳ là 4.938 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương dự kiến 3.400 tỷ đồng (gồm 1.700 tỷ đồng dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 và 1.700 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách trung ương); ngân sách địa phương 1.538 tỷ đồng.
Trong Báo cáo số 99/BC-UBND, UBND tỉnh Sơn La cho biết, nếu triển khai đầu tư ngay theo quy mô quy hoạch, Dự án Tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn qua địa bàn tỉnh Sơn La sẽ có tổng mức đầu tư 9.300 tỷ đồng, tức là cần thêm tới 4.362 tỷ đồng so với phương án phân kỳ.
Lãnh đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, cơ quan này vẫn chưa nhận được đầy đủ các kết quả nghiên cứu đầu tư, nâng cấp các tuyến cao tốc phân kỳ từ các địa phương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhưng nguồn vốn chắc chắn là rào cản lớn nhất với việc đầu tư nâng cấp các tuyến cao tốc phân kỳ, dù có ưu điểm là sớm hoàn thành công trình theo quy mô quy hoạch.
Theo tính toán sơ bộ, tổng nhu cầu vốn nâng cấp các tuyến đường cao tốc 2 làn xe lên quy mô 4 làn xe tiêu chuẩn cần khoảng 82.911 tỷ đồng, trong khi đến đầu tháng 3/2024, mới chỉ có 2 dự án đã tương đối rõ về nguồn vốn là tuyến Cao Bồ - Mai Sơn dài 15,2 km từ 4 làn xe lên 6 làn xe, trị giá 1.995 tỷ đồng và tuyến La Sơn - Hòa Liên dài 66 km từ 2 làn xe lên 4 làn xe, trị giá 3.011 tỷ đồng.
Áp lực đối với ngân sách nhà nước càng lớn hơn khi nhiều dự án cao tốc đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư như Cam Lộ - Lao Bảo, Chợ Mới - Bắc Kạn, Tân Quang - cửa khẩu Thanh Thủy… đều được các cơ quan chủ quản cập nhật theo phương án đầu tư quy mô 4 làn xe tiêu chuẩn với chi phí phát sinh rất lớn so với phương án đầu tư phân kỳ trước đây. Điều đáng nói là, phần chi phí bổ sung đều được kiến nghị huy động từ nguồn ngân sách trung ương.
Theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ (VARSI), Bộ GTVT và các địa phương cần khẩn trương rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các tuyến cao tốc đã được phân kỳ đầu tư để đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép triển khai mở rộng khi đủ điều kiện về nguồn lực. Trong đó, tập trung ưu tiên mở rộng các tuyến cao tốc 2 làn xe lên tối thiểu 4 làn xe; hoàn thiện cao tốc Bắc - Nam phía Đông cùng các tuyến cao tốc kết nối liên vùng.
“Để không tạo gánh nặng quá lớn cho ngân sách, cần sớm hoàn thiện các tuyến đường bộ cao tốc, sớm kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế cho phép mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa đường cao tốc theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT”, lãnh đạo VARSI đề xuất.
Thời gian qua, Bộ GTVT, các địa phương và cơ quan liên quan đã và đang rà soát, huy động nguồn lực đầu tư mở rộng 12 tuyến cao tốc đang khai thác, gồm 5 tuyến 2 làn xe và 7 tuyến 4 làn xe có dải dừng xe khẩn cấp không liên tục.
Cụ thể, đã rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư mở rộng tuyến La Sơn - Hòa Liên (66 km) từ 2 làn xe lên 4 làn xe; mở rộng theo quy hoạch 6 làn xe các tuyến Cao Bồ - Mai Sơn (15 km) bằng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận (51 km) theo hình thức PPP.
UBND tỉnh Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu mở rộng tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình (26 km) từ 2 làn xe lên 4 làn xe theo hình thức PPP. Bộ GTVT đã bàn giao đoạn tuyến cho địa phương, UBND tỉnh Hòa Bình đã chấp thuận cho nhà đầu tư thực hiện các bước điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc (VEC) đang nghiên cứu phương án huy động vốn, hình thức đầu tư mở rộng đoạn tuyến Yên Bái - Lào Cai (141 km) thuộc tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai từ 2 làn xe lên 4 làn xe theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.