Trong mắt giới đầu tư, tầm quan trọng của yếu tố phát triển bền vững ngày càng gia tăng, bởi những yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) sẽ có tác động dài hạn tới thành công của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chỉ 60% lãnh đạo các công ty niêm yết tin rằng, yếu tố phát triển bền vững có tác động tới quyết định của nhà đầu tư (NĐT).
“Có sự lệch sóng trong suy nghĩ của hai phía. Chúng tôi nhận ra rằng, các chuyên gia quan hệ cổ đông (IR) tại các công ty không thực sự “trò chuyện” với giới đầu tư về giá trị của phát triển bền vững, mặc dù yếu tố này nắm phần quan trọng trong quyết định đầu tư của giới đầu tư”, David Kiron, chuyên gia đứng đầu nhóm tác giả báo cáo của MIT SMR cho biết.
Trong quá khứ, do những hạn chế về thông tin mà giới đầu tư khó có thể tập trung vào vấn đề phát triển bền vững để đưa ra chiến lược đầu tư hoàn chỉnh. Hiện tại, giới đầu tư dễ dàng trang bị nhiều kiến thức và thông tin, hoàn thiện các mảnh ghép còn thiếu trong kế hoạch đầu tư của mình. Do đó, 75% các NĐT tham gia khảo sát cho biết, họ cảm thấy các vấn đề về phát triển bền vững của công ty có tác động ngày càng lớn tới quyết định của họ.
“Thật không may, có quá ít công ty nhận ra điều này để có thể tận hưởng sự ưu ái từ các NĐT quan tâm tới phát triển bền vững. Nghiên cứu năm nay cho thấy, trong khi 90% các chuyên gia cấp cao nhận ra tầm quan trọng của phát triển bền vững, chỉ 60% số công ty tham gia khảo sát hiện đã có chiến lược phát triển bền vững và chỉ 25% nhận thức thực sự rõ ràng về vấn đề này”, Knut Hanaes, nhà nghiên cứu cấp cao tại BCG cho biết.
Nhà đầu tư quan tâm tới các yếu tố phát triển bền vững tại doanh nghiệp vì nhiều lý do
Sự trỗi dậy của phát triển bền vững
Năm 2009, khi Bloomberg LP tiến hành nghiên cứu về thái độ của lãnh đạo các công ty đối với đầu tư vào phát triển bền vững, chỉ 22% các lãnh đạo cấp cao tin rằng các NĐT chiến lược sẽ quan tâm tới nỗ lực phát triển bền vững của công ty. Cho tới nay, tình trạng này đã phần nào được cải thiện, nhưng nghiên cứu năm nay của MIT cho thấy, cách nghĩ này hoàn toàn sai lầm. Thực tế, giới đầu tư rất chú ý tới quá trình và nỗ lực phát triển bền vững của công ty.
Số lượng các công ty có chiến lược phát triển bền vững giảm xuống
Đa phần các đối tượng trả lời (NĐT, công ty đại chúng, công ty tư nhân) tin rằng biểu hiện phát triển bền vững tốt có dấu ấn quan trọng với giới đầu tư. Trong đó, kết quả trả lời của giới đầu tư cho thấy, họ quan tâm tới phát triển bền vững nhiều hơn các công ty đại chúng nghĩ (xem bảng 1).
Có tới 3/4 số lãnh đạo cấp cao các hãng đầu tư đồng ý rằng, các yếu tố phát triển bền vững tốt của một công ty là tác nhân quan trọng ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của họ. Hơn một nửa số NĐT được thông báo rõ ràng về các yếu tố phát triển bền vững tại công ty họ đã đầu tư cho biết, họ từng từ bỏ đầu tư tại các công ty có yếu tố phát triển bền vững kém. Trong khi đó, lãnh đạo doanh nghiệp vẫn chưa bắt nhịp được quan điểm này. Chỉ 60% nhà quản lý tại các công ty đang niêm yết có đề cập tới phát triển bền vững như là một yếu tố quan trọng đối với NĐT.
Nhiều nhà quản lý hàng đầu tại các công ty đầu tư tránh đầu tư vào công ty có yếu tố phát triển bền vững kém
Tại sao NĐT quan tâm nhiều hơn tới phát triển bền vững?
Ít nhất có 3 lý do khiến giới đầu tư quan tâm nhiều hơn tới phát triển bền vững. Thứ nhất, sự phát triển của hệ thống thu thập, phân tích dữ liệu giúp NĐT nhận ra việc đầu tư bền vững sẽ tạo ra giá trị như thế nào và vào thời điểm nào. Các hệ thống này đã đáp ứng nhu cầu tìm tòi dữ liệu ngày càng gia tăng đối với các nỗ lực phát triển bền vững của công ty. Các hãng lớn như Bloomberg và Thompson Reuters đều thu thập dữ liệu về các vấn đề liên quan tới phát triển bền vững và những hãng đầu tư lớn nhất thế giới, bao gồm cả BlackRock, đều có bộ phận đặc biệt chuyên kiểm soát vấn đề này.
Các tổ chức từ hãng kế toán cho tới Liên hiệp quốc đều đang phát triển và giới thiệu nhiều hơn các hệ thống cho phép truy cập và kiểm tra số liệu liên quan tới ESG đối với từng công ty.
Yếu tố thứ hai là nghiên cứu từ các viện hàn lâm và hãng đầu tư chỉ ra mối liên hệ giữa hiệu quả quản lý phát triển bền vững với tình hình tài chính của doanh nghiệp. Ví dụ, trong một nghiên cứu được thực hiện tại 500 công ty lớn nhất toàn cầu, giáo sư George Serafeim tại Harvard Business School và Bethesda, Giám đốc Calvert Investments nhận ra rằng, các công ty có ESG mạnh thường có mối liên quan mật thiết với giá trị thị trường lớn, triển vọng tăng trưởng tốt và chi phí tài chính thấp hơn so với các công ty khác cùng lĩnh vực. Nghiên cứu này cũng cho thấy, các công ty có ESG tốt thường có tỷ lệ phá sản rất thấp.
Năm 2015, hãng quản lý đầu tư Arabesque Partners và các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford công bố kết quả nghiên cứu hơn 200 báo cáo bền vững, theo đó, 90% các công ty có yếu tố phát triển bền vững tốt có chi phí tài chính thấp hơn so với các công ty khác. Gần 90% các công ty thực hành ESG vững chắc có hiệu quả hoạt động tốt hơn, trong khi 80% các công ty thực hành ESG có giá cổ phiếu diễn biến tích cực.
Thứ ba, thái độ của NĐT có sự thay đổi khi nhận ra mối liên hệ giữa phát triển bền vững và tạo lập giá trị, giảm thiểu rủi ro. Nếu như trước đây, có khá ít NĐT nhận ra mối liên hệ giữa các yếu tố này, thì hiện tại, 75% NĐT trả lời rằng việc lợi nhuận tăng lên nhờ phát triển bền vững là một trong các lý do quan trọng nhất để họ quyết định đầu tư.
Doanh nghiệp chưa thích ứng kịp
Giới đầu tư đang hành động dựa trên “niềm tin” của mình. Năm 2014, theo Diễn đàn Đầu tư bền vững và có trách nhiệm (US SIF), cứ 6 USD bỏ ra đầu tư thì có 1 USD thực hiện theo chiến lược đầu tư bền vững, tăng 76% so với năm 2012.
“Năm 2016 được xác lập là năm của tài chính xanh. Trên toàn cầu, chúng ta đang chứng kiến số lượng các quốc gia tự động điều chỉnh hệ thống tài chính phù hợp với chiến lược phát triển bền vững ngày càng gia tăng”, Achim Steiner, Giám đốc Chương trình môi trường quốc gia Liên hiệp quốc cho biết.
Trong bối cảnh này, việc các công ty không quan tâm tới ESG là lý do thường gặp dẫn tới quyết định ra đi của NĐT. Gần một nửa số NĐT tham gia nghiên cứu cho biết, yếu tố phát triển bền vững kém là lý do họ “chia tay” với doanh nghiệp. Gần 60% thành viên hội đồng quản trị của hãng đầu tư cho biết, họ sẵn sàng gạch tên một công ty có yếu tố phát triển bền vững kém.
Mặc dù số hệ thống phân tích mới ngày càng nhiều và NĐT ngày càng quan tâm hơn tới các thông tin liên quan tới phát triển bền vững, nhưng lãnh đạo các doanh nghiệp vẫn thực hiện quá ít các hành động nhằm đáp ứng nhu cầu này của giới đầu tư và có sự giao tiếp thực sự với NĐT về vấn đề này.
Việc này xảy ra không phải “tình cờ”. Một khảo sát được thực hiện năm 2015 bởi MIT SMR và Hiệp hội Quan hệ cổ đông quốc gia (NIRI) cho thấy, chỉ 24% các chuyên gia quan hệ cổ đông (IR), vốn có nhiệm vụ quan trọng nhất trong việc kết nối thông tin giữa công ty và NĐT, được công ty yêu cầu trao đổi với NĐT về các vấn đề phát triển bền vững. Gần 40% chuyên gia IR thậm chí không nhận được các báo cáo, thông điệp nào từ lãnh đạo doanh nghiệp về phát triển bền vững.
Gần 80% chuyên gia IR không đưa các thông tin phát triển bền vững vào nội dung trao đổi với NĐT và quan trọng nhất, gần một nửa số chuyên gia IR tham gia khảo sát không tin rằng chiến lược phát triển bền vững là cần thiết để duy trì tính cạnh tranh của công ty so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Như vậy, các công ty đang có sự “lệch sóng” với NĐT về nhận thức tầm quan trọng của phát triển bền vững. Trong khi gần 90% lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, chiến lược phát triển bền vững là cần thiết để duy trì tính cạnh tranh, thì chỉ 60% trong số này thực sự có chiến lược phát triển bền vững và 25% vẫn đang trong quá trình tìm chiến lược.
Năm 2015 là năm thứ 7 liên tiếp, MIT Sloan Management Review kết hợp với The Boston Consulting Group (BCG) tiến hành khảo sát toàn cầu về vấn đề phát triển bền vững. Kết quả khảo sát được thực hiện dựa trên 7.011 đối tượng, bao gồm các công ty thương mại, nhà quản lý quỹ đầu tư, viện nghiên cứu… tại 113 quốc gia. Để hoàn thiện, MIT Sloan tiến hành phỏng vấn thêm luật sư và chuyên gia ngành luật để tìm hiểu các vấn đề mà doanh nghiệp đang đối mặt trong phát triển bền vững.
Khảo sát năm 2015 có chủ đề: Mối quan tâm của nhà đầu tư đối với phát triển bền vững tại các công ty. Theo đó, nghiên cứu cho biết nhà đầu tư sử dụng các số liệu về phát triển bền vững như thế nào để đưa ra các quyết định đầu tư và xác định lãnh đạo các doanh nghiệp cần phải làm gì để giữ vững mối liên kết với nhà đầu tư dựa vào các yếu tố phát triển bền vững.