Tại sao là Bảo Long?
Năm 2015, việc Bảo Long ký kết hợp tác chiến lược với SCB trở thành dấu mốc quan trọng, đã thay đổi không những diện mạo mà còn ở các phương diện chiều sâu của Công ty. Thực tế cho thấy, đây là bước đi phù hợp với xu thế khi thống kê cho biết, ngoại trừ Liberty và Samsung Vina, hầu hết các doanh nghiệp còn lại trong tổng số 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hiện tại đều phân phối bảo hiểm qua ngân hàng và đang mở rộng hợp tác với các ngân hàng khác. Trong đó, MIC, BIC, BSH, Bảo Long với lợi thế ngân hàng mẹ là cổ đông lớn, tương ứng là MB, BIDV, SHB, SCB đang ghi dấu ấn trong hoạt động này.
Với việc trở thành cổ đông chiến lược lâu dài với Bảo Long, SCB luôn đồng hành cùng từng bước phát triển của Bảo Long, với màn “khởi động” là việc cải tiến công tác tổ chức nhân sự. “Quản lý nguồn nhân lực tốt sẽ là yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động của tổ chức, giúp tổ chức đạt được mục tiêu, chiến lược, nên công tác này được Ban lãnh đạo Công ty đặt lên hàng đầu”, ông Phan Quốc Dũng , Tổng giám đốc Công ty Bảo Long cho biết.
Theo đó, trong năm 2015, Bảo Long đã hoàn thành việc sắp xếp lại các Ban/Trung tâm tại Trụ sở chính theo hướng hiệu quả và chủ động hơn. Đặc biệt, Bảo Long đã và đang từng bước hoàn thiện công tác quản trị nguồn nhân lực thông qua việc xây dựng hệ thống đánh giá chỉ tiêu hoàn thành công việc KPI, ban hành các chính sách thi đua khen thưởng,… cho toàn hệ thống.
Ngoài ra, việc thành lập thêm 9 công ty thành viên trong năm 2015 và 7 công ty trong 6 tháng đầu năm 2016 đã nâng tổng số công ty thành viên của toàn hệ thống Bảo Long lên 37 đơn vị. Song song với việc mở rộng mạng lưới, Bảo Long đã thực hiện rà soát và sắp xếp, chuẩn hóa mô hình hoạt động của các đơn vị thành viên với việc ban hành quy định phân hạng đơn vị, đánh giá và đưa ra mô hình chuẩn cho từng hạng. Ngoài ra, Bảo Long cũng đã tích cực triển khai phát triển các kênh khai thác mới như: dịch vụ qua môi giới, dịch vụ khách hàng DN, đẩy mạnh sản phẩm liên kết với ngân hàng bancassurance, lần đầu tiên triển khai sản phẩm liên kết với công ty điện thoại di động Mobilassurance.
Ông Dũng cho biết thêm: “Bảo Long tập trung vào công tác chăm sóc khách hàng để hỗ trợ tối đa cho hoạt động khai thác và nâng cao vị thế cạnh tranh của Công ty trên thị trường, thông qua việc ban hành Quy tắc ứng xử phối hợp bán hàng và chăm sóc khách hàng trong toàn hệ thống; triển khai trung tâm thông tin liên lạc trên cơ sở kết nối các trung tâm thông tin liên lạc của SCB”.
Từ những chuyển biến tích cực trong những năm qua, kết quả kinh doanh của Bảo Long đã khởi sắc và được thể hiện rõ qua các con số: quy mô tổng tài sản tại thời điểm 30/6/2016 là 1.296.720 triệu đồng; tổng quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt 456.365 triệu đồng, giúp tăng cường khả năng thanh toán kịp thời của Bảo Long cho các tổn thất lớn phát sinh, đồng thời tạo ra thế mạnh cạnh tranh và tính linh hoạt trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, phù hợp với tình hình thị trường; tổng lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 45.087 triệu đồng, trong đó tổng doanh thu đạt 381.036 triệu đồng, tăng trưởng phí bảo hiểm đạt 20% so với cùng kỳ năm trước.
Sẵn sàng hành động, chấp nhận thách thức
Từ cuối năm 2015, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã tạo nên hiệu ứng về triển vọng tốt đẹp cho thị trường bảo hiểm Việt Nam, với những dự báo lạc quan về thị trường này trong năm 2016, với mức tăng trưởng trên 25% trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và trên 18% trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Nguyên do của bức tranh sáng này được cho rằng xuất phát từ các luồng vốn đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam được dự báo sẽ tăng mạnh, nhằm hưởng các chính sách thuế ưu đãi từ TPP và các hiệp định thương mại tự do song phương khác. Theo đó, Việt Nam sẽ có cơ hội mở cửa thị trường bảo hiểm, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, đa dạng hóa sản phẩm, qua đó giúp thị trường mang tính cạnh tranh hơn, hướng tới cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn cho khách hàng.
Cụ thể hơn, trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, cơ hội được cho là sẽ mở ra với hầu hết các nghiệp vụ bảo hiểm, trong đó đáng chú ý, bảo hiểm tài sản kỹ thuật và hàng hóa xuất nhập khẩu có cơ hội gia tăng nhanh chóng khi làn sóng đầu tư FDI từ 11 nước thành viên TPP vào Việt Nam và các quốc gia ngoài TPP vào Việt Nam tăng tốc. Thực tế, trong 11 quốc gia cùng Việt Nam tham gia TPP đã có 4 quốc gia từng hiện diện thương mại tại thị trường bảo hiểm Việt. Đó là Australia (Công ty bảo hiểm QBE), Canada (Manulife), Nhật Bản (Dai-ichi, MSIG, BVTM), Mỹ với 6 DN là AIA, AIG, Chubb non life, Chubb life, MetLife, Liberty.
Số liệu được công bố cũng đã phần nào minh chứng cho triển vọng năm 2016 với tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 17.151 tỷ đồng, tăng 11,89% so với cùng kỳ năm 2015.
Sẵn sàng đối mặt, Bảo Long đã đặt ra mục tiêu “Tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở kiểm soát tốt rủi ro và hiệu quả”, trên cơ sở hướng tới thỏa mãn các nhu cầu của các khách hàng thông qua việc cải thiện, nâng cấp dịch vụ giám định bồi thường, công tác quản lý nghiệp vụ; “nâng cao chất lượng quản lý nghiệp vụ để đảm bảo các quy trình kinh doanh được vận hành một cách hiệu quả, giảm thiểu rủi ro và đáp ứng được yêu cầu của chiến lược kinh doanh đặt ra”.
Bên cạnh đó, Bảo Long đã không ngừng nỗ lực và vinh dự nhận được các giải thưởng lớn như: “Dịch vụ Bảo hiểm tốt nhất Việt Nam 2015” do Tạp chí Global Banking and Finance Review Awards của Anh bình chọn; giải thưởng “Thương hiệu mạnh Việt Nam 2015” do Tạp chí Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công thương tổ chức và “Top 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín năm 2016” do Việt Nam Report đánh giá và công nhận.
“Phát triển bền vững trong dài hạn, góp phần xây dựng, củng cố niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư, cổ đông và đóng góp cho xã hội, cộng đồng… là những giá trị cốt lõi Bảo Long đã, đang và sẽ thực thi”, ông Dũng chia sẻ.