Lệch pha là đương nhiên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc Ngân hàng Nhà nước 4 lần liên tiếp hạ lãi suất đặt ra vấn đề về việc đồng Việt Nam sẽ chịu sức ép mất giá.
Tỷ giá USD/VND từ đầu năm 2023 đến nay chủ yếu dao động trong vùng 23.240 - 23.630 Tỷ giá USD/VND từ đầu năm 2023 đến nay chủ yếu dao động trong vùng 23.240 - 23.630

Đồng Việt Nam có nhiều điểm cộng

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Quang Trung, Giám đốc Khối Nguồn vốn và Ngoại hối, VIB phân tích: “Ở góc độ điều hành, lãi suất là giá trị của tiền tệ nên khi bị cắt giảm sẽ mất đi giá trị và bù vào một cái khác. Hay nói cách khác, khi lãi suất hạ thì đồng nội tệ có xu thế mất giá so với ngoại tệ, nhưng vấn đề là mất giá nhiều hay ít cần xem xét trên những điểm cộng và trừ”.

Ông Trung cho rằng, điểm trừ với đồng Việt Nam hiện nay là lãi suất giảm. Lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng đang thấp hơn nhiều lãi suất đồng USD. Lãi suất qua đêm ở Việt Nam chỉ dưới 1%/năm, trong khi ở Mỹ là 5%/năm, tức độ vênh lên đến 4%/năm. Do đó, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất sẽ tác động tiêu cực đến đồng nội tệ.

Đối với điểm cộng, ông Trung cho biết, thứ nhất là thặng dư cán cân thương mại của Việt Nam khá lớn, đạt gần 10 tỷ USD kể từ đầu năm 2023 đến nay. Thặng dư về xuất nhập khẩu có nghĩa cung ngoại tệ lớn hơn cầu ngoại tệ, chính vì vậy có thể giữ được đồng nội tệ ổn định, thậm chí tăng giá. Thứ hai, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang bật lên khi trong 5 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm khoảng 6 tỷ USD. Thứ ba, tỷ lệ lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến rất nhiều. Thứ tư, FDI có tín hiệu tích cực trong tháng 4 và tháng 5/2023, giúp dòng vốn này trong 5 tháng đầu năm nay chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ các yếu tố vĩ mô đang dần cải thiện và đây cũng là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho đồng USD chảy vào Việt Nam.

“Thứ năm là câu chuyện dòng tiền thông minh đã rút phần lớn khỏi Việt Nam từ năm 2021 - 2022 nên cũng không còn nhiều để rút nữa. Hay nói cách khác, lượng ngoại tệ đầu tư gián tiếp đã rút gần hết khỏi Việt Nam nên sẽ hầu như không tạo ra tình trạng cầu ngoại tệ lớn như trước. Do đó, hạ lãi suất sẽ tác động trong ngắn hạn lên tỷ giá, nhưng đồng Việt Nam dự kiến không mất giá nhiều nếu nhìn vào 5 điểm cộng cùng với tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với nhiều quốc gia khác”, ông Trung nói.

Theo ông Trung, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có quá nhiều diễn biến phức tạp, mỗi nước điều hành theo một cách riêng khi đặt lợi ích của quốc gia lên trước, dẫn đến việc điều hành chính sách tiền tệ nếu có lệch pha cũng là chuyện đương nhiên xảy ra. Do đó, không nên có suy nghĩ tiêu cực về việc điều hành chính sách tiền tệ lệch pha giữa Việt Nam so với Mỹ hay châu Âu, khi các quốc gia này đang phải nỗ lực kiểm soát lạm phát sau thời gian “bơm” tiền ra thị trường trước đó.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tạm dừng tăng lãi suất, có thể sắp tới tiếp tục tăng nhưng tổng lượng tăng sẽ ở mức thấp (0,25 - 0,5%/năm từ nay đến cuối năm 2023), thậm chí có thể giảm nhẹ lãi suất từ đầu năm 2024. Theo đó, áp lực lãi suất, tỷ giá đối với Việt Nam đã và đang giảm đáng kể. Mặt bằng lãi suất của Việt Nam hiện giảm 1 - 1,5%/năm và tỷ giá USD/VND giảm 0,57% so với đầu năm 2023 nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào từ thặng dư cán cân thương mại, dòng vốn FDI giải ngân, du lịch quốc tế hồi phục và một phần nhờ đồng USD yếu đi.

Thực tế, tỷ giá từ đầu năm 2023 đến nay chủ yếu dao động trong vùng 23.240 - 23.630 VND/USD, biên độ +/- 1,9%, ổn định hơn nhiều so với năm 2022 khi có lúc lên tới 24.692 VND/USD, biên độ +/- 4,2% so với tỷ giá trung tâm. Mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2023 ở mức thấp, nhưng xuất siêu 9,8 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm 2022 nhập siêu 0,47 tỷ USD và cùng kỳ năm 2021 chỉ xuất siêu 0,24 tỷ USD.

Các chuyên gia phân tích kỳ vọng, tình hình sẽ khả quan hơn từ quý III/2023 khi nhu cầu tại Mỹ, EU, Trung Quốc hồi phục, trong khi các doanh nghiệp đang nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu mới. Đồng thời, lượng kiều hối chuyển về đầu tư tại Việt Nam gia tăng khi kinh tế trong nước hồi phục, lãi suất tiền gửi vẫn ở mức hấp dẫn, bất động sản ở vùng giá thấp. Ngoài ra, Đáng chú ý, dự trữ ngoại hối cuối năm 2023 dự kiến sẽ cao hơn mức dự báo 95 tỷ USD của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, khi tình hình xuất nhập khẩu và FDI cải thiện hơn.

Vẫn cần theo dõi sát diễn biến tỷ giá

Điểm trừ với đồng Việt Nam hiện nay là lãi suất giảm, nhưng có nhiều điểm cộng như thặng dư thương mại, dự trữ ngoại hối tăng, lạm phát hạ nhiệt, FDI có tín hiệu tích cực…

Một lãnh đạo cao cấp BIDV nhận xét: “Tâm lý thị trường trở nên ổn định hơn, không còn hiện tượng găm giữ, đầu cơ USD trong bối cảnh niềm tin vào giá trị đồng nội tệ đã được cải thiện đáng kể từ đầu năm 2023 đến nay. Trên thị trường tự do, diễn biến tỷ giá bám khá sát tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng”.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định: “Giai đoạn tỷ giá biến động mạnh trong nửa cuối năm 2022 đã đi qua, tỷ giá trong 6 tháng cuối năm 2023 sẽ tiếp tục ổn định, biến động trong biên độ +/-3%, thấp hơn biên độ Ngân hàng Nhà nước cho phép là +/-5%”.

Trong khi đó, ông Lê Quang Trung dự báo, cuối năm 2023, đồng Việt Nam mất giá chỉ khoảng 2%.

Theo các chuyên gia phân tích của Yuanta Việt Nam, tỷ giá ổn định trở lại sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước ưu tiên ổn định lãi suất, xem xét mua ngoại tệ để tăng cung tiền ra nền kinh tế; các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng như các doanh nghiệp có nợ ngoại tệ lớn giảm thiểu rủi ro tỷ giá; các doanh nghiệp có dư nợ ngoại tệ lớn có thể sẽ hoàn nhập dự phòng một phần khoản lỗ tỷ giá, dù tỷ giá USD/VND đã tạo mặt bằng mới cao hơn so với bình quân năm 2022.

Bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Đông Nam Á, HSBC cho rằng, bất chấp đồng USD mạnh lên gần đây, đồng Việt Nam vẫn tương đối ổn định nhờ tình hình tài khoản vãng lai được cải thiện, thặng dư thương mại bình quân một tháng trong năm 2023 đạt 2 tỷ USD.

“Mặc dù vậy, diễn biến của cặp tỷ giá USD/VND vẫn cần theo dõi sát sao vì Fed nhiều khả năng chưa hoàn tất chu kỳ thắt chặt tiền tệ”, bà Yun Liu nói.

Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới khuyến nghị: “Khi lạm phát có dấu hiệu giảm dần, Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ cần theo dõi chặt chẽ sự khác biệt trong xu hướng điều hành chính sách của mình so với các nước khác, điều mà có thể tạo ra áp lực lên dòng vốn và tỷ giá”.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ để điều hành tỷ giá phù hợp, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục