Đồng yên đang trên đà trượt dài và đã tụt xuống mức thấp nhất từ đầu năm đến nay, điều này đã gây thất vọng cho các nhà giao dịch đã đặt cược vào khả năng phục hồi của đồng tiền trong năm nay.
JPY đã giảm mạnh gần 1% vào hôm qua (22/6) so với USD, giao dịch ở mức 143 JPY/1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022. So với đồng EUR, đồng JPY còn giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008 đến nay.
Đồ thị tỷ giá đồng USD/JPY (đồng JPY giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022 so với đồng USD) |
Lý do của sự trượt dốc của đồng JPY, theo các nhà quan sát thị trường, có thể là do sự chênh lệch ngày càng tăng giữa chính sách tiền tệ nới lỏng của Nhật Bản và những nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn khác.
Vào thứ Năm (22/6), Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã khiến thị trường ngạc nhiên khi tăng lãi suất thêm 0,5%, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng tăng thêm 0,25% và báo hiệu còn tăng tiếp, trong khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell đã báo hiệu rằng, Fed dự kiến sẽ còn vài lần tăng lãi suất nữa trong năm nay. Trong khi đó Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) lại vẫn giữ nguyên chính chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.
Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đã bày tỏ sự lo ngại về sự ổn định của đồng yên so với các đồng tiền của các đối tác thương mại lớn. Điều đó đặt ra câu hỏi liệu họ có nên can thiệp vào thị trường ngoại hối để hỗ trợ đồng tiền của mình hay không, như điều chính phủ Nhật Bản đã làm vào cuối năm ngoái, khi đồng yên chạm mức 151,95 JPY/1 USD, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Nhật Bản đã chi một khoản kỷ lục 6.300 tỷ yên (tương đương 44 tỷ USD) trong tháng 10/2022 để phanh đà trượt dốc của đồng tiền này.
Cuộc họp chính sách vào tháng 9 của BOJ được nhiều chuyên gia kinh tế và nhà giao dịch coi đó là một sự kiện tiềm ẩn nhiều rủi ro.