Lê Thị Phương Thảo, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Biển Phương: Tìm đáp án kinh doanh từ khách hàng

0:00 / 0:00
0:00
Lắng nghe ý kiến của người tiêu dùng để tinh chỉnh sản phẩm phù hợp thị hiếu, Lê Thị Phương Thảo cùng đội ngũ Biển Phương đã chinh phục được nhiều nhóm khách hàng với các dòng sản phẩm chay.
Lê Thị Phương Thảo, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Biển Phương Lê Thị Phương Thảo, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Biển Phương

Lắng nghe khách hàng

Biển Phương là một trong 22 dự án vừa được lựa chọn vào vòng bán kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp phát triển bền vững lần thứ 7, do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Công ty cổ phần Vinamit đồng tổ chức.

Được thành lập năm 2015, Biển Phương chuyên cung cấp nguyên liệu cho các công ty sản xuất sản phẩm từ thịt như cá viên, bò viên, xúc xích… Tháng 9/2019, với mong muốn chuyển đổi, doanh nghiệp trẻ này lập nhà xưởng tại Bình Chánh (TP.HCM), sản xuất sản phẩm chay.

Sản phẩm không được thị trường đón nhận như kỳ vọng. Phương Thảo và đội ngũ Biển Phương thừa nhận thất bại, quyết định dừng dự án để cắt lỗ và tìm hướng đi mới.

Khó khăn nối tiếp khó khăn khi thời điểm đó, trên thị trường thực phẩm chay xảy ra sự cố về sản phẩm pa-tê Minh Chay, khiến người tiêu dùng thận trọng hơn và không sẵn sàng thử sản phẩm của thương hiệu mới.

Phương Thảo kể, đầu năm 2020, Biển Phương bắt đầu thử nghiệm sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật và mang thành phẩm tham gia hàng loạt hội chợ, triển lãm hàng Việt ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như TP.HCM.

“Qua các hội chợ, chúng tôi không chỉ lắng nghe trực tiếp đánh giá và góp ý của hàng trăm khách hàng, mà có thể tiếp thị cho thương hiệu Biển Phương. Khi được trải nghiệm sản phẩm thực tế, khách hàng sẽ đến gần với doanh nghiệp hơn”, Phương Thảo chia sẻ.

Từ đây, cô cùng đội ngũ có thêm động lực để tiếp tục con đường đã chọn. Đến đầu năm nay, đội ngũ Biển Phương mạnh dạn đưa sản phẩm chả lụa chay ra thị trường, rồi tiếp tục phát triển thêm các dòng sản phẩm. Phương Thảo cho biết, thị trường quan trọng của Biển Phương gồm các tỉnh, thành phố có lượng lớn người dân theo đạo Phật, đạo Cao Đài…

Cũng nhờ thường xuyên trao đổi và lắng nghe ý kiến của khách hàng, Biển Phương đã nhanh chóng tinh chỉnh sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu từng khu vực.

Phương Thảo lấy ví dụ, ở miền Tây, khách hàng không thích chả lụa gói trong lá chuối và ưa dùng sản phẩm có vị ngọt, đậm đà, còn khách hàng ở Đà Nẵng lại thích sản phẩm có những đặc tính ngược lại.

“Lời giải cho mọi vấn đề trong bài toán kinh doanh sẽ có trong câu trả lời của khách hàng”, Phương Thảo nói

Mong muốn xây dựng cơ sở kinh doanh bền vững

Biển Phương hiện có 8 dòng sản phẩm chay, trong đó, chả nấm chay và chả uyên ương chay là 2 dòng sản phẩm bán chạy nhất. Bình quân mỗi tháng, Biển Phương sản xuất khoảng 26 tấn thành phẩm đưa ra thị trường. Doanh số đạt 400 - 500 triệu đồng/tháng, biên lợi nhuận ròng đạt khoảng 25%.

Phương Thảo chia sẻ, đội ngũ đặt kế hoạch đến năm 2023 sẽ tăng công suất sản xuất (bình quân đạt 70 tấn/tháng) thông qua việc đầu tư thêm máy móc nhằm gia tăng tỷ lệ tự động hóa. Ngoài hệ thống sản xuất đạt tiêu chuẩn HACCP hiện nay, Công ty hướng đến đạt tiêu chuẩn FDA để xuất khẩu đến các thị trường lớn, như Mỹ.

Với mong muốn xây dựng một cơ sở kinh doanh bền vững, Phương Thảo cùng đội ngũ Biển Phương luôn thận trọng từng bước phát triển để bám sát nhu cầu thực tế từ người tiêu dùng.

Biển Phương đã nghiên cứu về các sản phẩm chế biến từ thịt để có thể tạo ra công thức sản xuất các sản phẩm nguồn gốc thực vật với cấu trúc và mùi vị gần như tương đương, gọi là “sản phẩm thay thế thịt”. Đây là cách để Biển Phương thuyết phục người tiêu dùng ăn mặn lựa chọn mua sản phẩm chay của Biển Phương.

Phương Thảo cho biết, sản phẩm của Biển Phương chỉ dùng nguyên liệu từ đậu nành, bột mì, gia vị thuần chay, dầu thực vật và được xay, phối trộn, đóng hộp rồi hấp. “Chúng tôi hướng đến khách hàng là những người ăn theo chế độ giảm thịt hoặc ăn chay theo xu thế mới và những người trẻ có khuynh hướng thích sản phẩm mới mà vẫn đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng tối thiểu và khẩu vị phù hợp”, Phương Thảo nói.

“Sản phẩm thay thế thịt” là thuật ngữ dùng để chỉ các sản phẩm thực phẩm không làm từ thịt, nhưng có kết cấu, hương vị và hình dáng tương tự với thịt. Các protein thực vật không có dạng sợi giống như protein động vật hay protein được sản xuất trong ống nghiệm hoặc từ quá trình lên men. Thế nên, việc đạt được kết cấu giống thịt động vật (đặc biệt là thịt nguyên miếng) từ protein thực vật không dễ dàng.

Bên cạnh protein, các thành phần phụ gia cũng được bổ sung vào các sản phẩm thay thế thịt để cải thiện các tính chất cảm quan và độ dinh dưỡng của các sản phẩm.

Hồng Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục