Thay than chì bằng mỡ động vật tái chế
Từ sự kiện giải Nobel Vật lý năm 2010 liên quan đến phương pháp tách lớp graphene từ than chì, Lê Minh Tuấn (sinh năm 1983) cùng Lê Văn Giắt đã rời công việc đang mang lại mức lương ổn định để tìm phương pháp tạo nên graphene bằng cách khác.
Tuấn cho biết, các nhà vật lý giành giải Nobel nói trên dùng axit để tách lớp than chì (graphite) thành graphene. “Graphite là nguyên liệu đầu vào, cung cấp carbon cho graphene, nhưng chúng tôi nghĩ, tại sao không lấy loại khác cũng nhiều carbon để thay thế, không những giảm phát thải chất độc hại ra môi trường, mà còn có chi phí thấp hơn than chì”, Tuấn nói.
Sau quá nhiều thí nghiệm trong 7 năm ròng rã (từ 2010), Tuấn cùng Giắt rút ra kết luận, loại nguyên liệu có carbon mạch thẳng và mỡ động vật đã tinh chế (chỉ còn gốc C36H18O2) đáp ứng yêu cầu, với chi phí sản xuất chỉ 0,1 USD/gr.
Theo Tuấn, graphene có thể áp dụng vào tất cả ngành nghề sản xuất, từ sơn, xi măng đến sản phẩm trong ngành điện tử như màn hình cảm ứng, hay mỹ phẩm chăm sóc da…
Gần đây, nhà sản xuất xe đạp Dassi trở thành hãng đầu tiên tung ra thị trường loại xe đạp được sản xuất từ graphene (Dassi Interceptor).
Đến nay, khoảng 75% graphene chỉ được sử dụng trong các thí nghiệm khoa học và ngành hàng không vũ trụ, nhưng Tuấn tin rằng, nếu giá thành tạo nên nó rẻ hơn, thì khả năng ứng dụng vào cuộc sống sẽ rất lớn, bởi graphene được gọi là ‘vật liệu của tương lai’, với đặc tính bền hơn thép khoảng 100 lần, nhưng lại siêu mỏng, nhẹ.
Với việc ký kết thỏa thuận hợp tác với một số đối tác như Đại học quốc tế Chonbuk (Hàn Quốc), Viện nghiên cứu Becamex (Bình Dương)…, Nano Life đang cung cấp loại Graphene Layer (2-5 lớp) giá 40 USD/gr, Graphene Oxide giá 20 USD/gr và hạt Nano Graphene 1 USD/gr.
“Chúng tôi sẽ kết hợp với các đơn vị để cùng nghiên cứu, sản xuất sản phẩm từ graphene. Từ đó, Nano Life có thể xây dựng nhà xưởng, thay vì chỉ có phòng nghiên cứu như hiện nay”, Tuấn chia sẻ.
Hơn 2.000 ngày nghiên cứu
Nghe mô tả về quá trình sản xuất vật liệu graphene từ mỡ động vật tái chế có vẻ đơn giản khi chỉ thay đổi nguyên liệu đầu vào, nhưng hai đồng sáng lập dự án này đã phải trải qua nhiều lần thử rồi thất bại, nản chí và muốn từ bỏ.
“Quy trình này có nhiều bước nhỏ, chỉ cần thay đổi khí, nhiệt một chút sẽ tạo ra nhiều phương trình, hàng loạt phép thử khác nhau. Dù có động lực từ tăng lợi nhuận khi chi phí sản xuất thấp, nhưng không phải ai cũng làm được”, Minh Tuấn chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp ngành khoa học vật liệu - công nghệ nano và thạc sỹ khoan - khai thác dầu khí Đại học Bách khoa TP.HCM, Tuấn từng đầu quân vào Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro trước khi làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai, Khu công nghệ cao TP.HCM.
Khi làm kỹ thuật viên với các đề tài nghiên cứu từ cấp trên giao xuống, Tuấn thấy rằng, công sức dành cho dự án rất lớn, nhưng nhiều khi, dự án không được triển khai. Hay nhiều lần muốn thay đổi cách nghiên cứu cũng không thể. Đó chính là nguyên nhân khiến Tuấn quyết định chọn con đường khởi nghiệp dù gia đình, bạn bè đều phản đối.
Trong 2 năm đầu khởi nghiệp, Tuấn và Giắt đã dành toàn thời gian cho việc nghiên cứu tại một phòng thí nghiệm mượn của người quen ở huyện Củ Chi (TP.HCM).
Vốn để dành từ thời đi làm thuê dần cạn kiệt, trong khi sản phẩm đầu ra vẫn chưa xuất hiện, từ năm 2012 đến cuối năm 2016, cả hai đồng sáng lập này phải làm các công việc bán thời gian để kiếm tiền tiếp tục mua nguyên vật liệu cho việc nghiên cứu.
Khi ấy, Giắt nhận dự án của một công ty Mỹ rồi sang Mỹ làm việc, bởi anh còn phải lo trang trải cuộc sống của một người đã có gia đình. Ở Việt Nam, ngoài những việc làm bán thời gian, Tuấn duy trì trao đổi với Giắt rồi mò mẫm nghiên cứu.
“Tôi và gia đình có nhiều bất đồng, nên từ khi bỏ nguồn thu ổn định để khởi nghiệp, tôi không còn chỗ dựa từ hậu phương, không được động viên khi dự án bấp bênh. Rồi việc chia tay với bạn gái càng khiến tôi tự ti, nhưng quyết tâm phải tìm ra lời giải, nên thuyết phục anh Giắt tiếp tục dự án”, Tuấn nhớ lại quãng thời gian khó khăn.
Cứ thế, vừa làm bán thời gian, vừa dành tiền mua nguyên liệu về nghiên cứu, đến cuối năm 2016, quy trình sản xuất vật liệu graphene từ mỡ động vật tái chế dần hoàn thiện.
Đầu năm 2017, Công ty TNHH Nghiên cứu sản xuất và thương mại Nano Life được thành lập, trước khi vượt qua gần 1.500 dự án tham gia Cuộc thi Vietnam Startup Wheel năm 2018 để đạt giải “Ý tưởng sáng tạo nhất”.
Tại cuộc thi này, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị MoMo đánh giá, đây là sản phẩm rất khó, đòi hỏi công nghệ cao mà ngay cả trên thế giới còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, sẽ là bước đột phá rất lớn nếu sản phẩm này có thể thực sự sản xuất ở Việt Nam.
Đến nay, Nano Life đã nhận vốn đầu tư 50.000 USD từ ThinkZone, cũng như sự hỗ trợ về không gian làm việc, đào tạo nhân sự từ 2 đơn vị khác.
Tuấn cũng cho biết, Công ty đang hoàn tất các thủ tục về sở hữu trí tuệ trước khi thỏa thuận nhận thêm vốn đầu tư từ các quỹ. Trong đó, một quỹ của Hàn Quốc đang được cân nhắc, phần vì Hàn Quốc cũng là một trong những thị trường mục tiêu tiêu thụ sản phẩm của Nano Life, bên cạnh Nhật Bản, Mỹ và EU.
Cả hai đồng sáng lập Nano Life đều là dân nghiên cứu. Họ hiểu rõ, dự án cần tìm một đồng sự có năng lực kiếm tiền từ thành phẩm mà họ đã tạo ra. “Đều là dân nghiên cứu, còn non trong khả năng thương mại hóa sản phẩm, nên chúng tôi đang tìm ‘mảnh ghép’ phù hợp”, Tuấn nói.
Tuấn cho rằng, với sản phẩm đặc thù như graphene, hành trình tìm kiếm này sẽ mất khá nhiều thời gian.
Đầu năm 2017, Công ty TNHH Nghiên cứu sản xuất và thương mại Nano Life được thành lập, trước khi vượt qua gần 1.500 dự án tham gia Cuộc thi Vietnam Startup Wheel năm 2018 để đạt giải “Ý tưởng sáng tạo nhất”.